Táo Mèo là loại quả mà người ta nói rằng mang đủ sắc thái của cuộc sống. Mới nhìn thì ngon ngon, khi vừa ăn thì chát đắng, nuốt vào thì bình thường, ngồi chơi một tí thì ngọt nhẹ... Vào đúng vụ, bất kỳ quán nước ven đường nào tại Yên Bái cũng có món táo Mèo muối sổi với đường, muối và ớt. Chỉ cần nếm một miếng sẽ thấy vị cay, mặn, ngọt, giòn, thơm vương vấn mãi.Những ngày tháng 2, đừng ngại trời mưa rét mà lên đường tới Mù Cang Chải, dừng xe ngay tại khu chợ bán rượu táo Mèo. Những người Mông – già có, trẻ có, nam có, nữ có – mặc những bộ quần áo sặc sỡ, đứng rải rác hai bên đường. Dưới chân họ là những can nhựa to nhỏ nhiều cỡ, thậm chí là những can dầu ăn cũ, đựng đầy một thứ nước trong trong nhưng lắng đầy cặn đen ở dưới đáy. Họ – những người Mông đang đứng bán rượu ấy – hầu như không trò chuyện. Cứ đứng đó, bên nhau, lặng im và dõi mắt về một nơi xa xăm nào, vừa như mơ mộng, vừa như… đang say. "Vào tháng 9, tháng 10, nơi đây được bao phủ bởi táo Mèo," một người dân địa phương nói. "Táo Mèo ở khắp nơi. Trên đường, trong sân nhà, trên xe ngựa, ngoài chợ, đầy ắp trên gùi của những cô sơn nữ…"
Ảnh: internet
Ảnh: internet
Ảnh: internet
Táo Mèo ra hoa vào mùa xuân và cho thu hái quả vào mùa thu. Cây táo Mèo phát triển tự nhiên trên những cánh rừng chứ không ai có thể trồng được, chúng được phát triển mạnh nhờ sự phát tán của con người, súc vật và muông thú do vậy cây mọc không tập trung, có khoảng cách. ấy vậy mà khi ra hoa, vào khoảng tháng 3 Dương lịch, chúng vẫn đủ sức khoác một tấm áo trắng tinh khôi cho cả vùng núi rừng. Từng chùm, từng chùm hoa trắng như hoa mận nở bung trên những thân cành khẳng khiu.Sinh trưởng ở nơi có nền nhiệt độ đặc biệt - mùa hè nóng và nắng ảnh hưởng của gió Lào, mùa đông chịu ảnh hưởng của giá lạnh vùng cao – nên táo Mèo được kết tinh từ hương của rừng, ngấm đẫm gió ngàn, hấp thụ khí đất, khí trời và nắng gió vùng cao, là loại quả "sạch 100%". Táo Mèo cũng không phải là loại quả yêu đuối. Nó có một cái cuống to và rất chắc, giúp quả táo Mèo không rụng dù gió bão. Khi thu hái, nó đòi hỏi bạn phải dùng lực mới bứt được nó ra khỏi cành. Còn nếu nghĩ đến việc bứng 1 cây táo Mèo về xuôi hả? Hãy nghĩ lại. Với đường kính thân cây khoảng 30 – 40 cm, bộ rễ của cây táo Mèo ăn sâu và chắc đến nỗi để đào được lên cũng khá… oải, chưa kể về đến xuôi chưa chắc cây đã… chịu sống sót.Dưới xuôi, chúng ta đo thời gian bằng công việc, bằng tuần bằng tháng. Còn trên đỉnh núi cao kia, nhịp thời gian chỉ tính bằng những ngày cây ra hoa trắng, những ngày cây trổ quả xanh. Trong nhịp sống 9 tháng ra hoa – kết quả của loài cây trên núi cao, còn có cả phong tục khẩu chíu của người Mông, cả nhịp gùi lắc lư theo bước chân những người sơn nữ… Và táo Mèo chính là loại cây kiên cường nhất mà cũng… nữ tính nhất, quên đi những ngày ra hoa lộng lẫy, quên đi những mưa dập gió vùi, cố chắt chiu lấy chút dư vị ngọt thơm cho đời…
Ảnh: internet
Ảnh: internet