June 10, 2024 | 10:29 GMT+7

Lịch sử cho thấy tháng 6 không tích cực cho chứng khoán, thị trường khó bứt phá

Thu Minh -

Tháng 6, theo lịch sử thống kê từ năm 2010 đến nay không phải là một tháng thật sự tích cực cho thị trường chứng khoán, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại chỉ số VN-Index đã phục hồi gần 10% và mức phục hồi cao hơn ở những ngành Công nghệ thông tin, Bán lẻ...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cập nhật về triển vọng thị trường chứng khoán trung dài hạn, SSI Reseach trong báo cáo mới đây cho rằng thị trường vẫn vẫn tích cực khi nhìn vào bức tranh lớn.

Việc duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và chính sách tài khóa mở rộng trong năm 2024 sẽ giúp cho các hoạt động sản xuất, thương mại, đầu tư và tiêu dùng lần lượt hồi phục. Nhờ vậy, kỳ vọng về kết quả kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết quay lại quỹ đạo tăng trưởng là một trong những động lực chính cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý 2 và nửa cuối năm 2024.

Bên cạnh đó, các biện pháp nhằm giải quyết vướng mắc trong việc nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russel sẽ được cụ thể hóa hơn cũng là một yếu tố quan trọng cho thị trường chứng khoán.

Giai đoạn nửa cuối năm cũng là lúc các nhà đầu tư bắt đầu thiết lập kỳ vọng cho 2025 và đang có những cơ sở để cho rằng sẽ có những hồi phục tốt hơn về kinh tế thế giới và Việt Nam, trong khi các yếu tố rủi ro cũng sẽ hiện diện rõ hơn và có thể có tác động nhẹ hơn đối với thị trường.

Trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán vừa trải qua giai đoạn biến động mạnh từ điều chỉnh đến phục hồi và cần thời gian để củng cố cung cầu trên vùng đỉnh cũ.

Tháng 6, theo lịch sử thống kê từ năm 2010 đến nay không phải là một tháng thật sự tích cực cho thị trường chứng khoán, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại chỉ số VN-Index đã phục hồi gần 10% và mức phục hồi cao hơn ở những ngành Công nghệ thông tin, Bán lẻ, Thép, Năng lượng, Tài chính chỉ trong khoảng 5 tuần giao dịch. Theo đó, cung chốt lời bảo toàn lợi nhuận và hạ tỷ lệ vay nợ khi thị trường tiến về cuối quý có thể khiến thị trường khó bứt phá trong ngắn hạn.

Về kỹ thuật, diễn biến theo kịch bản tích cực, chỉ số VN-Index tiếp nối nhịp phục hồi xuyên suốt tháng 5 và hiện tạm chững lại đi ngang khi tiếp cận ngưỡng kháng cự mạnh 1.285-1.292.

Các chỉ báo kỹ thuật như RSI và ADX chuyển tín hiệu sang tích cực khi vận động hướng lên, từ tín hiệu trung tính trước đó. Điều này cho nhận định chỉ số VN-Index có khả năng duy trì động lực đi lên trong tháng 6.

Theo đó, vùng tranh chấp 1.285-1.292 trên VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua sau khi chỉ số trải qua giai đoạn củng cố trên nền giá hiện tại. Mục tiêu 1.330-1.340 có thể hướng đến trong kịch bản tích cực. Ở chiều giảm, vẫn không loại trừ các nhịp “pullback” xuất hiện sau đợt hồi phục đáng kể và vùng 1.260 điểm là ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn cho chỉ số.

Sau khi nhấn mạnh thời điểm chọn lọc cổ phiếu vào tháng trước, thì tận dụng vùng giá cao để bảo toàn thành quả cho danh mục là chiến lược có thể phù hợp với bối cảnh thị trường hiện tại. Ở chiều mua, việc đa dạng hóa danh mục theo ngành có thể giúp nhà đầu tư chủ động đón đầu dòng tiền liên tục xoay vòng và hạn chế rủi ro.

Tỷ trọng cổ phiếu tiếp tục duy trì ở mức cân bằng, chỉ mua gom trong các nhịp điều chỉnh và việc lựa chọn nên tập trung vào các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng kết quả kinh doanh cao và ổn định. Nhiều nhóm ngành sẽ lần lượt hồi phục trên nền so sánh rất thấp của năm ngoái.

Theo ước tính của SSI Research, các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tăng trưởng vững chắc trong các nhóm ngành Bán lẻ, Phân bón, Thép-Tôn mạ, Chứng khoán và Xuất khẩu sẽ có cơ hội nhiều nhất trong năm 2024. Trong khi đó, sự chú ý của thị trường còn mở rộng sang một số nhóm ngành có định giá gần như đi ngang nếu tính từ đầu năm 2023 như nhóm Thực phẩm đồ uống và nhóm Tiện ích (điện) và các cổ phiếu dự kiến trả cổ tức cao.

Về rủi ro, rủi ro về địa chính trị và viêc Cục dự trữ liên bang Mỹ trì hoãn giảm lãi suất sẽ là yếu tố ảnh hưởng lớn đến các cân đối vĩ mô trong nước và sẽ tác động không tích cực đến thị trường chứng khoán. Về các yếu tố nội tại, các rủi ro lớn có thể kể đến như tỷ giá và áp lực lên lãi suất, thị trường bất động sản còn yếu trong khi dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn còn lại trong năm 2024 vẫn còn rất cao và tiêu dùng phục hồi không đạt như kỳ vọng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate