Xu hướng phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Trung Quốc gần đây đang dẫn tới một sự dịch chuyển trong danh mục đầu tư trên toàn cầu. Nhiều nhà đầu tư đang chuyển vốn khỏi các thị trường khác để rót vào Trung Quốc, tranh thủ đà tăng điểm có được sau khi Bắc Kinh công bố gói kích cầu lớn nhất kể từ đại dịch Covid-19.
Hãng tin Bloomberg dẫn thông tin từ các nhà quan sát thị trường cho biết dòng tiền trước đây rời thị trường chứng khoán Trung Quốc để chuyển sang các thị trường như Nhật Bản và Đông Nam Á đang đứng trước khả năng đảo ngược trở lại.
Sự dịch chuyển đã bắt đầu được ghi nhận qua việc chứng khoán Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia và Thái Lan bị thoái vốn ròng trong tuần trước. Ngân hàng BNP Paribas SA cho biết hơn 20 tỷ USD đã được rút khỏi thị trường chứng khoán Nhật trong 3 tuần đầu tiên của tháng 9.
Cuộc đảo chiều mới bắt đầu manh nha của dòng vốn có thể sẽ đặt dấu chấm hết cho một thời kỳ tăng trưởng mạnh của các thị trường chứng khoán châu Á ngoài Trung Quốc. Cho tới gần đây, các thị trường này đã hưởng lợi nhiều từ việc các nhà quản lý quỹ săn tìm mức lợi nhuận lớn hơn bên ngoài Trung Quốc - thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới.
Trong phần lớn thời gian của năm nay, chứng khoán Đài Loan tăng mạnh nhờ cổ phiếu các hãng sản xuất chip tăng bùng nổ. Chứng khoán Ấn Độ cũng cho thấy sức tăng mãnh liệt nhờ đà tăng trưởng kinh tế được đẩy nhanh, trong khi chứng khoán Đông Nam Á được hỗ trợ bởi việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến tới cắt giảm lãi suất.
“Chúng tôi đang cắt giảm các vị thế đầu cơ giá lên trên khắp châu Á để rót vốn mua cổ phiếu Trung Quốc. Ai cũng làm như vậy cả. Chứng khoán Trung Quốc đã chạm đáy và đang phục hồi tốt nhờ chính sách kinh tế. Chẳng ai muốn bỏ lỡ một cơ hội như vậy”, nhà quản lý danh mục Eri Yee của công ty Atlantis Investment Management ở Singapore nói với Bloomberg.
Chỉ số MSCI China Index của chứng khoán Trung Quốc đã tăng hơn 30% so với mức thấp gần đây nhờ gói kích cầu mà Bắc Kinh công bố vào cuối tháng 9. Gói kích cầu này bao gồm một loạt biện pháp, từ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc và hạ lãi suất cho tới bơm tiền vào hệ thống tài chính để vực dậy nền kinh tế đang đuối sức dưới áp lực từ khủng hoảng bất động sản và tiêu dùng ảm đạm.
Hôm thứ Hai tuần này, chứng khoán Trung Quốc đại lục có phiên tăng mạnh nhất 16 năm. Khối lượng giao dịch ở cả thị trường đại lục và Hồng Kông đều đạt mức cao chưa từng thấy.
Mức định giá cổ phiếu ở Trung Quốc đang thấp cũng là một yếu tố quan trọng giúp thu hút dòng tiền. Dù đã tăng gần đây, hệ số giá cổ phiếu/lợi nhuận dự phóng của MSCI China mới chỉ ở mức 10,8 lần, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 5 năm là 11,7 lần.
Theo dữ liệu từ EPFR, ở thời điểm cuối tháng 8, các quỹ tương hỗ trên toàn cầu có tỷ lệ phân bổ vốn 5% vào chứng khoán Trung Quốc, mức thấp nhất trong 1 thập kỷ. Điều này đồng nghĩa rằng các quỹ tương hỗ còn dư địa lớn để tăng nắm giữ cổ phiếu Trung QUốc.
“Chúng tôi tin rằng một số nhà đầu tư nước ngoài đang giảm nắm giữ cổ phiếu Nhật Bản và đưa vốn trở lại thị trường Trung Quốc”, các chiến lược gia của BNP Paribas nhận định trong một báo cáo ngày 2/10.
Báo cáo trên lưu ý rằng sự dịch chuyển này mới ở giai đoạn đầu và chưa xuất hiện tình trạng nhà đầu tư nước ngoài rút vốn mạnh khỏi chứng khoán Ấn Độ.
Tuy nhiên, nhà quản lý quỹ Mohit Mirpuri của công ty SGMC Capital ở Singapore cho rằng nhà đầu tư có thể có “lý lẽ để chuyển vốn khỏi Nhật Bản và Ấn Độ sang Trung Quốc”. “Trong thời gian còn lại của năm nay, chứng khoán Trung Quốc sẽ cho thấy sức tăng vượt trội. Xung lực tăng của thị trường này ở thời điểm hiện tại là điều không thể bỏ qua”, ông Mirpuri nói.