Đây là một trong những giải pháp được Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết sẽ triển khai trong thời gian tới để giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2023.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc; Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tăng cường triển khai các giải pháp, phấn đấu giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2023 xuống mức thấp nhất.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội các tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (gọi chung là bảo hiểm xã hội).
Cụ thể, thông qua việc hằng tháng gửi thông báo kết quả đóng bảo hiểm xã hội tới đơn vị sử dụng lao động và người lao động để đơn vị biết và đóng đầy đủ, kịp thời; chủ động phân tích dữ liệu thu để kịp thời phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bất thường về số người, mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; triển khai các hoạt động kiểm tra, thanh tra đối với các đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên…
Nhờ thực hiện các giải pháp, cuối năm 2022, tỷ lệ chậm đóng bảo hiểm xã hội (có tính lãi) của các đơn vị tham gia chỉ chiếm 2,91% trên số phải thu, đây là tỷ lệ chậm đóng thấp nhất từ trước đến nay.
Để đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người lao động, phấn đấu giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội xuống mức thấp nhất, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh thực hiện nghiêm các quy định, quy trình quản lý thu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả. Hằng tháng, thực hiện việc thông tin, thông báo kết quả đóng bảo hiểm xã hội tới đơn vị sử dụng lao động và người lao động để đơn vị biết và đóng đầy đủ, kịp thời.
Trường hợp đơn vị chậm đóng từ 1 tháng đến dưới 3 tháng, thực hiện gửi thông báo đôn đốc đến đơn vị. Nếu đơn vị không đóng tiền, lập biên bản hành vi vi phạm theo quy định.
Đối với đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên, tổ chức thanh tra chuyên ngành đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an lập và chuyển hồ sơ, tài liệu để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của tỉnh về tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội của các đơn vị trên địa bàn. Chủ động đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ thu nợ liên ngành và xử lý nghiêm đơn vị vi phạm việc đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Bảo hiểm xã hội các tỉnh lập danh sách đơn vị đã đôn đốc nộp tiền chậm đóng hoặc đã thanh tra đột xuất và vi phạm hành chính nhưng cố tình không đóng bảo hiểm xã hội để thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương và Trung ương.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng yêu cầu Bảo hiểm xã hội các địa phương tiếp tục tổ chức tuyên truyền, đối thoại với đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp để phổ biến các quy định, chính sách mới, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Đồng thời, đôn đốc đơn vị đóng bảo hiểm xã hội kịp thời, không để phát sinh số tiền chậm đóng mới. Phối hợp với công đoàn cơ sở, đơn vị sử dụng lao động vận động người lao động cài đặt ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” trên nền tảng thiết bị di động để người lao động theo dõi, giám sát quá trình đóng và quyền lợi hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Giải pháp nữa cũng được đề cập là xây dựng kế hoạch cụ thể theo tuần, tháng đối với lãnh đạo và các phòng chức năng liên quan, giao trách nhiệm cho lãnh đạo, cán bộ chuyên quản làm việc, nắm bắt, xử lý thông tin, đôn đốc doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội kịp thời. Xem đây là tiêu chí để đánh giá, chấm điểm thi đua, khen thưởng của tập thể, cá nhân hằng quý và cả năm.