October 30, 2024 | 16:43 GMT+7

Lấp đầy khoảng trống tài chính đối với an sinh xã hội

Ánh Tuyết -

Biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng về tần suất và khó đoán định trở thành gánh nặng khi mở rộng an sinh xã hội. Trao đổi tại sự kiện công bố báo cáo về "An sinh xã hội thế giới giai đoạn 2024-2026" do ILO tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng chi tiêu công cho an sinh xã hội thông qua các giải pháp tài chính mới để mở rộng không gian tài khóa...

Mức chi cho an sinh xã hội tại Việt Nam (không bao gồm y tế) chỉ khoảng 4% GDP, trong khi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 8%.
Mức chi cho an sinh xã hội tại Việt Nam (không bao gồm y tế) chỉ khoảng 4% GDP, trong khi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 8%.

Ngày 30/10, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức lễ công bố báo cáo về "An sinh xã hội thế giới giai đoạn 2024-2026".

Đây là sự kiện tập hợp đánh giá về các hệ thống an sinh xã hội trên thế giới thích ứng với các xu hướng lớn, trong đó có biến đổi khí hậu, từ đó đưa ra các khuyến nghị về chính sách để các quốc gia trên thế giới thực hiện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững 2030.

 THÁCH THỨC BAO PHỦ AN SINH XÃ HỘI TOÀN DÂN

Phát biểu tại lễ công bố, GS. TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhấn mạnh rằng để một quốc gia phát triển một cách bền vững, an sinh xã hội là một trong những mục tiêu then chốt mà các quốc gia luôn hướng tới.

Hệ thống an sinh xã hội đóng vai trò quan trọng nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, thúc đẩy công bằng xã hội và thực hiện quyền an sinh cho toàn dân nên các chính sách an sinh xã hội đã và đang trở thành yếu tố thiết yếu trong chiến lược phát triển của các quốc gia nhằm giảm nghèo, nâng cao mức thu nhập và đời sống của các gia đình, đồng thời thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển việc làm bền vững.

Những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam có những bước tiến quan trọng hơn nữa nhằm tạo cơ sở cho việc từng bước mở rộng mức độ bao phủ an sinh xã hội, được thể hiện trong Nghị quyết 28-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; Nghị Quyết 42-NQ/TW năm 2023 về đổi mới chính sách xã hội, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 và đang sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế và Luật Việc Làm.

Những thay đổi này đưa Việt Nam tiếp cận gần hơn đến việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), phù hợp với các Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế (ILS) và các thông lệ quốc tế tốt nhất.

Các đại biểu trao đổi về những thách thức trong việc mở rộng an sinh xã hội cho toàn dân.
Các đại biểu trao đổi về những thách thức trong việc mở rộng an sinh xã hội cho toàn dân.

Tuy nhiên, theo ông Chương, hiện Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, ví dụ như thị trường lao động phi chính thức còn lớn và tốc độ già hoá dân số nhanh trong điều kiện thu nhập trung bình. 

Đặc biệt, trong những năm gần đây biến đổi khí hậu đang nổi lên là một thách thức lớn và Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất.

"Thực tế đó ảnh hưởng đến tất cả chúng ta và là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với công bằng xã hội hiện nay. Điều này đã được nhấn mạnh trong báo cáo của ILO an sinh xã hội thế giới 2024-2026", lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nêu rõ.

Ông André Gama, Giám đốc Chương trình an sinh xã hội ILO, cho rằng khủng hoảng khí hậu ảnh hưởng khác nhau với các nhóm dân số, trong đó, phụ nữ và trẻ em gái thường đứng mũi chịu sào trong các cuộc khủng hoảng khí hậu. 

KHOẢNG TRỐNG TÀI CHÍNH TẠI NHIỀU QUỐC GIA

Chỉ rõ điểm mới về diện bao phủ an sinh xã hội tại sự kiện, ông Nguyễn Hải Đạt, Điều phối Chương trình an sinh xã hội Văn phòng ILO tại Việt Nam, cho biết hơn một nửa dân số thế giới (52,4%) được bao phủ an sinh xã hội, nghĩa là ít nhất người dân được hưởng một chế độ an sinh xã hội. Con số này ở Châu Á - Thái Bình Dương cao hơn là 53,6%, cải thiện rõ rệt từ mức 34% (2015). 

Dù đạt được nhiều tiến bộ song hiện vẫn còn khoảng trống lớn về an sinh xã hội. Đi sâu vào các chế độ, ông Đạt cho rằng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vẫn còn thấp hơn ở một số chế độ an sinh xã hội, đặc biệt là trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp tai nạn lao động. 

Cùng với đó, trên toàn thế giới có 3,8 tỷ người chưa được bao phủ an sinh xã hội, trong đó, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là 2,1 tỷ người.

Lấp đầy khoảng trống tài chính đối với an sinh xã hội - Ảnh 1

Cũng theo đại diện ILO tại Việt Nam, đầu tư cho an sinh xã hội khá thấp ở Châu Á - Thái Bình Dương, khi tổng chi tiêu công cho an sinh xã hội (không bao gồm y tế) tương đương 8% GDP,  chi tiêu của chính phủ cho y tế khoảng 3,8% GDP, tại các quốc gia Đông Nam Á thậm chí còn ở mức thấp hơn.

Trao đổi với VnEconomy,  GS. TS. Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp, Trường Kinh tế và Quản lý công (Đại học Kinh tế Quốc dân), cho biết tại Việt Nam, chi thường xuyên từ ngân sách dành cho các khoản như trợ cấp hưu trí, trợ cấp hàng tháng cho người cao tuổi... Bên cạnh đó, Việt Nam còn đối diện với nhiều sự kiện khẩn cấp, thời tiết cực đoan như cơn bão Yagi số 3 vừa qua nhưng không chuẩn bị trước, bao phủ hệ thống an sinh xã hội thì số tiền phải chi trả lớn hơn nhiều.

 

"Việt Nam dành khoảng 4% GDP cho an sinh xã hội (không bao gồm y tế). Nếu tính chi thêm cho y tế (3,8% GDP) thì "khoảng trống", chênh lệch ở Việt Nam so với thế giới khoảng 8%, ở mức khá cao". 

Ông Nguyễn Hải Đạt, Điều phối Chương trình an sinh xã hội Văn phòng ILO tại Việt Nam.

Gợi mở chính sách mở rộng không gian tài khoá cho an sinh xã hội, vị chuyên gia này cho rằng các doanh nghiệp phát thải nhiều thì phải chịu thuế carbon cao hơn, điều này có thể tạo ra nguồn thu ngân sách đáng kể cho các quốc gia.

Tuy nhiên, khi chuyển đổi nhà máy điện than bằng năng lượng tái tạo, điện mặt trời thì người lao động lại dễ tổn thương trong quá trình chuyển đổi, nguy cơ mất việc ở độ tuổi 35-40 rất lớn. Do đó, nguồn thu từ thuế carbon có thể tài trợ cho chính sách an sinh xã hội, chính sách này cần tiển khai phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Đại diện ILO cũng cho biết hành động để giải quyết biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp có thể gây mất việc làm trong một số lĩnh vực nhất định. Bù đắp thông qua hệ thống an sinh xã hội là một công cụ chính sách đã được triển khai thành công tại nhiều quốc gia. 

Theo đó, tích hợp an sinh xã hội vào các chính sách khí hậu là điều cần thiết để đạt được kết quả công bằng và bền vững, vì có thể bảo vệ người dân trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp và có sức chống chịu tốt hơn.

Chẳng hạn, tại Iran đã giảm trợ cấp nhiên liệu và chuyển đổi thành một dạng trợ cấp thu nhập toàn dân, từ đó, giúp bao phủ 86,8% trẻ em và 100% nhóm dân số dễ bị tổn thương. Canada sử dụng chính sách tăng giá sử dụng carbon và bổ sung chương trình trợ cấp trẻ em từ 41-75 USD cho các gia đình có trẻ em.

Ông André Gama nhấn mạnh đảm bảo an sinh xã hội được đảm bảo tài chính bền vững và công bằng, trong đó, lấp đầy khoảng trống tài chính và đảm bảo đủ không gian tài khóa ở cấp quốc gia là điều cần thiết. Bên cạnh đó, huy động sự hỗ trợ của quốc tế trong bối cảnh cần thiết. Khai thác tài chính khí hậu cho an sinh xã hội ở cấp quốc gia và quốc tế.

Để đối phó với những thách thức kể trên, các đại biểu tại sự kiện đều nhấn mạnh an sinh xã hội toàn dân là công cụ hàng đầu hiện có, giúp đảm bảo khủng hoảng khí hậu không làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Theo ông Seán Farrell, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam, trong bối cảnh ngày càng nhiều người dân bị bỏ lại phía sau do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, an sinh xã hội chính là công cụ hữu hiệu giảm đói nghèo, giúp các đối tượng dễ tổn thương chống chịu trước biến đổi khí hậu và thiên tai. Hệ thống an sinh xã hội đang chuyển đổi để người nghèo tham gia nhiều hơn, Đại sứ quán Ireland chia sẻ cùng tầm nhìn với ILO trong việc tăng cường hệ thống an sinh xã hội, bao phủ an sinh xã hội toàn dân.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate