Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) được tổ chức vào sáng 3/6, nhóm công tác ngân hàng sẽ báo cáo đầu tiên về các vấn đề của hệ thống ngân hàng, trong đó đặc biệt chú trọng đến vấn đề xử lý nợ xấu của Việt Nam.
Trao đổi với báo giới trước sự kiện này, đồng Chủ tịch VBF, ông Alain Cany nhận xét rằng việc Chính phủ ban hành nghị định về thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là một “tin tốt”.
“Việc thành lập VAMC sẽ giúp ngân hàng giảm gánh nặng nợ xấu trên bảng cân đối kế toán. Giải pháp này một lần nữa sẽ minh chứng sự cam kết của nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong ngành ngân hàng”, ông nói.
Tuy nhiên, đồng Chủ tịch VBF nói các nhà đầu tư đang cảm thấy thất vọng khi Ngân hàng Nhà nước cho hoãn thực hiện Thông tư 02, và đối với giới đầu tư nước ngoài đây là “tin không tốt”.
“Chúng tôi sẽ có thông điệp theo đó để các ngân hàng báo cáo về tình hình tài chính, chúng tôi khuyến khích các ngân hàng tự nguyện báo cáo để nâng cao hiệu quả hoạt động”, theo ông Alain Cany.
Bản báo cáo của nhóm công tác ngân hàng nói các ngân hàng Việt Nam “từ lâu đã không còn phải báo cáo về mức nợ xấu thực của mình. Một trong những lý do của tình trạng này là do quy định trước đây về nợ xấu, cho phép các ngân hàng được linh hoạt trong việc có thể phân loại cùng một khoản nợ là nợ thường hay nợ xấu”.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02 nhằm giải quyết vấn đề này, tuy nhiên, thời hạn thi hành của Thông tư đã bị hoãn lại một năm, đến tháng 6/2014.
“Việc trì hoãn hiệu lực thi hành Thông tư 02 có thể trì hoãn sự minh bạch hoá, yếu tố cần thiết để giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực ngân hàng một cách nhanh chóng”, báo cáo viết.
Nhóm công tác nhấn mạnh rằng Thông tư 02 sẽ là “một bước tiến lớn trong việc bảo đảm các ngân hàng báo cáo chân thực hơn về tình hình trích lập dự phòng, cũng như góp phần làm cho cộng đồng đầu tư tin tưởng rằng ngành ngân hàng đã thực sự minh bạch hơn”. Do đó, cần khuyến khích các ngân hàng tự nguyện thực hiện quy định của Thông tư 02.
“Vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng không thể chỉ giải quyết bằng một giải pháp duy nhất. Tuy nhiên, việc thành lập VAMC sẽ góp phần giải quyết vấn đề này cùng với việc triển khai Thông tư 02. Tuy chi tiết về các giải pháp này còn chưa rõ ràng nhưng Ngân hàng Nhà nước tin tưởng rằng những vấn đề này sẽ được giải quyết để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững trong những năm tới”, ông Alain Cany nói.
Về tình hình hệ thống ngân hàng hiện nay, nhóm công tác cho rằng bốn tháng đầu năm 2013 đã “tiếp tục chứng kiến thành công của Ngân hàng Nhà nước trong quản lý chính sách tiền tệ, dự trữ ngoại hối, và quản lý thị trường vàng”.
“Vấn đề lạm phát trong thời gian qua đã được giải quyết và hiện đang ở mức ổn định. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện đáng kể, ổn định tiền tệ được duy trì, lãi suất tín dụng của đồng nội tệ tiếp tục giảm. Ổn định kinh tế vĩ mô đạt được chủ yếu nhờ những chính sách, giải pháp của Ngân hàng Nhà nước và sẽ tạo nền tảng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững trong những năm tới”, báo cáo công tác của nhóm viết.
Trước mắt, nhóm công tác cho rằng để giải quyết vấn đề thiếu vốn của các ngân hàng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nên quy định rõ việc nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn theo tỉ lệ đa số hoặc có thể là 100% vào các ngân hàng trong nước.
Một số nội dung khác đã được đưa ra thảo luận tại các VBF trước đây cũng sẽ được “nhắc lại” trong diễn đàn lần này, chẳng hạn kiến nghị xem xét lại hạn mức cho vay đối với một khách hàng do hạn mức này hạn chế vai trò và lượng vốn mà các ngân hàng nước ngoài có thể huy động cho tăng trưởng trong nước của Việt Nam.
Bên cạnh đó là việc xem xét lại hạn chế đối với cho vay ngoại tệ trong nước cho các mục đích hợp pháp hỗ trợ sản xuất và thương mại. Các chính sách hạn chế tình trạng đô la hóa đã phát huy hiệu quả cao, tuy nhiên việc hạn chế cho vay ngoại tệ để hợp pháp nhập khẩu hàng hóa nước ngoài cũng khiến cho một phần thị trường ngân hàng diễn ra ở nước ngoài.
Ngoài ra, nhóm công tác ngân hàng cũng kiến nghị rằng cần tiếp tục hỗ trợ và đẩy mạnh sự phát triển của các sản phẩm quản lý tài sản, ví dụ như quỹ tương hỗ và các công cụ đầu tư thay thế khác cho các cá nhân như là một cách giúp công dân Việt Nam được đa dạng lựa chọn ngoài ngoài bất động sản, vàng và dự trữ tốt hơn và tăng các khoản tiết kiệm dài hạn.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate