Tại diễn đàn “Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 19/8, các ý kiến đều nhận định, những tác động tiêu cực do dịch Covid-19 đã khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Khó chồng khó hơn khi xung đột tại Ukraine, lạm phát gia tăng ở các nước lớn, chính sách zero Covid tại Trung Quốc… càng khiến doanh nghiệp thêm “khó thở”.
LUÔN SÁNG TẠO, ĐỔI MỚI, TẠO GIÁ TRỊ THỰC
Trước bối cảnh này, các diễn giả đều nhận định, khó khăn lại chính là cơ hội để doanh nghiệp thay đổi, bứt phá thông qua các giải pháp tăng năng lực cạnh tranh để phục hồi và phát triển bền vững.
Bà Trần Phương Trà, Giám đốc mạng lưới chính sách kinh tế EPNet, AVSE Global nhận định, hiện nay nhu cầu của người tiêu dùng đang thay đổi rất nhanh. Trong đó, tăng trưởng xanh là xu hướng và ngày một trở nên cần thiết hơn. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần có khả năng đổi mới sáng tạo mạnh mẽ để đảm bảo khả năng thích ứng với sự biến đổi hiện tại.
Nhìn từ góc độ các doanh nghiệp trên thế giới, bà Trà cho rằng dù là tập đoàn đa quốc gia hay các doanh nghiệp nhỏ thì sự ưu tiên lớn nhất với họ là năng suất, sau đó là chất lượng sản phẩm. Nhưng với nhóm doanh nghiệp xuất sắc nhất gồm các tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp tốp đầu, họ tập trung vào tốc độ và sự linh hoạt. Quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp là tập trung vào việc tạo ra những giá trị khác biệt cho doanh nghiệp.
Dẫn chứng bài học từ tập đoàn hàng đầu của Pháp là Thales, bà Trà phân tích, tập đoàn này đã tập trung vào từng cá nhân trong doanh nghiệp. Họ mời các nhân viên của mình tham gia vào các cuộc thi, đóng góp ý tưởng… để cải thiện bộ máy vận hành, xây dựng tương tác, đồng thời tạo tương tác giữa người và máy.
Đặc biệt, Thales đã sử dụng nền tảng bán lẻ trực tuyến như một lợi thế cạnh tranh để hỗ trợ các mục tiêu ngắn hạn, đồng thời đối phó với các thách thức trong tương lai.
Từ những kinh nghiệm quốc tế, bà Trà rút ra, các doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng tư duy luôn luôn tạo ra giá trị. Bên cạnh đó, cần xây dưng các kế hoạch hành động cụ thể, xác định ưu tiên các chương trình tạo ra giá trị cho doanh nghiệp như với tăng trưởng xanh, cần đánh giá tính bền vững,…
Với khía cạnh tổ chức, đổi mới sáng tạo cần gắn liền với tổ chức, gắn với chiến lược để vận hành có tính hệ thống. Trong đó, bà Trà nhấn mạnh, văn hóa sáng tạo, khởi nghiệp là môi trường tạo tiền đề cho những đổi mới sáng tạo về quy trình, sản phẩm và công nghệ.
Đồng tình, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát, chia sẻ, Tân Hiệp Pháp đã chủ động đầu tư vào các hệ thống công nghệ thông tin và công nghệ quản trị để cải tiến doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng đã tận dụng cơ hội từ đại dịch để đẩy mạnh chuyển đổi số
Yếu tố con người cũng là một khía cạnh được bà Phương nhấn mạnh. Theo đó, các doanh nghiệp cần khuyến khích các nhân viên phát triển bản thân, vượt qua giới hạn để từ đó tạo ra giá trị lớn hơn cho chính mình và cho tổ chức.
PHẢI HIỂU RÕ CHUỖI CUNG ỨNG
Không chỉ sáng tạo từ trong nội bộ doanh nghiệp mà khi ra “biển” lớn, doanh nghiệp cũng phải khẳng định được sức mạnh của mình. Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, cho rằng Việt Nam đã đẩy mạnh hội nhập kinh tế thông qua ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Nhờ vậy, trong 2 năm qua, mặc dù kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, nhưng xuất khẩu Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khả quan.
Song để nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp trên thị trường toàn cầu, theo ông Trịnh Minh Anh, cần đón đầu và tận dụng cơ hội về dòng vốn dịch chuyển đầu tư, đặc biệt là dòng vốn đầu tư của các nước ra khỏi Trung Quốc, Hongkong...
Chú trọng khai thác thị trường Trung Quốc. Bởi quốc gia này đã, đang và sẽ là thị trường quan trọng của Việt Nam trong xuất nhập khẩu, đối với cả chính ngạch và biên mậu.
Đồng thời, khai thác cơ hội ở các thị trường Việt Nam đã có FTA đặc biệt là EU, Hoa Kỳ... theo các hướng: xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp; ăn theo xu hướng đầu tư, sản xuất, xuất nhập khẩu của các tập đoàn, doanh nghiệp của các quốc gia khác.
Song cần hết sức chú ý đến vấn đề nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của sản phẩm. Để tận dụng tối đa ưu đãi của 15 FTA, doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với các ngành, cơ quan chức năng. Cần tìm hiểu rõ chuỗi cung ứng của mình để cố gắng lấp hoặc tham gia lấp đầy các chỗ đứt gãy của các chuỗi cung ứng này.
Là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam, cho biết châu Âu có chiến lược phát triển bền vững với 3 trụ cột: bảo vệ môi trường, thúc đẩy quyền con người và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Ba trụ cột này cũng được thể hiện trong Hiệp định EVFTA.
Do đó, ông Minh cho rằng các chiến lược, mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới cần thay đổi, điều chỉnh và gắn với chữ “xanh”.