January 10, 2022 | 06:00 GMT+7

Lấp khoảng trống nhà ở công nhân: Cần sửa luật

Ban Mai -

Thu nhập công nhân rất hạn chế, việc mua nhà là không dễ, vấn đề đối với phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp thì cơ chế chính sách, nguồn lực thế nào? Ai sẽ tạo ra hệ thống nhà ở cho công nhân?…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, cả nước có 63/64 địa phương đã triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở công nhân. Trong giai đoạn 2021-2025, nhu cầu về nhà ở xã hội cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp là 294.600 căn, tổng mức đầu tư 220.000 tỷ đồng.

 BỎ NGỎ NHÀ Ở CÔNG NHÂN

Tại hội thảo “Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân” mới đây, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng, cho biết vấn đề tạo lập nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp trước đây đã từng đặt ra ngay từ thời bao cấp, nhà máy ở đâu sẽ có khu nhà ở, khu tập thể cho công nhân ở đó. Khi đổi mới đã xóa bỏ bao cấp nhà ở, xóa bỏ nhà ở công nhân và chuyển thành dạng nhà ở xã hội và dẫn đến thiếu nhà ở cho công nhân.

Trong quá trình đổi mới, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào rất lớn đã tạo nên các khu công nghiệp phát triển mạnh mẽ, nhưng đã không chủ động hình thành các khu nhà ở cho công nhân dẫn đến bức xúc như hiện nay. Đặc biệt, qua đợt dịch Covid-19 đã thể hiện sự mất cân đối giữa khu công nghiệp và nhà ở công nhân.

Trong 10 năm qua, quá trình đô thị hoá tại Việt Nam diễn ra rất nhanh. Ông Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, thống kê: tính đến tháng 12/2020.tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 39,3%, với 862 đô thị các loại.

Quá trình đô thị hóa có tác động rất lớn đến các khu vực phát triển các ngành công nghiệp, khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Cả nước có 350 khu công nghiệp, khu chế xuất với khoảng 2,7 triệu công nhân lao động, chiếm 20% số công nhân lao động trên cả nước (chưa kể 730/968 cụm công nghiệp đang hoạt động với trên 580.500 lao động).

Các khu công nghiệp mới đang ở mô hình sơ khai, phần lớn các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động (may mặc, lắp ráp, điện tử...) đã tạo ra lực hút, dẫn đến sự bùng nổ dịch cư nông thôn - khu công nghiệp.

Vấn đề quản lý hành chính đối với người lao động tại các điểm định cư công nghiệp vẫn còn bỏ ngỏ, chưa tương đồng với quản lý đô thị, quản lý nông thôn, vì thế chưa có khái niệm về “điểm dân cư công nghiệp”, “thị tứ công nghiệp” hoặc “đô thị công nghiệp”.

Từ thực trạng trên dẫn đến nhiều hạn chế trong việc xây nhà ở xã hội thời gian qua. Theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Sakae Việt Nam Trần Đức Lợi, số lượng nhà ở công nhân có quy mô bài bản đang rất thiếu, khi phỏng vấn đa số công nhân cho biết họ chưa có nhà ở.

 
Thực tế, nhà ở công nhân đã được triển khai một số nơi nhưng đối tượng mua lại không phải công nhân.
Ông Trần Đức Lợi, Tập đoàn Sakae Việt Nam.

Nguyên nhân khiến các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu do dự án thiếu đồng bộ với việc xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội (nhà trẻ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, bưu điện, chợ, siêu thị…), quy hoạch, thiết kế và quản lý không phù hợp với đặc thù sinh hoạt, làm việc.

Công ty Sakae Việt Nam kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét và cho phép việc nghiên cứu thí điểm mô hình quy hoạch phát triển tích hợp công nghiệp (4.0) và dân cư trong các đồ án quy hoạch tỉnh, quy hoạch khu kinh tế cũng như quy hoạch phân khu tại các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Nam, Hưng Yên.

CẦN SỬA NHIỀU LUẬT, TẠO CƠ CHẾ

Thực tế cũng cho thấy, thu nhập công nhân rất hạn chế, việc mua nhà là không dễ. Ông Lê Quang Hùng đặt vấn đề đối với phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp thì cơ chế chính sách, nguồn lực... thế nào? Ai sẽ tạo ra hệ thống nhà ở công nhân? Doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghiệp phải có hệ thống nhà ở công nhân hay bản thân doanh nghiệp sử dụng lao động phải lo? Hay những doanh nghiệp bất động sản bắt tay đầu tư?…

Phiên thảo luận tại hội thảo “Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân”  do Tổng hội Xây dựng Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị tổ chức mới đây.
Phiên thảo luận tại hội thảo “Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân”  do Tổng hội Xây dựng Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị tổ chức mới đây.

Giải pháp từ phía Tổng công ty Becamex Bình Dương, ông Nguyễn Văn Thanh Huy, Phó Tổng Giám đốc, cho rằng để tăng nguồn cung, Nhà nước phải có chính sách tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đều có thể tham gia.

Theo đó, cần giảm các chi phí liên quan đến xây dựng nhà ở công nhân, như: giảm thủ tục và rút ngắn thời gian làm thủ tục sẽ giảm chi phí xây dựng; Có chính sách khuyến khích phát triển nhiều tổ chức cho vay, như: Tổng công ty Tài chính phát triển nhà (kinh nghiệm của Ấn Độ), Quỹ phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp (kinh nghiệm của Philippin, Hàn Quốc), Công ty đầu tư, hợp tác xã tín dụng, quỹ tiết kiệm địa phương (kinh nghiệm của Mỹ)…

Các quỹ này được tạo bởi tiền tiết kiệm của công nhân, hỗ trợ của chính phủ và các nhà tài trợ. Các hình thức cho vay cần linh hoạt (vay không thế chấp, thế chấp; thế chấp lãi suất cố định, hoặc điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát,…). Phương án trả nợ linh hoạt;

Miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp tham gia xây dựng và quản lý vận hành nhà ở công nhân khu công nghiệp…

 
Hiện chính sách nhà ở cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp đang được lồng ghép vào chính sách nhà ở xã hội, áp dụng chung cho 10 loại đối tượng theo Luật Nhà ở năm 2014 (Điều 49). Các cơ chế ưu đãi cũng áp dụng chung như nhà ở thu nhập thấp khu vực đô thị khiến cho những ưu đãi không đi vào cuộc sống.
Ông Hà Quang Hưng, Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng.

Để đẩy mạnh việc phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, theo ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng, các quy định về ưu đãi cho chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội, trong đó, có nhà ở công nhân khu công nghiệp phải mang tính thực chất, để thu hút các doanh nghiệp tham gia, như: miễn tiền sử dụng đất; miễn, giảm VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn tín dụng ưu đãi; được hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật…

Cần sửa đổi luật Thuế theo hướng bổ sung loại hình “dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê” để các chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội cho thuê được hưởng ưu đãi này, đảm bảo đồng bộ với pháp luật về nhà ở (Luật Nhà ở và Nghị định 100 (khoản 2 Điều 9) quy định mức thuế ưu đãi là được giảm 70% VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp).

Bổ sung hình thức bán nhà cho doanh nghiệp hoặc cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp thuê để doanh nghiệp cho công nhân của mình thuê lại.

Đối với phần nhà ở xã hội cho thuê trong các dự án nhà ở xã hội quy định chỉ được bán sau 05 năm đưa vào sử dụng; trường hợp 02 năm liên tục không có người thuê thì báo cáo UBND cấp tỉnh để được bán hoặc thuê mua.

Sửa đổi đồng bộ quy định về việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở công nhân khu công nghiệp trong các pháp luật đất đai, đầu tư, nhà ở… theo hướng bố trí quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân ngay trong khu công nghiệp, coi nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate