Weibo, một trong những mạng xã hội lớn nhất tại Trung Quốc, vừa quyết định khóa hàng loạt tài khoản chuyên “phím hàng” chứng khoán có hàng triệu người theo dõi. Các tài khoản này chuyên đưa ra lời khuyên về các mã cổ phiếu để các nhà đầu tư mua vào hoặc bán ra. Động thái của Weibo diễn ra trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc kêu gọi các nền tảng Internet “làm sạch” những nội dung được cho là độc hại với nền kinh tế của đất nước.
Theo Bloomberg, Weibo Corp., công ty vận hành mạng xã hội Weibo với khoảng 500 triệu người dùng hoạt động, đã khóa 52 tài khoản “phím hàng” do vi phạm các quy định mới về thông tin liên quan tới tài chính và kinh tế. Trong đó, tài khoản lớn nhất - có tên GuSheQu hay còn gọi là “Cộng đồng Chứng khoán” - có 3,25 triệu người theo dõi.
Michael Chen, một tài khoản cá nhân chuyên đưa ra lời khuyên đầu tư với 1,3 triệu người theo dõi, là tài khoản lớn thứ 2 bị khóa.
Hai tài khoản này bị dừng hoạt động vì “chỉnh sửa và xuất bản thông tin tài chính bất hợp pháp”, theo thông báo từ Weibo. Đây là 2 trong số 6 tài khoản bị khóa vì "tiếp thị độc hại".
Các tài khoản trên thường thu phí người theo dõi, đổi lại đưa ra lời khuyên cho họ về các mã cổ phiếu. Trong đó, một tài khoản đưa ra hướng dẫn giao dịch trên sàn chứng khoán Thượng Hải, hồi tháng 5 đã khuyến nghị người theo dõi mua “mạnh” khi thị trường ở quanh ngưỡng 3.482-3.488 điểm.
Một tài khoản khác, có tên được dịch ra là “Chứng khoán lên đỉnh”, hôm 12/3 đăng tải nội dung khuyên người theo dõi mua cổ phiếu của Henan Mingtai Al Industrial Co. - một nhà sản xuất lá nhôm trên sàn chứng khoán Thượng Hải. Từ sau đăng tải trên, giá cổ phiếu của Henan Mingtai tăng tới 98%. Tuy nhiên, 2 mã cổ phiếu khác mà tài khoản này khuyến nghị nhà đầu tư mua vào đã giảm hơn 10%.
Một số tài khoản đưa ra bình luận về các vấn đề chính sách vĩ mô nhạy cảm, như dân số Trung Quốc, trong khi một số khác đăng tải ảnh chụp hoặc câu nói dẫn lại từ các bài báo nước ngoài để làm dẫn chứng đưa ra khuyến nghị đầu tư.
Theo Weibo, trong số các tài khoản bị đóng, 25 tài khoản có từ 100.000 - 1 triệu người theo dõi. Trong số này có tài khoản của Xu Jin - nhà bình luận tài chính trưởng của tờ Financial Times tại Trung Quốc, Larry Wu - nhà sáng lập hãng đầu tư bất động sản UC Asset có trụ sở tại Atlanta, Georgia (Mỹ).
Động thái của Weibo cho thấy rõ ràng hơn những loại nội dung mà các nhà quản lý Trung Quốc cho là có hại với nền kinh tế. Hôm 27/8, Cục quản lý không gian mạng của Trung Quốc (CAC) đưa ra các quy định mới, trong đó yêu cầu các trang web và nền tảng thương mại loại bỏ các nội dung xuyên tạc “ác ý” đối với thị trường tài chính Trung Quốc hoặc gây hiểu lầm về các chính sách cũng như dữ liệu kinh tế trong nước.
“Việc này nhằm xây dựng một môi trường mạng lành mạnh, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững và lành mạnh của nền kinh tế và xã hội Trung Quốc”, CAC cho biết.
Truyền thông Trung Quốc hồi tháng 6 đưa tin cho biết các nhà quản lý phản đối việc các nhà phân tích đưa ra mức mục tiêu hoặc dự báo cụ thể cho chỉ số chứng khoán.
Tại Trung Quốc, các hãng truyền thông ở Trung Quốc thường tác động đến thị trường bằng cách nói giảm nói tránh những biến động mạnh trên thị trường hoặc không khuyến khích hành động mua vào/bán ra mạnh.
Hồi tháng 3, khi chứng khoán nước này lao dốc, từ khóa tìm kiếm “thị trường chứng khoán” không cho kết quả nào trên phiên bản web của Weibo. Năm 2019, các bài đăng về những mối đe dọa từ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó sẽ áp thêm thuế lên hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc, cũng bị xóa bỏ khỏi các nền tảng mạng xã hội.