Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Phó Chủ tịch Hội đồng.
Các thành viên gồm lãnh đạo các Bộ: Tài chính; Giao thông vận tải; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Quốc phòng; Công an; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tư pháp; Khoa học và Công nghệ. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định.
Trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, các thành viên Hội đồng, cơ quan thường trực Hội đồng thực hiện theo quy định tương ứng tại Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14 Nghị định số 35/2021/NĐ - CP.
Chi phí thẩm định của Hội đồng thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định số 35/2021/NĐ - CP.
Hội đồng được sử dụng con dấu và tài khoản (nếu cần) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phục vụ cho hoạt động của Hội đồng.
Các cơ quan có thành viên thuộc Hội đồng thẩm định liên ngành có văn bản cử người gửi về cơ quan thường trực Hội đồng trước ngày 1/11/2023.
Được biết, cao tốc đoạn Dầu Giây - Tân Phú được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại các Quyết định số 1045/QĐ-TTg ngày 06/9/2022. Đây là phân đoạn đầu tiên của tuyến cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương (Lâm Đồng) có tổng chiều dài khoảng 200 km.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú có điểm đầu (Km0) giao với Quốc lộ 1 tại khoảng Km1829+500, trùng với điểm cuối cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, thuộc địa phận thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối (Km60+243.83), vượt qua vị trí giao cắt với Quốc lộ 20 (tại khoảng Km69+400 - Quốc lộ 20) khoảng 200 m, thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Tổng chiều dài cao tốc Dầu Giây - Tân Phú khoảng 60,24 km, đi qua địa bàn các huyện: Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú được xác định có quy mô đầu tư trong giai đoạn hoàn chỉnh là 4 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường 24,75 m, vận tốc 100 km/h.
Trong phân kỳ giai đoạn 1, dự án sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Tuy nhiên, tại các vị trí xử lý đất yếu, nền đường đào sâu, đắp cao, phạm vi nút giao liên thông, điểm dừng xe khẩn cấp, công trình cầu trên chính tuyến vẫn được thiết kế mặt cắt ngang theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 24,75 m.
Với quy mô đầu tư như trên, tổng mức đầu tư dự án là 9.035,4 tỷ đồng, trong đó 2 khoản kinh phí lớn nhất là giải phóng mặt bằng 1.269 tỷ đồng và chi phí xây dựng 5.537,2 tỷ đồng. Chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng được xác định là 531,7 tỷ đồng.
Theo đó, phần vốn do nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp là 7.753,450 tỷ đồng; vốn nhà nước tham gia 1.300 tỷ đồng.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đang khẩn trương triển khai các thủ tục theo quy định để sớm phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo, đáp ứng tiến độ yêu cầu theo chủ trương đầu tư đã được phê duyệt.
Việc sớm đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú sẽ giảm tải cho Quốc lộ 20, tạo liên kết nhanh về giao thông của khu vực gồm các tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng với TP. Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ đó, tạo điều kiện để các địa phương chuyển đổi cơ cấu theo hướng đô thị hóa và công nghiệp hóa, tạo đà cho các hoạt động đầu tư, thương mại và dịch vụ, lưu thông hàng hóa.