Một thoáng đồng thuận của nhóm cổ phiếu ngân hàng sáng nay đã đẩy VN-Index lên sát ngưỡng 1300 điểm một lần nữa, nhưng sự “phá đám” của VHM, VIC khiến nỗ lực này không thành công. Nhịp trượt giảm sau khi lần thứ 3 chỉ trong 5 phiên không công phá được ngưỡng cản này đã kích thích đợt bán ra khá lớn khiến hàng trăm cổ phiếu quay đầu đỏ.
Đỉnh cao nhất VN-Index đạt được trong phiên sáng lúc 10h15 là 1299,36 điểm, tăng 11,5 điểm. Tuy nhiên đến cuối phiên chỉ số đã đỏ nhẹ 0,12 điểm. Độ rộng tại đỉnh ghi nhận 209 mã tăng/122 mã giảm và cuối phiên là 133 mã tăng/226 mã giảm.
Chỉ riêng sự thay đổi trong độ rộng cũng nói lên áp lực bán đã xuất hiện lan khắp bảng điện. Mặc dù số cổ phiếu giảm mạnh còn ít nhờ ban đầu có biên độ tăng tốt, nhưng sự suy yếu này chắc chắn thể hiện một tâm lý bất ổn, mong muốn chốt lời của nhà đầu tư.
Ban đầu thị trường chưa kém như vậy. Nửa đầu phiên sáng là nhịp tăng mạnh, thậm chí tạo ấn tượng VN-Index có thể đột phá qua đỉnh 1300 điểm lần nữa. Điều này là có cơ sở vì cổ phiếu ngân hàng sau một vài phiên tạm nghỉ đã đồng loạt quay lại xu hướng tăng. VCB lúc mạnh nhất tăng 1,29%, BID tăng 2%, CTG tăng 2,08%, VPB tăng 3,81%, TCB tăng 1,2%... Thậm chí một số trụ khác cũng cộng hưởng rất mạnh như VIC tăng 0,95%, HPG tăng 1,33%, MSN tăng 1,71%...
Tuy nhiên sau đó VHM xuất hiện áp lực bán rất lớn đã nhanh chóng tác động lên chỉ số. Cổ phiếu này bị xả dữ dội tới 15,75 triệu cổ tương đương hơn 669 tỷ đồng, đứng đầu thị trường về thanh khoản. VHM đỏ từ sớm, nhưng ban đầu chỉ giảm nhẹ 0,35%, dưới áp lực xả này, giá lao dốc liên tục và chốt phiên sáng giảm tới 3,57% so với tham chiếu. Đây là biên độ giảm kỷ lục kể từ đầu tháng 8/2024 của cổ phiếu này. Chỉ riêng buổi sáng, thanh khoản của VHM đã cao gần gấp đôi cả ngày hôm qua.
Nhiều cổ phiếu trụ khác cũng quay đầu đỏ theo VHM. VIC cũng trượt giảm liên tục và kết phiên bốc hơi 0,71% so với tham chiếu. GAS quay đầu giảm 0,14%, FPT giảm 0,07%, GVR giảm 0,83%, VNM giảm 0,14%. Đây đều là các cổ phiếu vốn hóa rất lớn của VN-Index. Chưa hết, ngay trong nhóm ngân hàng sức ép cũng khiến hầu hết cổ phiếu thu hẹp biên độ tăng. VCB chốt phiên chỉ còn tăng 0,54%, BID tăng 0,6%, CTG tăng 0,56%, TCB tăng 0,4%, VPB tăng 1,52%. Đây đều là các cổ phiếu ngân hàng nằm trong Top 10 vốn hóa thị trường. Dù vậy sức mạnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn còn, trong 27 mã nhóm này duy nhất PGB đỏ, còn lại đều tăng với 13 mã tăng hơn 1%.
Sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng là một tín hiệu rất tốt cho VN-Index, nhưng diễn biến sáng nay cho thấy vẫn cần có sức mạnh cộng hưởng đồng đều hơn nữa. Chỉ riêng VHM giảm mạnh đã lấy đi gần 1,7 điểm khỏi chỉ số.
Các blue-chips suy yếu làm VN-Index trượt dốc sau khi chạm với vào mốc 1300 điểm khiến tâm lý chung cũng dao động. Nhà đầu tư đã chứng kiến kiểu diễn biến này nhiều lần trong các phiên gần đây. Áp lực bán sau đó tăng lên cho thấy một dạng phản ứng giống nhau đã xuất hiện.
Toàn sàn HoSE chốt phiên sáng đang có 69 cổ phiếu giảm quá 1%, điểm tốt là thanh khoản chỉ tập trung vào số ít cổ phiếu. Cụ thể, chỉ có 21/69 mã đạt thanh khoản từ 10 tỷ đồng trở lên và gần 77% tổng thanh khoản của cả nhóm tập trung vào 7 cổ phiếu bị xả rõ nhất là VHM giảm 3,57% với 669,1 tỷ đồng; DXG giảm 2,83% với 256,2 tỷ; PDR giảm 1,65% với 204,7 tỷ; VIX giảm 1,23% với 133,5 tỷ; KDH giảm 2,07% với 130 tỷ; VRE giảm 1,04% với 130 tỷ; DIG giảm 2,23% với 123,3 tỷ.
Nhóm đi ngược thị trường chủ đạo là các cổ phiếu ngân hàng, với thanh khoản trên trăm tỷ đồng có VPB, TPB, SHB, TCB, STB, MBB, VIB, EIB, ACB, MSN, OCB, CTG, trong đó OCB tăng kịch trần. Ngoài ra chỉ lẻ tẻ vài cổ phiếu giao dịch khá mạnh với thanh khoản kém hơn như BMP tăng 1,56% khớp 10,5 tỷ; ANV tăng 1,05% với 29,2 tỷ.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay ghi nhận mua ròng 539,5 tỷ đồng trên sàn HoSE nhưng tập trung vào chứng chỉ quỹ FUEVFVND với 446,5 tỷ. Còn lại là STB +81,9 tỷ, VHM +81,3 tỷ, TCB +79,7 tỷ, VPB +76,5 tỷ, VCB +25,3 tỷ. Phía bán ròng có FPT -31,4 tỷ, OCB -29,8 tỷ, VRE -24,7 tỷ.