Theo truyền thông Anh, điểm đáng chú ý nhất của lễ đăng quang sắp diễn ra vào ngày 6/5 tới là việc quy mô và thời gian cử hành được thu gọn, phần nào phản ánh những quan điểm thời hiện đại và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang diễn ra.
Cung điện Buckingham cho biết, Vua Charles (74 tuổi) và Hoàng hậu Camilla (75 tuổi) sẽ đến Tu viện Westminster làm lễ đăng quang trên xe ngựa Diamond Jubilee State Coach. Đây là chiếc xe được chế tạo năm 2012 để kỷ niệm 60 năm Nữ hoàng Elizabeth II lên ngôi. Cỗ xe này chỉ chuyên chở Nữ hoàng, đôi khi có chồng bà hoặc nguyên thủ quốc gia đến thăm Anh đi cùng.
Sau đó, chiếc xe Gold State Coach sẽ chở Vua Charles III và Hoàng hậu Camilla trong Lễ rước hoành tráng từ Tu viện Westminster về lại Cung điện Buckingham sau khi họ hoàn thành nghi thức đăng quang. Gold State Coach được mạ vàng, thường trưng bày tại Royal Mews - chuồng ngựa đang hoạt động của Cung điện Buckingham, và được kéo bởi 8 con ngựa. Nữ hoàng Elizabeth II đã ngồi cỗ xe này tại lễ đăng quang của bà năm 1953.
Lộ trình đi đến nơi làm lễ đăng quang của Vua Charles III cũng được tiết lộ là sẽ được rút ngắn. Theo hãng tin AP và Sky News, Vua Charles và Hoàng hậu Camilla sẽ thực hiện hành trình dài khoảng 2km đi qua Cung điện Buckingham, Cổng Trung tâm, Trung tâm thương mại, Cổng vòm Đô đốc, Whitehall và dọc theo Phố Quốc hội trước khi đến Tu viện Westminster, nơi lễ đăng quang bắt đầu lúc 11h sáng 6/5. Không giống với cố Nữ hoàng Elizabeth đi tuyến đường khác nhau cho chặng đi và chặng về, Vua Charles đi cùng một con đường cho hai hành trình.
Trong buổi lễ đăng quang long trọng do Tổng giám mục Canterbury Justin Welby tiến hành, Vua Charles chính thức lên ngôi, được đội vương miện Thánh Edward. Vương miện có khung bằng vàng nguyên khối nặng 2,2kg, có đính hồng ngọc, thạch anh tím, ngọc bích, ngọc hồng lựu, hoàng ngọc, tua-ma-lin và bên trong là mũ nhung tím với dải lông chồn. Khi buổi lễ kết thúc, Vua Charles sẽ đổi sang vương miện Hoàng gia nhẹ hơn và được rước về cung điện. Hoàng hậu Camilla cũng được trao vương miện như thông báo trước đó, bà sẽ đội vương miện của Nữ hoàng Mary.
Cung điện cũng cho biết, nhiều món thần khí sẽ được trao cho Vua Charles III trong lễ đăng quang, gồm cả thanh gươm Sword of State - biểu tượng quyền lực hoàng gia - từng được sử dụng tại một số lễ đăng quang. Các thần khí khác bao gồm quyền trượng bằng vàng St. Edward, chiếc thìa đăng quang mạ vàng bạc - vật lâu đời nhất được sử dụng trong lễ đăng quang, có từ năm 1349, Thanh kiếm Sword of Offering, 2 quyền trượng hình cây thánh giá và chim bồ câu, nhẫn và quả cầu biểu thị cho chế độ quân chủ.
Hoàng tử George (9 tuổi) - con cả vợ chồng Thân vương xứ Wales - sẽ là một trong những tiểu đồng xuất hiện bên cạnh Charles, khi ông thực hiện các nghi lễ đăng quang. Lễ đăng quang của Vua Charles III sẽ diễn ra với sự tham dự của 2.000 quan khách, bao gồm các nhà lãnh đạo Khối thịnh vượng chung cùng các nhân vật “được ưu tiên trong giáo hội”. Ngoài lễ đăng quang, chuỗi sự kiện diễn ra trong 3 ngày cuối tuần cũng sẽ bao gồm chương trình hòa nhạc quy tụ nhiều ngôi sao, các hoạt động tình nguyện, các lễ rước truyền thống theo nghi lễ Hoàng gia Anh.
Tuy nhiên, so với lễ đăng quang năm 1953 của Nữ hoàng Elizabeth II, giới truyền thông cho rằng quy mô của buổi lễ sắp tới sẽ không hoành tráng bằng.
Được biết, tổng chi phí lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II vào năm 1953 là 1,57 triệu Bảng Anh, tương đương 46 triệu Bảng Anh ngày nay.
Tờ Telegraph cho biết, buổi lễ đăng quang của Nhà vua “sẽ ngắn hơn, sớm hơn, quy mô nhỏ hơn, ít tốn kém hơn và đại diện cho các nhóm cộng đồng, tín ngưỡng khác nhau”.
"Điều này phần nào phản ánh yếu tố hiện đại và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt hiện nay", hãng tin Reuters của Anh nhận định. “Nhà vua nhận thức rất rõ về những khó khăn của người Anh hiện nay. Do đó, ông mong muốn rằng, dù lễ đăng quang vừa tuân thủ truyền thống lâu đời vừa đại diện cho một chế độ quân chủ trong thời hiện đại”.
Đồng thời, minh chứng cho tính chất hiện đại của lễ đăng quang, Cung điện cũng thông báo rằng một biểu tượng cảm xúc mới (emoji) đã được công bố trùng với sự kiện này, lấy cảm hứng từ Vương miện St Edward lịch sử sẽ được đội lên đầu Vua Charles trong lễ đăng quang. Biểu tượng này sẽ xuất hiện trên Twitter khi bất kỳ thẻ (hashtag) nào – bao gồm #Coronation (đăng cơ), #CoronationBigLunch (bữa trưa đăng cơ) và #TheBigHelpOut (đề cập đến một hoạt động tình nguyện) – được sử dụng.
Theo Daily Mirror, Vua Charles III “từ lâu đã là người ủng hộ chế độ quân chủ tinh gọn”, ông có thể đưa ra quyết định giảm số lượng thành viên hoàng gia làm việc. “Nhà vua đã nói về mong muốn tiếp tục di sản của mẹ ông, điều này bao gồm cả việc tiếp tục tìm hiểu những gì người dân đang trải qua từng ngày”, nguồn tin hoàng gia nói thêm. Đề xuất này dường như đã nhận được sự ủng hộ của công chúng. Tại một cuộc thăm dò do Daily Express thực hiện, 65% người ủng hộ và 7% người phản đối ý tưởng trên.
Vua Charles III đã nhiều lần bày tỏ quan điểm có thể sẽ tiến hành cải tổ Hoàng gia, thu gọn quy mô Hoàng gia, cắt giảm bớt nhân sự phục vụ, từ bỏ bớt một số đặc quyền của Hoàng gia, như việc mở cửa Điện Buckingham nhiều hơn cho công chúng, thậm chí rời hẳn khỏi Cung điện Buckingham và biến nơi đây thành nơi tổ chức các sự kiện lớn...
Nói cách khác, dưới thời Vua Charles III, Hoàng gia Anh có thể sẽ mang một diện mạo đơn giản, gần gũi hơn, đời thường hơn. Nhưng để làm được điều đó thì không chỉ Vua Charles III mà toàn bộ các thành viên còn lại của Hoàng gia, đặc biệt là gia đình Thái tử Williams cũng sẽ phải thay đổi nhiều hơn.
Theo Express, hiện chỉ có 7 thành viên hoàng gia có thể tiếp tục làm việc theo kế hoạch của Vua Charles III, gồm Nhà vua, Hoàng hậu, Công tước và Nữ công tước xứ Cornwall và Cambridge, Công chúa Hoàng gia và Bá tước và Nữ bá tước xứ Wessex.