Ngày 28/1/2021, thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đã có văn bản đề nghị các Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) khẩn trương thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng.
VẬN HÀNH HỆ THỐNG TRONG MỌI TÌNH HUỐNG
Theo đó, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đã đề nghị các đơn vị liên quan quán triệt và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Tài chính và Chính quyền địa phương về phòng, chống dịch bệnh, bố trí công việc hợp lý để đảm bảo nguồn nhân lực vận hành hệ thống trong mọi tình huống.
Đồng thời, các Sở giao dịch chứng khoán, VSD cần phối hợp với các công ty chứng khoán thành viên, ngân hàng chỉ định thanh toán tăng cường kiểm tra, rà soát đảm bảo hệ thống giao dịch, thanh toán hoạt động an toàn, thông suốt trong mọi tình huống.
Cơ quan quản lý ngành chứng khoán cũng yêu cầu tổ chức giám sát thị trường, giám sát tin đồn 24/7; kịp thời phát hiện, phân tích và xử lý các hiện tượng giao dịch và thông tin bất thường có thể dẫn tới hành vi thao túng, nội gián, gây tâm lý bất an… để xử lý theo thẩm quyền và báo cáo về Uỷ ban chứng khoán Nhà nước tiếp tục xử lý.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm của đợt phòng chống dịch covid hồi tháng 3/2020 thì lần này cơ quan quản lý, các Sở, VSD và các thành viên thị trường đã có kinh nghiệm hơn và mức độ chủ động cũng như các giải pháp cũng hữu hiệu hơn. "Chúng tôi tin tưởng vào công tác triển khai của các đơn vị, thành viên sẽ nhịp nhàng, hiệu quả hơn, để đảm bảo cao nhất nhu cầu của nhà đầu tư trên thị trường", đại diện Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cho biết.
VN-INDEX GIẢM SÂU VÌ COVID?
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 28/1, VN-Index tiếp tục giảm và mức giảm được cho là sâu nhất trong vòng một tháng qua. Mặc dù nhận định sự suy giảm của thị trường chứng khoán là do tổng hoà của nhiều yếu tố khác nhau nhưng lãnh đạo Uỷ ban chứng khoán Nhà nước thừa nhận rằng có nguyên nhân từ thế giới và đặc biệt là thông tin về số ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng xuất hiện tại Quảng Ninh, Hải Dương,… vừa được công bố trong ngày 28/1.
Theo đó, thị trường đã chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh trong những phiên giao dịch gần đây, kể từ khi thị trường trải qua một thời gian tăng điểm dài và mạnh, nhất là khi thị trường tiếp cận vùng đỉnh lịch sự quanh 1.200 điểm.
Bên cạnh đó, phiên giảm mạnh ngày 28/01 cũng có phần chịu sự tác động từ xu thế chung của thị trường thế giới. Thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh, khi các chỉ số chính như Dow Jones, S&P 500, Nasdaq Composite đều lần lượt giảm 2,1%, 2,6% và 2,6% - mức giảm đều rất mạnh từ đầu năm 2021 tới nay. Thị trường Mỹ cũng nhanh chóng ảnh hướng tới thị trường chứng khoán châu Á sáng 28/01.
Tính đầu giờ chiều ngày 28/01, chứng khoán Hong Kong giảm hơn 2% cùng với Jakarta và Wellington, mức giảm tại sàn giao dịch Thượng Hải và Sydney cũng xấp xỉ 2%. Các sàn giao dịch Tokyo, Seoul, Mumbai, Singapore, Đài Bắc và Bangkok cũng mất hơn 1% điểm.
Đặc biệt hơn, riêng với thị trường chứng khoán, thông tin về số ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng xuất hiện tại Quảng Ninh, Hải Dương,… đã tác động mạnh tới tâm lý của nhà đầu tư. "Chính luồng thông tin này đã khiến thị trường gia tăng nhanh chóng áp lực bán tháo, làm hàng loạt cổ phiếu giảm sàn vô điều kiện", đại diện Uỷ ban chứng khoán Nhà nước phân tích.
Ngoài ra, "qua tìm hiểu thông tin, một số tin đồn không chính xác về số ca lây nhiễm và diễn biến dịch Covid-19,… cũng là một nguyên nhân khiến tâm lý nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư mới chưa trải nghiệm qua các đợt điều chỉnh mạnh của thị trường thêm phần hoang mang và bán ra bằng mọi giá", đại diện lãnh đạo Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cho biết.
THỊ TRƯỜNG SẼ SỚM TÌM LẠI ĐIỂM CÂN BẰNG?
Nhận định về xu hướng thị trường, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cho rằng, trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán có thể vẫn còn chịu áp lực giảm điểm, bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới hoạt động giao thương, sản xuất kinh doanh và tâm lý thận trọng vì thế vẫn còn. Tuy nhiên, các yếu tố nền tảng của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đã khác so với gian đoạn dịch mới bắt đầu bùng phát cuối quý I/2020.
Cụ thể, về dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực. Kinh tế vĩ mô tăng trưởng dương là một điểm sáng của Việt Nam. Các yếu tố vĩ mô khác như lạm phát được kiểm soát, lãi suất giảm mạnh, dự trữ ngoại hối cao, tỷ giá ổn định, giá trị xuất nhập khẩu tăng ấn tượng... đều đang tạo ra nền tảng hỗ trợ thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Cùng với đó, mặc dù nhiều nhóm ngành chịu tác động lớn vì dịch Covid-19, nhưng nhìn chung sự phục hồi của các doanh nghiệp niêm yết vẫn cho thấy sự khả quan.
"Đặc biệt, Việt Nam rất thành công qua thực tiễn kiểm soát và chống dịch Covid-19 qua hai lần bùng phát trước đây. Lần tái phát đợt này cũng khó lường và cần sự quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị, cũng như người dân. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng chúng ta sẽ sớm vượt qua nhờ kinh nghiệm và các phương án chống dịch trước đây", lãnh đạo Uỷ ban chứng khoán Nhà nước phân tích.
Chính vì vậy, "nhiều chuyên gia và chúng tôi cũng tin rằng, tâm lý nhà đầu tư sẽ bình ổn, thị trường chứng khoán sẽ sớm tìm lại điểm cân bằng trong ngắn hạn và phục hồi trở lại" – đại diện Uỷ ban chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh.