December 19, 2024 | 21:14 GMT+7

Lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm dịp Tết Ất Tỵ

Thu Hằng -

Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sẽ thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành tại 10 tỉnh, thành phố. Tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Y tế cho biết Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đang tới gần, đồng thời sau Tết là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước với nhiều lượt khách tham dự. Dịp Tết cũng là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu…

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm. Bên cạnh thời tiết phía Bắc thường ẩm ướt, phía Nam thường nắng nóng, đây là những yếu tố thời tiết ảnh hưởng lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.         

Vì vậy, để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết và lễ hội Xuân 2025, phục vụ nhân dân đón Tết, vui xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, đồng thời đảm bảo phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm vừa ban hành Kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp này.

Mục tiêu khi triển khai kế hoạch là nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao; các làng nghề chế biến thực phẩm; các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.

Thời gian triển khai từ ngày 20/12/2024 đến hết ngày 25/3/2025 trên phạm vi trên cả nước.

Tại Trung ương, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sẽ thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, TP. HCM, Đồng Nai, Trà Vinh, và Sóc Trăng.

Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

Trong đó, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết và các lễ hội, như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm…, và các cơ sở dịch vụ ăn uống.

Các đoàn của tuyến tỉnh tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm là đầu mối lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại.

Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp huyện, xã thực hiện kiểm tra.

Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương theo trách nhiệm phân công quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, chịu trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra các sản phẩm, nhóm sản phẩm thuộc phạm vi quản lý.

Đồng thời, chủ trì phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực và các địa phương, tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết và lễ hội Xuân 2025 đối với Ủy ban nhân dân/Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực của cấp tỉnh thuộc các địa bàn được phân công trong kế hoạch này.

Đối với công tác quản lý về an toàn thực phẩm, các đoàn kiểm tra của tuyến trên sẽ làm việc với Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm của tuyến dưới. Qua đó, nắm bắt tình hình công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại địa phương; việc triển khai các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm và triển khai công tác kiểm tra.

Trong quá trình kiểm tra sẽ kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, tiến hành thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tại các cấp, từ cấp tỉnh đến cấp xã; phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị liên quan triển khai kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Tương tự, việc kiểm tra tập trung vào các sản phẩm/nhóm sản phẩm: thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm...; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate