Cổ phiếu China Evergrande Group ngày 8/9 có lúc giảm dưới mức giá trong vụ phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2009, sau khi tập đoàn bất động sản khổng lồ này bị hạ điểm tín nhiệm hai lần trong vòng chỉ 2 ngày, khiến khả năng vỡ nợ trở lên lớn hơn bao giờ hết.
Theo hãng tin Bloomberg, giá cổ phiếu Evergrande có lúc giảm còn 3,46 Đôla Hồng Kông/cổ phiếu trong phiên sáng tại thị trường Hồng Kông, thấp hơn mức giá IPO cách đây 12 năm là 3,5 USD/cổ phiếu. Sau đó, cổ phiếu Evergrande hồi nhẹ lên trên ngưỡng này.
Năm nay, cổ phiếu Evergrande đã giảm 76%, giá nhiều trái phiếu USD mà tập đoàn này phát hành cũng giảm còn chưa đầy 30 cent/1 USD mệnh giá.
Tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings đã hạ điểm tín nhiệm của Evergrande về CC, nói rằng “đế chế” phát triển bất động sản này có khả năng vỡ nợ do chưa giải quyết được những vấn đề thanh khoản đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Những tháng gần đây, Evergrande liên tục bị hạ điểm tín nhiệm, cho thấy cuộc khủng hoảng ngày càng xấu đi ở tập đoàn địa ốc nặng nợ nhất thế giới. Evergrande đã xoay sở đủ cách để huy động vốn và trấn an các chủ nợ, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.
“Việc hạ điểm tín nhiệm này phản ánh quan điểm của chúng tôi rằng một cuộc vỡ nợ dưới một dạng thức nào đó có thể xảy ra”, Fitch nói trong một tuyên bố. “Chúng tôi tin rằng rủi ro tín nhiệm của Evergrande là cao, xét tới tình trạng thanh khoản thắt chặt, doanh số theo hợp đồng giảm sút, áp lực giải quyết những khoản thanh toán bị trì hoãn cho các nhà cung cấp và nhà thầu, cũng như bước tiến chậm chạp trong việc bán bớt tài sản”.
Động thái của Fitch diễn ra chỉ vài ngày sau khi một tổ chức đánh giá tín nhiệm khác là Moody’s Investors Servive hạ 3 bậc điểm tín nhiệm của Evergrande về mức Ca, cho rằng tập đoàn này “có thể đã hoặc đang rất gần vỡ nợ”. Lần thứ ba hạ điểm tín nhiệm Evergrande kể từ tháng 6 đến nay, Moody’s nói rằng những rủi ro về thanh khoản và nguy cơ vỡ nợ của tập đoàn đã “tăng cao”.
Với hơn 300 tỷ USD nghĩa vụ nợ, Evergrande có thể khiến các chủ nợ, nhà cung cấp, nhiều doanh nghiệp nhỏ và hàng triệu khách hàng mua nhà khốn đốn nếu tập đoàn sụp đổ. Chính phủ Trung Quốc đến nay vẫn giữ im lặng về ý định đối với Evergrande, ngoài việc hối thúc tập đoàn giải quyết những rủi ro nợ nần.
Giới đầu tư từng xem Evergrande là một doanh nghiệp “quá lớn để đổ vỡ”, tin rằng Bắc Kinh sẽ không để Evergrande sụp đổ vì lo ngại những hệ luỵ khó lường. Nhưng giờ đây, khả năng có một gói giải cứu từ Chính phủ đã không còn là một điều chắc chắn đối với Evergrande.
Nhà sáng lập Evergrande là tỷ phú Hui Ka Yan, một người lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, đã gây dựng nên “gã khổng lồ” địa ốc này thông qua việc vay nợ ồ ạt và mạnh tay gom mua đất. Năm ngoái, Evergrande đã tạm thời thoát hiểm khủng hoảng nợ nhờ sự trợ giúp từ những người bạn doanh nhân giàu có của ông Hui và Chính phủ Trung Quốc. Năm nay, những rắc rối tài chính của Evergrande lại trở nên nghiêm trọng hơn sau khi Bắc Kinh vạch ra những quy định mới gọi là “ba giới hạn đỏ” về việc vay nợ của các doanh nghiệp.
Tuần trước, chính Evergrande cũng cảnh báo về rủi ro vỡ nợ nếu những nỗ lực huy động vốn của tập đoàn thất bại. Tỷ lệ dự trữ tiền mặt của Evergrande so với các khoản vay ngắn hạn đã giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm nay, còn 36%, từ mức 47% trong 6 tháng trước đó - theo ước tính của Bloomberg dựa trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp này.
Từ tháng 1 năm ngoái đến nay, Evergrande không có một đợt phát hành trái phiếu USD nào.