November 15, 2023 | 15:24 GMT+7

Thủ tướng yêu cầu tạo điều kiện cho lao động rút bảo hiểm một lần trở lại đóng tiếp

Phúc Minh -

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp để hạn chế tình trạng người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần; có chính sách tạo điều kiện để người lao động đã hưởng chế độ này quay trở lại đóng tiếp bảo hiểm xã hội...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đây là một trong những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được nêu trong công văn của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc thực hiện các nội dung được chuyển đến từ báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội. 

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp để hạn chế tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, tự ý cắt giảm lao động.

Đặc biệt là tình trạng người lao động đề nghị giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần, đồng thời có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để người lao động đã giải quyết chế độ bảo hiểm một lần quay trở lại đóng bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động để hạn chế việc trục lợi hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Trong đó, về quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo Luật đề xuất 2 phương án.

Phương án 1: Quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau:

Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng, có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật sửa đổi có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì không được nhận bảo hiểm xã hội một lần. Chỉ giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật hiện hành.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm, mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Theo Báo cáo tổng kết Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động, trong 7 năm (từ 2016 - 2022) đã có gần 5 triệu lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Trong số này chỉ có gần 1,3 triệu người quay lại tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội (chiếm tỷ lệ 26% số lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần).

Như vậy trong giai đoạn này, ước khoảng 3,5 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần và rời bỏ hoàn toàn hệ thống bảo hiểm xã hội, chiếm tỷ lệ hơn 70% số lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tình trạng người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong thời gian qua tiếp tục gia tăng. Trong 10 tháng năm 2023, số người rút bảo hiểm xã hội một lần là gần 1 triệu người, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm khoảng 5% tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần ngày càng tăng là do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, dẫn đến người lao động thiếu việc làm, mất việc tăng theo. Đa số người lao động có thu nhập thấp, khả năng tích lũy không nhiều, phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt rất lớn, họ phải rút tiền ra để chi tiêu, trang trải khó khăn.

Bên cạnh đó là thiếu sự liên kết, hỗ trợ từ chính sách bảo hiểm tự nguyện. Quy định điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu 20 năm để hưởng lương hưu như hiện hành là quá dài. Công tác tuyên truyền cũng chưa thực sự hiệu quả, chưa giúp người lao động hiểu đầy đủ về lợi ích của chính sách bảo hiểm xã hội...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate