“Ý tưởng thì tôi đồng tình, nhưng tha lỗi tôi nói thật là rất khó”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu phát biểu tại cuộc họp của Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung, chiều 24/9.
Cuộc họp diễn ra ngay trước thềm Diễn đàn Kinh tế Miền Trung lần thứ hai diễn ra sáng 25/9 do Thời báo Kinh tế Việt Nam khởi xướng, phối hợp tổ chức tại Đà Nẵng.
Với sự tham dự của cả bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch nhiều tỉnh, đây cũng là buổi họp đông đủ nhất các lãnh đạo của 9 tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận kể từ ngày ban điều phối vùng này được thành lập vào năm 2011.
Sau khi nghe TS. Trần Du Lịch, trưởng nhóm tư vấn phát triển vùng duyên hải miền Trung nêu 10 nội dung dự kiến kiến nghị Thủ tướng, một số vị quan chức, chuyên gia đã nêu quan điểm chung và góp ý cụ thể về một số kiến nghị.
10 kiến nghị nêu nhiều nội dung cụ thể, nhưng tóm lại vùng duyên hải miền Trung cần một thể chế thực sự vượt trội, cần xây dựng trục kinh tế biển thống nhất, ưu tiên xây dựng tuyến đường ven biển xuyên suốt toàn vùng...
Và kiến nghị cuối cùng là đề nghị Chính phủ hoặc Bộ Nội vụ ra quyết định công nhận Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung là một tổ chức hoạt động theo quy chế hội.
Trong khi một số lãnh đạo tỉnh và trưởng nhóm tư vấn Trần Du Lịch nhấn mạnh rằng dù xếp thứ 10 nhưng đây lại là vấn đề hết sức quan trọng, thì ông Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính nói cần cân nhắc, còn cá nhân ông thì không hào hứng với các mô hình kiểu như vậy.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải góp ý nên xem xét loại hình gì cho phù hợp, có thể là hội đồng vùng chứ không phải là hội, vì hội thì phải có hội viên.
“Tôi cũng xin tiết lộ đi dự nhiều hội nghị liên kết vùng đến đâu cũng nghe nói là miền Trung có mô hình điều phối rất hiệu quả và muốn đến học tập kinh nghiệm”, ông Hải phát biểu.
Đồng tình với kiến nghị thứ 10, một số vị lãnh đạo địa phương cho rằng danh có chính thì ngôn mới thuận, kiến nghị này không nhằm mục đích đề nghị nhà nước cấp nhà cấp xe mà cần chính danh cho Ban Điều phối.
Hồi âm khá nhiều băn khoăn, ông Lê Thanh Quang, Trưởng ban Điều phối, Bí thư Tỉnh uỷ Khánh Hoà giải thích rằng, Ban Điều phối cần một quyết định công nhận chứ không phải là hội, cũng không xin tiền để hoạt động, và cũng không phải là cấp trên của các tỉnh.
Nhìn cả 10 kiến nghị, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu cho rằng không phải là vấn đề đơn giản khi mà mới chỉ có 4/9 tỉnh tự cân đối được ngân sách.
Bày tỏ là phát biểu dăm ba câu động viên lấy lòng thì không muốn, ông Hiếu nói: “Ý tưởng liên kết thì tôi đồng tình nhưng nội dung liên kết thì tha lỗi tôi nói thật là rất khó, cơ chế chính sách chung cho 9 tỉnh là khó khả thi, nên chọn vài nội dung dự án cụ thể thì mới bàn được”.
Chọn nội dung cụ thể và bàn bạc, đề xuất sau khi đã nghiên cứu, đã có hình hài tương đối rõ cũng là quan điểm của khá nhiều ý kiến tại cuộc họp.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ thì về đề xuất xây dựng con đường ven biển xuyên suốt toàn vùng, các tỉnh trong khu vực cần chủ động nghiên cứu để báo cáo với Thủ tướng, chứ không thể chờ Bộ Giao thông Vận tải khi mà họ “quá trời việc”.
Nhấn mạnh cái khó của liên kết nằm ở thể chế, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi Lê Viết Chữ nói, thể chế hiện nay không cho các tỉnh vượt qua không gian hành chính, vì thế không giải quyết được vấn đề thể chế thì các tỉnh cũng “chịu chết”.
Còn trong điều kiện hiện tại, ông Chữ cùng quan điểm với Thứ trưởng Hiếu, là mỗi năm chọn một chuyên đề. Chẳng hạn năm nay bàn chuyên đề liên kết du lịch, sang năm bàn về liên kết xây tuyến đường ven biển...
Còn nhiều cái khó nữa được nêu ra tại cuộc họp, trong điều kiện nói như Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải là quy mô ngân sách còn quá nhỏ bé.
Điều đó cũng cho thấy tính thiết thực của chủ đề được chọn cho Diễn đàn Kinh tế Miền Trung lần này. Đó là giải pháp tháo gỡ rào cản về cơ chế chính sách, tạo đột phá phát triển các tỉnh duyên hải miền Trung; giải pháp tạo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế địa phương và liên kết vùng duyên hải miền Trung bền vững; phát triển kinh tế tư nhân - động lực phát triển kinh tế miền Trung bền vững.