January 13, 2022 | 05:00 GMT+7

“Lệnh trừng phạt sẽ không có tác dụng với Nga"

Bình Minh -

“Lệnh trừng phạt không có tác dụng với Nga”, ông Tony Brenton, một cựu đại sứ Anh ở Nga, phát biểu. “Nga đã ngày càng trở nên sắt đá”...

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Áp lệnh trừng phạt lên Nga có thể sẽ không giúp ích cho việc giải quyết căng thẳng Nga-Mỹ về vấn đề Ukraine, hai chuyên gia nhận định với hãng tin CNBC.

“Lệnh trừng phạt không có tác dụng với Nga”, ông Tony Brenton, một cựu đại sứ Anh ở Nga, phát biểu. “Nga đã ngày càng trở nên sắt đá”.

Để đáp trả sự sắt đá đó của Nga, phương Tây cũng ngày càng trở nên cứng rắn hơn – ông Brenton nhấn mạnh. “Như thế, hai bên nhích ngày càng gần đến một cuộc đối đầu an ninh thực sự nguy hiểm”.

Với quan điểm tương tự, bà Angela Stent, Giám đốc danh dự của Trung tâm nghiên cứu Á-Âu, Na và Đông Âu thuộc Đại học Gerogetown, cho rằng những lời cảnh báo trừng phạt không hề cản trở được Nga. Moscow cứng rắn ngay cả khi các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và châu Âu đang tính đến là “khá toàn diện”, ảnh hưởng đến cả xuất khẩu công nghệ sang Nga và khả năng tiếp cận của các ngân hàng Nga với hệ thống tài chính quốc tế.

“Tất cả những biện pháp đó đều đang được bàn đến một cách công khai ở Mỹ. Nhưng điều đó không hề khiến Nga phải ngần ngại chút nào”, bà Stent phát biểu.

Nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định đưa quân vào Ukraine, “tôi không chắc là triển vọng bị trừng phạt có khiến ông ấy chùn tay hay không”, bà Stent nói thêm.

Quân đội Nga đã tập trung ở khu vực gần biên giới giữa nước này với Ukraine, làm dấy lên lo ngại về xung đột quân sự giữa hai nước láng giềng, tương tự như vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2015. Về phần mình, Nga phủ nhận những cáo buộc cho rằng Moscow có ý định tấn công quân sự, nói rằng mình có quyền triển khai quân đội bên trong lãnh thổ của mình.

Bà Stent nói rằng một cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine vẫn có thể xảy ra. “Ở thời điểm này, khả năng là 50-50”, bà nhận định và nói thêm rằng đó có thể là một cuộc tấn công “có giới hạn” thay vì trên quy mô lớn.

Hôm thứ Hai tuần này, Mỹ và Nga tiến hành đàm phán ở Geneva, Thuỵ Sỹ. Các cuộc thảo luận giữa Nga với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ diễn ra ở Brussels trong ngày thứ Tư, tiếp đó là đàm phán giữa Nga với Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ở Vienna, Áo vào ngày thứ Năm.

Ông Brenton nói cả Nga và Mỹ đều muốn tránh đối đầu quân sự. Ông nhận định Nga yếu hơn và “chỉ muốn điều mà họ cho là lợi ích của mình được đảm bảo”. Cũng theo ông Brenton, Tổng thống Mỹ Joe Biden coi Trung Quốc, thay vì Nga, là “thách thức an ninh chủ chốt đối với Mỹ”.

“Dính vào một cuộc đối đầu lớn với Nga thực sự sẽ khiến việc ứng phó với Trung Quốc trở nên phức tạp hơn nhiều đối với Mỹ”, ông Brenton phát biểu.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate