November 08, 2023 | 14:24 GMT+7

Thị trường bán lại xa xỉ đã “vươn tay” tới sân bay và du thuyền

Minh Nguyệt -

Các cửa hàng mua sắm đồ cũ đã bắt đầu xuất hiện ở các sân bay và trên du thuyền, do nhu cầu của người tiêu dùng thúc đẩy. Việc tiếp cận những món đồ da, đồng hồ và đồ trang sức trên hành trình du lịch liệu có giúp gì cho thương hiệu?...

Ảnh: Vogue Business
Ảnh: Vogue Business

Trước đại dịch, ý tưởng các nhà bán lẻ du lịch phân bổ những “suất” bất động sản có giá trị - như là ở sân bay hoặc trên các tuyến du thuyền - cho những món đồ bán lại là hầu như không thể tưởng tượng được. Tuy nhiên, trong bối cảnh cả ngành du lịch lẫn lĩnh vực bán lẻ du lịch đang nỗ lực để phục hồi, thị trường bán lại đang trở thành một “quân bài” cần thiết để giữ chân khách hàng – những người cần được cung cấp nhiều lựa chọn hơn, nhiều mức giá hơn, bao gồm cả những món đồ sưu tầm quý hiếm.

BÁN LẺ DU LỊCH CẦN ĐỘNG LỰC ĐỂ PHỤC HỒI

Theo Vogue Business, nhà bán lẻ du lịch ARI đã sẵn sàng mở một cửa hàng thời trang xa xỉ đã qua sử dụng tại sân bay Lisbon vào cuối năm nay. Họ cũng có tham vọng mở rộng những cửa hàng như thế này tới các sân bay trên khắp thế giới. Harding+, công ty điều hành các doanh nghiệp bán lẻ trên các tàu du lịch, cũng đang mở rộng số lượng cửa hàng từ 32 lên 40 tàu vào năm 2024.

Theo nghiên cứu “Thị trường hàng hóa cao cấp toàn cầu” của Bain-Altagamma, thị trường hàng xa xỉ đã qua sử dụng đã tăng 28% so với cùng kỳ năm trước lên 43 tỷ euro vào năm 2022. Achim Berg, đối tác cấp cao của McKinsey & Company cho biết động lực chính của thị trường bán lại là tính bền vững, bên cạnh đó cũng có hai động lực rất rõ ràng khác: một là nhóm người tiêu dùng đang tìm kiếm các món hàng sang trọng với giá cả phải chăng hơn, và hai là các nhà sưu tập đồng ý trả phí bảo hiểm để có được một số sản phẩm phiên bản giới hạn vượt thời gian.

Báo cáo nghiên cứu của Bain-Altagamma cho biết, trong lĩnh vực bán lẻ du lịch, doanh số bán hàng xa xỉ đã tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch. Với việc phục hồi đầy thách thức, kênh bán lẻ du lịch đang muốn khẳng định vị thế trong thị trường thời trang đã qua sử dụng.

Hàng xa xỉ đã qua sử dụng đang trở thành một “quân bài” cần thiết để giúp phục hồi kênh bán lẻ du lịch.
Hàng xa xỉ đã qua sử dụng đang trở thành một “quân bài” cần thiết để giúp phục hồi kênh bán lẻ du lịch.

ARI là công ty tiên phong trong việc giới thiệu hàng hóa đã qua sử dụng vào lĩnh vực bán lẻ tại sân bay khi mở cửa hàng Reloved tại Montréal Duty Free vào năm 2021. “Kể từ đó, Reloved đã là đơn vị kinh doanh có thành tích tốt nhất trong danh mục thời trang,” Richard Maynes, người đứng đầu toàn cầu của bộ phận thời trang và phụ kiện tại ARI, cho biết. “Động thái hướng tới người tiêu dùng có ý thức hơn và hướng tới mua sắm bền vững hơn chắc chắn là sự thay đổi quan trọng nhất mà chúng tôi đang thấy”.

Tháng 11 năm ngoái, nền tảng bán lại hàng xa xỉ kỹ thuật số Hewi (Hardly Ever Worn It), đã hợp tác với sân bay Heathrow (Anh) để tổ chức một buổi giới thiệu sản phẩm tại phòng chờ Terminal Five cao cấp của mình. Rachel Reavley, cố vấn kinh doanh của Hewi cho biết: được chú ý nhất là các sản phẩm như túi Birkin, gối Hermès và giày thể thao Prada Re-Nylon. Theo bà Reavley, giá trị đặt hàng trung bình là 1.800 bảng Anh, phù hợp với mức chi tiêu trong lĩnh vực bán lẻ du lịch với khách hàng mua sắm xa xỉ.

Lĩnh vực bán lại nổi tiếng với những hạn chế về không gian và tỷ suất lợi nhuận hẹp. Nhưng các chuyên gia cho rằng giá trị độc đáo của kênh bán lẻ du lịch — mang đến cho khách du lịch sự kết hợp hấp dẫn giữa tính độc quyền, giá miễn thuế (giúp tiết kiệm từ 30 đến 70%) và cơ hội tiếp cận những món đồ quý hiếm – sẽ giải quyết những hạn chế nói trên.

NHỮNG MẶT HÀNG NÀO “CHIẾM SÓNG”?

So với các sân bay, hàng xa xỉ đã qua sử dụng trên tàu du lịch đã tăng tốc đáng kể trong năm qua. Chẳng hạn như công ty con chuyên phụ trách bán lẻ trên biển của LVMH, Starboard Cruise Services, đã đạt được thành công ngoài mong đợi. “Trên một con tàu du lịch, mua sắm đã trở thành một phần của hoạt động giải trí. Bằng cách loại bỏ ý nghĩa tiêu cực của đồ cũ, đặt nó vào môi trường phù hợp và tuyển chọn sản phẩm theo các câu chuyện, đồ cũ có thể trở thành một phần của thú vui giải trí đỉnh cao cho giới thượng lưu,” chuyên gia Berg của McKinsey cho biết.

Công ty con chuyên phụ trách bán lẻ trên biển của LVMH, Starboard Cruise Services, đã đạt được thành công ngoài mong đợi.
Công ty con chuyên phụ trách bán lẻ trên biển của LVMH, Starboard Cruise Services, đã đạt được thành công ngoài mong đợi.

Từ một con tàu vào tháng 11/2022, dòng sản phẩm xa xỉ bán lại của Starboard đã trải rộng trên 9 tuyến du thuyền và 73 con tàu với sự cộng tác của nhà cung cấp What Goes Around Comes Around. Túi xách da, đồng hồ và đồ trang sức là những mặt hàng có doanh thu tốt nhất, với những bộ sưu tập hiếm có, độc nhất vô nhị và phiên bản giới hạn bán rất chạy.

“Bất kỳ sản phẩm nào được mua tại các cửa hàng trên biển của chúng tôi đều đã được lựa chọn, kiểm tra cẩn thận và đảm bảo là hàng thật. Mỗi chiếc túi đều có một mã QR để khách hàng của chúng tôi có thể tìm thêm thông tin về kiểu dáng của chiếc túi cũng như chứng chỉ kỹ thuật số về tính xác thực,” Sherrie Day, Phó chủ tịch bán lẻ của Starboard giải thích.

Bà Day cũng lý giải, túi xách da, đồng hồ và đồ trang sức chiếm ưu thế trên du thuyền vì những mặt hàng này không khiến khách hàng phải đắn đo về kích cỡ so với quần áo hoặc giày dép, đồng thời cũng chiếm ít diện tích trong vali hành lý. “Hơn nữa, người tiêu dùng sẵn sàng đầu tư nhiều hơn vào các mặt hàng như túi xách, đồng hồ và trang sức vì họ nhận ra giá trị lâu dài và tuổi thọ của những mặt hàng này tốt hơn hẳn so với các mặt hàng phụ thuộc vào xu hướng như quần áo hoặc giày dép”.

Còn bà Sue Gosling, giám đốc thương hiệu và văn hóa tại Harding+ thì cho biết, thực tế hành trình và điểm đến cụ thể của hành trình du lịch trên biển cũng hỗ trợ xu hướng này. “Ví dụ chúng tôi sẽ không thể bán áo khoác Max Mara vào mùa lênh đênh trên biển Caribe. Nhưng đồ da và đồng hồ thì có thể bán ở mọi nơi, mọi lúc và thu hút cả sự quan tâm lẫn tính thực tế”.

Túi xách da, đồng hồ và đồ trang sức là những mặt hàng có doanh thu tốt nhất.
Túi xách da, đồng hồ và đồ trang sức là những mặt hàng có doanh thu tốt nhất.

Quả thật, trong môi trường bán lẻ du lịch, nơi không gian trưng bày là có hạn, việc tuyển chọn sản phẩm là rất quan trọng. Hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp được yêu thích bao gồm LXR và Reklaim, Harding+ kết hợp dữ liệu hành khách của mình với dữ liệu nhân khẩu học toàn cầu của họ để quản lý từng măt hàng riêng lẻ từ tàu này sang tàu khác. Ví dụ, một con tàu sáu sao hướng đến Alaska sẽ tập trung 40% vào sản phẩm của Chanel, nhưng khi chuyển sang Caribe, tỷ lệ này giảm xuống còn 10% và Louis Vuitton tăng lên 40%, bà Gosling lưu ý.

Bà Laura Swan, đồng Giám đốc điều hành của nhà cung cấp bán lại hàng xa xỉ LXR, nơi cung cấp hàng tồn kho đích thực cho Harding+ và ARI, nhận định sự tăng trưởng liên tục của lĩnh vực du lịch sau đại dịch đã khiến các sân bay đang nhộn nhịp, các tàu du lịch đang hoạt động hết công suất và người ta đang bàn tán về việc tung ra nhiều siêu du thuyền hơn nữa để đáp ứng nhu cầu.

“Sự hiện diện cửa hàng ở những khu vực có lượng khách hàng cao này mang lại cơ hội tiếp cận nhóm người tiêu dùng có thể chưa từng yêu thích hàng xa xỉ trước đây. Tiềm năng của thị trường, kết hợp với phạm vi tiếp cận toàn cầu, khiến lĩnh vực này trở nên hấp dẫn cho những thương hiệu muốn mở rộng kinh doanh ra ngoài các cửa hàng truyền thống”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate