Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, theo ghi nhận của các cấp công đoàn, số người lao động quay trở lại làm việc chiếm tỷ lệ cao, không xảy ra đình công.
Tại Hà Nội, theo ghi nhận của Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội, tính đến ngày 27/1, có trên 83% doanh nghiệp, với 94,67% công nhân lao động tại các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội quay trở lại làm việc.
Theo Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, nhìn chung công tác nắm bắt tư tưởng đoàn viên, công nhân lao động dịp Tết được triển khai đồng bộ, công đoàn đã kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quan hệ lao động. Vì vậy, dịp Tết Nguyên đán, không có hiện tượng đình công, ngừng việc tập thể, sau Tết, tỷ lệ công nhân lao động quay trở lại làm việc cao.
Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội cũng lưu ý, sau Tết, nhiệm vụ quan trọng nhất là phải tập trung bảo đảm ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, do đó công đoàn cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, chính quyền đồng cấp quan tâm, chăm lo tới người lao động. Đồng thời, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động; phối hợp chặt chẽ với Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội không để xảy ra tình trạng đình công.
Cùng với đó, cần tiếp tục rà soát, làm hồ sơ hỗ trợ đoàn viên, người lao động khó khăn do bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng theo Nghị quyết 06/NQ-ĐCT của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhằm góp phần chia sẻ, giảm bớt khó khăn cho đoàn viên, người lao động.
Tại TP.HCM, theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố, tính đến ngày 27/1 (mùng 6 Âm lịch) đã có hơn 42% doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động trở lại, hơn 50% doanh nghiệp sẽ hoạt động vào ngày 30/1 (mùng 9 Âm lich). Nguyên nhân là do mùng 6 Âm lịch rơi vào ngày thứ Sáu nên một số doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động được nghỉ đến hết tuần và trở lại làm việc vào mùng 9 Âm lịch.
Với các doanh nghiệp trở lại làm việc trong ngày mùng 6 Âm lịch, tỷ lệ lao động đến làm chiếm 95%. Trong đó, lao động làm việc trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm hơn 94%, doanh nghiệp nhà nước chiếm hơn 97%.
Đánh giá về tình hình quan hệ lao động trong dịp Tết 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho biết là cơ bản ổn định, ít xảy ra tranh chấp và ngừng việc; các cấp công đoàn đã chủ động thực hiện, phối hợp với các chính quyền các cấp làm tốt việc phòng ngừa tranh chấp lao động trước Tết, qua đó giảm số cuộc ngừng việc tập thể so với dịp Tết năm 2022.
Cũng theo đánh giá của tổ chức công đoàn, do được chăm lo tốt với thưởng Tết một tháng lương, bố trí các chuyến xe đưa và đón công nhân trở lại sau Tết, tổ chức các hoạt động Tết sum vầy, chợ công đoàn, nên đã tạo được sự gắn bó giữa người lao động với doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, trước tình hình doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng, cơ quan này dự báo sẽ có thêm lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, bao gồm cả mất việc làm, giảm giờ làm, tạm ngừng việc, hoãn hợp đồng lao động, có thể khiến tình hình quan hệ lao động sẽ có những diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới.
Về tình hình lao động, việc làm đầu năm 2023 nói chung, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định, dự kiến trong thời gian tới, tình hình kinh tế - xã tiếp tục được duy trì phát triển ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ sớm ổn định trở lại. Theo đó tình hình thị trường lao động sẽ tiếp tục trở lại đà phục hồi, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng.
Tuy nhiên, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh ở một số ngành thâm dụng lao động bị cắt giảm đơn hàng như dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí công nghiệp phụ trợ sẽ tiếp tục gặp khó khăn, có thể tiếp tục xảy ra đến hết quý 1/2023. Do đó sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới vấn đề bảo đảm việc làm cho người lao động trong các nhóm ngành này.