Các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu đã đua nhau đưa ra các khẩu hiệu khuyến mãi trong dịp lễ mua sắm Ngày Độc thân, chẳng hạn là “Giá thấp mỗi ngày” (Alibaba) và “Rẻ thực sự” (JD.com) “Giá thấp thực sự hàng ngày” (Pinduoduo)… “Nói chung, giảm giá là chiến lược cạnh tranh lớn nhất trên tất cả các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc trong năm nay”, các nhà phân tích của ngân hàng Citi viết trong một báo cáo vào tuần trước.
SCMP đưa tin, gã khổng lồ thương mại điện tử Tmall và Taobao của Alibaba cho biết hôm 12/11 rằng tổng giá trị hàng hóa (GMV, thước đo tổng giá trị hàng hóa được bán) cũng như số lượng đơn đặt hàng và số lượng người bán tham gia, tất cả đều ghi nhận mức tăng trưởng hằng năm trong mùa mua sắm năm nay, bắt đầu từ ngày 24/10 và kết thúc vào ngày 11/11. Đáng chú ý, các thương hiệu nội của Trung Quốc ngày càng thu hút người tiêu dùng, với 11 trong 20 thương hiệu dẫn đầu về doanh số đến từ các doanh nghiệp trong nước.
Một gã khổng lồ thương mại điện tử nội địa khác là JD.com cũng chứng kiến mức tăng trưởng kỷ lục trong đợt mua sắm năm nay. JD.com thông báo, lượng khán giả tích lũy cho doanh số bán livestream của JD đã vượt quá 320 triệu người. Khoảng 300 thương hiệu đạt doanh thu vượt 100 triệu nhân dân tệ trên JD.com. Những người bán mới đang có khối lượng giao dịch tăng hơn gấp 5 lần so với cùng kỳ tháng 10.
Trước lễ hội 11/11 năm nay, các thương hiệu đã triển khai các chương trình khuyến mãi sớm bắt đầu từ cuối tháng 10. Sau 20h ngày 31/10, giao dịch của 155 thương hiệu, trong đó có Apple, Haier, Midea, Huawei, L'Oréal và Nike, đã nhanh chóng vượt mốc 1 tỉ nhân dân tệ trên Tmall. Đáng chú ý, giao dịch trong giờ đầu tiên của 71.900 thương hiệu đã vượt tổng doanh số bán hàng trong cả ngày 11/11 năm ngoái.
Các buổi bán hàng livestream của 38 thương hiệu đã vượt mốc 1 tỉ nhân dân tệ. Theo dữ liệu của Tmall, các buổi bán trực tiếp của 451 cửa hàng chứng kiến các giao dịch trị giá hàng chục triệu nhân dân tệ. Các thương hiệu mới đang tạo ra tác động đáng kể trên nhiều kênh khác nhau. Lễ hội mua sắm 11/11 chứng kiến 13 thương hiệu mới đạt giao dịch vượt 1 tỉ nhân dân tệ và 243 thương hiệu ấn tượng vượt mốc hàng chục triệu nhân dân tệ.
Bên cạnh những điểm sáng, nhiều số liệu gần đây vẫn cho thấy sức hút của lễ hội mua sắm 11/11 đang dần suy giảm. Nguyên nhân chính được cho là do thói quen tiêu dùng của người dân thay đổi trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc chưa phục hồi vững chắc. Ngoài ra, sự xuất hiện của ngày càng nhiều các chương trình giảm giá diễn ra quanh năm cũng khiến sự kiện 11/11 giảm đi phần nào sức hấp dẫn với người tiêu dùng.
Ông Jacob Cooke, đồng sáng lập và Giám đốc Điều hành (CEO) của công ty tư vấn thương mại điện tử WPIC Marketing + Technologies, trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng lễ hội Ngày Độc thân đã "mất đi vẻ hào nhoáng" do sự kết hợp của nhiều xu hướng bán hàng mới. Những người livestream bán hàng cũng ghi nhận sự giảm sút so với các sự kiện mua sắm trước đây. Ông Liu Kai, một người bán hàng livestream, cho biết: “Doanh số bán hàng trực tuyến Ngày Độc thân năm nay không bằng năm ngoái hoặc 2 năm trước đây”.
Bên cạnh đó, niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc đang ở mức thấp lịch sử, theo báo cáo của Deloitte China. Báo cáo cho thấy, hơn 40% người tiêu dùng Trung Quốc giảm chi tiêu cho hàng xa xỉ, trong khi 20% cắt giảm hơn một nửa chi tiêu của họ. Ở cấp chính phủ, trong bối cảnh tâm lý yếu kém, Bắc Kinh đã không công bố dữ liệu gần đây về niềm tin của người tiêu dùng, điều đã làm liên tục trong hơn 30 năm.
Tương tự, dù báo cáo kết quả đầy tích cực, nhưng đây là năm thứ hai liên tiếp, các ông lớn thương mại điện tử Trung Quốc không công khai con số bán hàng chi tiết. Năm nay, hầu hết sàn TMĐT đều chọn cách báo cáo mang tính tổng quát, tương tự cách làm của năm ngoái. Vào thời điểm đó, Alibaba thông báo rằng chiến dịch Lễ Độc thân “đã mang lại kết quả ngang bằng với hiệu suất của GMV năm ngoái”, trong khi JD.com cho biết đã thiết lập chiến dịch Ngày Độc thân kéo dài 11 ngày “phá kỷ lục”. Có thể thấy, ngôn ngữ năm nay của các sàn vẫn không thay đổi nhiều, nếu không muốn nói là giống hệt năm cũ.
Wang Bairong, nhà phân tích ngành tiêu dùng tại Viện nghiên cứu LeadLeo cho biết: “Khi lễ hội bước sang năm thứ 15, người tiêu dùng đã chuyển sang giai đoạn hạ nhiệt, họ có xu hướng mua những gì họ cần. Nhìn vào năm nay, lễ hội mua sắm 11/11 đã bước vào giai đoạn lành mạnh hơn, hành vi tiêu dùng hợp lý và tiêu dùng sản phẩm chất lượng trở thành xu hướng chủ đạo”.
James Yang, đối tác của Bain & Company, giải thích những trở ngại kinh tế vĩ mô đã thúc đẩy các quyết định mua hàng có ý thức về giá trị hơn của người tiêu dùng Trung Quốc. Ông lưu ý, các nền tảng thương mại điện tử lớn ở Trung Quốc đang chiến đấu để giành được danh hiệu “giá thấp nhất” trong năm nay.
Trên Taobao và Tmall, hai nền tảng thuộc sở hữu của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, người tiêu dùng có thể được giảm giá 50 nhân dân tệ (6,86 USD) khi chi 300 nhân dân tệ. Nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo và JD.com cho biết đã cung cấp hàng tỉ giao dịch hoàn lại tiền trong thời gian bán hàng, cho những người mua sắm trên nền tảng tương ứng của họ.
Phương thức quảng cáo chính của Tmall cho Ngày độc thân từ lâu là "giảm giá tại nhiều cửa hàng trong khi chi tiêu tối thiểu", nói cách khác là thúc giục người dân mua sắm nhiều hơn để tiết kiệm nhiều hơn. Năm nay, Tmall nhấn mạnh rằng đưa ra "mức giá thấp nhất trong số tất cả các nền tảng". Nền tảng video ngắn Douyin và Kuaishou cùng nền tảng về phong cách sống Xiaohongshu đều yêu cầu các bên cung ứng đưa ra mức giá thấp cho họ, thậm chí thấp hơn so với các nền tảng khác.
Jason Yu, Giám đốc điều hành của hãng nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, cho biết: “Giá thấp và chiết khấu là chủ đề bao trùm”, đồng thời lưu ý rằng ngay cả dòng iPhone 15 cũng được bán với mức chiết khấu 500 nhân dân tệ. "Đó là dấu hiệu cho thấy không phải ai có thể dễ dàng chi 10.000 nhân dân tệ (1.371 USD) cho một chiếc điện thoại vào lúc này. Niềm tin tiêu dùng đang hơi yếu", ông Jason Yu nói.