January 12, 2024 | 17:44 GMT+7

Lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần tại Hà Nội tăng hơn 20%

Nhật Dương -

Trong năm 2023, cơ quan Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội đã giải quyết cho gần 42.000 người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2022...

Người lao động làm thủ tục hưởng chế độ liên quan đến bảo hiểm tại Hà Nội. Ảnh - Thu Hằng.
Người lao động làm thủ tục hưởng chế độ liên quan đến bảo hiểm tại Hà Nội. Ảnh - Thu Hằng.

Theo Bảo hiểm xã hội Hà Nội, trong năm 2023 vừa qua, các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội được chi trả kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng.

NGƯỜI HƯỞNG CÁC CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM TĂNG CAO

Một trong số các chế độ có số lượng người hưởng cao là bảo hiểm xã hội một lần. Năm 2023, các cơ quan chức năng TP. Hà Nội đã giải quyết cho gần 42.000 người hưởng, tăng gần 7.700 người so với cùng kỳ năm 2022, tương ứng với mức tăng 22,54%. Tổng số tiền chi hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần là trên 2.300 tỷ đồng.

Ngoài chế độ bảo hiểm xã hội một lần, số lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn trong năm qua cũng tăng, với gần 82.000 người hưởng.

Số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng hơn 12.000 người, tương ứng với mức tăng 17,27% so với cùng kỳ năm 2022. Số tiền chi trả chế độ trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp là hơn 1.900 tỷ đồng; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 2 tỷ đồng.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu, điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động là có xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật, tức lao động phải được Bảo hiểm xã hội Hà Nội chốt sổ để có căn cứ tính tiền chi trả thất nghiệp.

Đáng chú ý, hiện có tình trạng nhiều người lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm nhưng chưa được giải quyết do doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, không đủ điều kiện chốt sổ.

Lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh - Thu Hằng.
Lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh - Thu Hằng.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng nhìn nhận, việc doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hoặc hoạt động cầm chừng dẫn đến người lao động thiếu việc làm, mất việc tăng theo. Từ đó kéo theo số lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, hưởng bảo hiểm thất nghiệp có chiều hướng gia tăng tăng.

Đa số nhóm này đều là người lao động có thu nhập thấp, khả năng tích lũy không nhiều, phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt rất lớn, họ phải rút tiền ra để chi tiêu, trang trải khó khăn...

ĐẨY MẠNH GIẢI PHÁP TẠO VIỆC LÀM, GIẢM TỶ LỆ THẤT NGHỆP

Để hạn chế tình trạng trên, giải pháp trước mắt trong năm 2024 được Bộ đặt ra là tăng cường công tác giám sát về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp ở các địa phương; quản lý chặt chẽ đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội, đối tượng thụ hưởng.

Đặc biệt là việc tổ chức thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, bù đắp được chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống. Đồng thời kịp thời hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm mới.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ước tính cả năm 2023, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 39,25%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng trên 31,58%.

Tại Hà Nội, ông Nguyễn Tây Nam, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xác định, trong những năm tới và đặc biệt trong năm 2024, thị trường lao động vẫn còn có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, trên đà đạt được của năm 2023, đặc biệt là kết quả giải quyết việc làm 6 tháng cuối năm, Sở tiếp tục làm tốt việc tổ chức đào tạo nghề cho người dân và hướng đào tạo nghề gắn với thị trường lao động Thủ đô.

Hàng năm, thành phố sẽ đều tổ chức Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động giúp cho nhiều người dân Thủ đô được tiếp cận với các đơn vị đào tạo nghề, doanh nghiệp tuyển dụng để có được việc làm.

Sở cũng tiếp tục đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố bố trí nguồn ngân sách, để hỗ trợ giải quyết việc làm cho người nghèo nói chung và các cái đối tượng chính sách khác nói riêng.

“Đây là kênh rất là quan trọng để mọi người dân đủ điều kiện được vay vốn tự tạo việc làm và giải quyết việc làm trên chính quê hương của mình”, ông Nam nhấn mạnh.

Cùng với đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh nâng cao hiệu quả của hoạt động của sàn giao dịch việc làm. Hiện nay, TP. Hà Nội có một sàn chính và 14 sàn vệ tinh tại các quận, huyện, thị xã.

Ngoài việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, còn có các phiên online và có những phiên lưu động tại các quận, huyện, thị xã với đa dạng đối tượng tham gia, giúp nhiều người có cơ hội tìm kiếm việc làm, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn thành phố.

Năm 2024, TP. Hà Nội dự kiến tổ chức 230 phiên giao dịch việc làm, trong đó bao gồm các phiên giao dịch việc làm hàng ngày, phiên online, phiên chuyên đề, phiên lưu động, tuyển dụng 20.000 lao động qua các phiên giao dịch việc làm.

Mặt khác, thành phố cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Dự kiến năm 2024, đưa 4.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu tập trung tại một số thị trường có thu nhập cao, ổn định như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate