July 21, 2022 | 06:00 GMT+7

Liên kết 4 địa phương thành cực tăng trưởng kinh tế vùng Đồng bằng Sông Hồng  

Trương Quốc Cường  

Để trở thành cực tăng trưởng kinh tế năng động của vùng Đồng bằng Sông Hồng thì Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên cần đẩy mạnh việc xúc tiến đầu tư chung cho cả vùng thay vì xúc tiến đầu tư riêng tại từng địa phương...

Hệ thống đường cao tốc là động lực kết nối liên kết giữa các tỉnh.
Hệ thống đường cao tốc là động lực kết nối liên kết giữa các tỉnh.

Đó là nhận định đáng chú ý của đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong Hội thảo "Phát triển công nghiệp và đô thị vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" do Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức vào ngày 19/7 tại Bắc Ninh.

Theo VCCI trong số 11 tỉnh, thành các địa phương thuộc vùng Đồng bằng Sông Hồng, 04 địa phương gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên  đang có năng lực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài khá tốt.

Kết quả này được thể hiện bằng số dự án và tổng vốn đầu tư tích lũy tính đến hiện tại. Cụ thể, Hải Phòng, Hưng Yên và Hải Dương lần lượt đứng thứ 7, 11 và 12 về số lượng dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút được. Tính chung cả bốn địa phương tổng số dự án tích lũy là 2.092 chỉ thấp hơn TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Bình Dương.

Thành công cao trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, 4 địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên đã dần hình thành một cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Việt Nam.

Điểm mạnh của cả 4 các địa phương này là đều có vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào. Đặc biệt là sự hình thành và phát triển trục hành lang giao thông, đường cao tốc nối giữa Hà Nội với Hải Phòng và Quảng Ninh, đi qua Hưng Yên và Hải Dương.

Về phát triển kinh tế, ngoại trừ thành phố Hải Phòng, 3 địa phương là Hải Dương, Hưng Yên và Quảng Ninh đều có số lượng doanh nghiệp tăng trưởng ổn định trong giai đoạn 2017 đến 2020. So sánh với một số trung tâm kinh tế lớn khác, sự phát triển của doanh nghiệp của cả 03 địa phương đều nhanh hơn so với Đà Nẵng (108,6%) và TP. Hồ Chí Minh (107,3%), khá tương đồng với Hà Nội (107,1%) và chậm hơn so với Bình Dương (114,1%).

Đồng thời trong 4 địa phương, Hải Phòng và Quảng Ninh là 2 địa phương có sự phát triển về hạ tầng logistics tốt hơn đáng kể so với Hải Dương và Hưng Yên.

Đặc biệt là Hải Phòng đã có sẵn hạ tầng giao thông khá phát triển gồm tất cả các hình thức đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và đường hàng không. Hải Phòng cũng đã có sẵn hạ tầng cảng biển và các cảng cạn,  nhiều trung tâm logistics đã hình thành và đi vào hoạt động, cùng khoảng 250 doanh nghiệp đăng ký cung cấp dịch vụ logistics, trong đó có nhiều đơn vị thuộc các tập đoàn logistics đa quốc gia.

Dựa trên các yếu tố về phát triển kinh tế nêu trên cùng tham khảo từ nhiều góc nhìn của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đại diện VCCI đã trình bày tham luận với chủ đề "Phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" -  đề xuất thí điểm mô hình liên kết 4 tỉnh Hưng Yên -  Hải Dương – Hải Phòng – Quảng Ninh theo trục cao tốc phía Đông  trở thành một trung tâm kinh tế năng động, cực tăng trưởng kinh tế của vùng Đồng bằng Sông Hồng.

Việc kết nối kinh tế hành lang cao tốc phía Đông gồm 4 tỉnh nêu trên có ý nghĩa thúc đẩy liên kết kinh tế các địa phương nằm trên trục đường cao tốc từ Hà Nội tới Hải Phòng rồi nối tiếp đến cửa khẩu Móng Cái, với hàm ý về việc xây dựng một mô hình liên kết kinh tế vùng tạo thành một động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ, có tốc độ cao, định hướng toàn cầu.

Tuy nhiên, VCCI nhận định, để trở thành một cực tăng trưởng mới – một trung tâm kinh tế năng động của vùng Đông Bắc Bộ thì cả bốn địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động liên kết xúc tiến thương mại, đầu tư, mở rộng không gian kinh tế, cần đổi mới phương pháp, thay vì xúc tiến đầu tư riêng cho từng tỉnh thì cần đẩy mạnh việc xúc tiến đầu tư chung cho cả vùng.

Bên cạnh đó, các địa phương cần thúc đẩy liên kết dịch vụ hậu cần logistics, liên kết trong cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển du lịch, dịch vụ cũng như đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực. Đồng thời, các địa phương cần xây dựng dữ liệu chung về các doanh nghiệp phụ trợ, nhà cung cấp của bốn địa phương trong vùng; kết nối các doanh nghiệp trong vùng, kết nối hệ thống các khu công nghiệp trong vùng để nâng cao vị thế, cơ hội trong chuỗi sản xuất, cung ứng cho các tập đoàn lớn.

 

Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam. Trong đó, hạt nhân phát triển vùng là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô Hà Nội và vùng Duyên hải Bắc Bộ.

Đồng bằng sông Hồng cùng với Đông Nam Bộ là một trong hai vùng tập trung chủ yếu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, ước tính đồng bằng sông Hồng chiếm khoảng 30% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của cả nước.

Đây cũng là một trong hai vùng thu hút được nhiều vốn FDI nhiều nhất tại Việt Nam. Tính đến hết tháng 8/2021, trên địa bàn các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng hiện có 11.460 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 121,05 tỷ USD (chiếm 33,6% tổng số dự án và 30,2% về số vốn so với cả nước).

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate