March 07, 2022 | 17:43 GMT+7

Liệu đã đến lúc chốt lời cổ phiếu hưởng lợi từ căng thẳng Nga - Ukraine?

Thu Minh -

Thị trường đã phản ứng tích cực với những nhóm được đánh giá hưởng lợi từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, sự tích cực vẫn chủ yếu dừng lại ở thông tin, kết quả kinh doanh lợi nhuận của doanh nghiệp có đúng với kỳ vọng của thị trường hay không vẫn phải cần thời gian để chứng minh....

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Căng thẳng Nga - Ukraine leo thang suốt những ngày qua đã làm chao đảo thị trường tài chính toàn cầu. Tính trong vòng một tuần sau khi sự kiện Nga chính thức đưa quân đội vào Ukraine, thời điểm 28/2 đến 4/3, các chỉ số chứng khoán Mỹ sụt giảm 1-3%. Chứng khoán châu Âu giảm mạnh tới 6%, châu Á cũng có mức sụt giảm tương đối trung bình 2% trong tuần vừa qua. Trong vòng 1 tháng, S&P 500 giảm gần 6%.

Riêng thị trường chứng khoán Việt Nam lại bất ngờ tích cực hơn khi chỉ số Vn-Index lình xình đi ngang, thậm chí còn tăng nhẹ với biên độ tăng 1% trong vòng ngay 1 tuần sau khi khủng hoảng địa chính trị diễn ra, và tính trong vòng 1 tháng chỉ số tăng 2,35%. Sự tăng trưởng bất chấp diễn biến tiêu cực của tài chính toàn cầu tất cả là nhờ nhóm cổ phiếu được đánh giá là hưởng lợi khi xung đột diễn ra như dầu khí, nguyên vật liệu như thép, phân bón.

Với nhóm dầu khí, những phiên kịch trần liên tiếp trong bối cảnh giá dầu tăng mạnh do đứt gãy chuỗi cung ứng mà nguồn cung lớn nhất đến từ Nga đã đưa giá cổ phiếu nhóm này về gần sát với đỉnh cũ được thiết lập năm 2018, có mã vượt đỉnh lịch sử như GAS. Cổ phiếu GAS tăng chính thức cán mốc 124.600 đồng/cổ phiếu, tăng 12% kể từ tháng 2 đến nay và tăng 30% trong vòng 1 quý giao dịch. Thanh khoản nhóm này cũng cải thiện đáng kể với trung bình 1,5 triệu cổ phiếu được giao dịch những phiên gần đây. PVD, PVS, PVC cũng đang ở vùng đỉnh của lịch sử từ ngay niêm yết trên sàn chứng khoán.

Nhóm thép như HSG, NKG - được đánh giá cơ hội thay thế Nga trở thành chuỗi cung ứng tiềm năng sang thị trường EU khi mà châu Âu áp dụng các biện pháp trừng phạt với quốc gia có kim ngạch xuất khẩu thép lớn thuộc top đầu thế giới, cũng bật dậy tăng mạnh về vùng giá của tháng 10/2021 chỉ trong vòng hơn 10 phiên giao dịch. Gần sát với mức giá kỷ lục mà nhóm này đạt được vào tháng 11/2021. Ngay cả HPG không được đánh giá hưởng lợi nhiều lắm cũng trần liên tiếp trước sự ngỡ ngàng trong hạnh phúc của nhiều nhà đầu tư.

Cuối cùng là nhóm phân bón, bộ đôi DCM và DPM sau chuỗi ngày chịu áp lực điều chỉnh cũng đã dựng ngược với thông tin tích cực là giá ure nhiều khả năng sẽ còn tăng cao nữa do thiếu hụt nguồn cung. Không riêng gì hai mã trên, phiên giao dịch 7/3, hàng loạt nhóm cổ phiếu phân bón cũng đồng loạt liên tiếp kịch trần như LAS, BFC, VAF, PMB, PSW.

Diễn biến Vn-Index những tháng gần đây.
Diễn biến Vn-Index những tháng gần đây.

Như vậy, thị trường đã phản ứng tích cực với những nhóm được đánh giá hưởng lợi từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, sự tích cực vẫn chủ yếu dừng lại ở thông tin, kết quả kinh doanh lợi nhuận của doanh nghiệp có đúng với kỳ vọng của thị trường hay không vẫn phải cần thời gian để chứng minh. Thông thường, sẽ phải chờ đến giữa tháng 4/2022, tức là phải chờ ít nhất 1 tháng nữa khi các doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý 1/2021 và dài hơi hơn là kết quả kinh doanh của cả một năm.

Giữa lúc đó, câu hỏi của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là đầu cơ, đặt ra lúc này rằng: Có nên mua vào sở hữu cổ phiếu nhóm hưởng lợi nữa hay không? Với những người đang sẵn hàng, liệu thời điểm này đã đủ để chốt lời?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm chuyên gia phân tích của SSI Research cho rằng, thị trường đã phản ứng nhanh nhạy với thông tin căng thẳng Nga - Ukraine, tuy nhiên cần lưu ý phản ứng mạnh nhất thông thường sẽ xuất hiện ở đầu câu chuyện chứ không phải từ lúc bắt đầu đến kết thúc. Chưa kể Nga va Ukraine đang bước vào cuộc đàm phán tìm tiếng nói chung, nếu điều này xảy ra sẽ ảnh hưởng đến cổ phiếu nhóm hưởng lợi.

"Câu chuyện Nga - Ukraine đang dần phản ánh vào giá cổ phiếu, chiến lược đầu tư hợp lý với nhóm này là nắm giữ, chờ thời điểm chốt lời, đặc biệt với cổ phiếu mà chỉ tăng dựa trên đơn thuần kỳ vọng về thông tin chứ không có sự xác nhận lợi nhuận doanh nghiệp. Nhà đầu tư có thể chốt lời với cổ phiếu hưởng lợi này trong tăng rất tốt hoặc chốt lời khi xuất hiện thông tin tích cực từ đàm phán Nga - Ukraine", ông Tâm nhấn mạnh.

Trong khi đó, về triển vọng lợi nhuận, với nhóm phân bón, SSI Research trong báo cáo phân tích mới đây còn cho rằng, về dài hạn, ước tính giá urê sẽ giảm do Trung Quốc có thể tăng nguồn cung urê khi tình trạng thiếu than giảm bớt. SSI Research ước tính lợi nhuận cho DPM và DCM lần lượt đạt 2.798 tỷ đồng giảm 12% và 1.811 tỷ đồng giảm 5% trong năm 2022.

Với nhóm thép, khác với dự báo của chuyên gia và các công ty chứng khoán, năm 2021-2022, ban lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen - HSG cho rằng, giá nguyên liệu đầu vào đã và đang biến động rất khó lường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, HSG đưa ra 3 kịch bản kinh doanh trong đó, phương án thấp nhất doanh thu 46.399 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.500 tỷ đồng. 

Liệu đã đến lúc chốt lời cổ phiếu hưởng lợi từ căng thẳng Nga - Ukraine? - Ảnh 1

Chia sẻ tại buổi hội thảo mới đây, ông Nguyễn Thanh Lâm, trưởng phòng Nghiên cứu Phân tích - khối Khách hàng Cá nhân Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cũng cho rằng, với nhóm phân bón, yếu tố hưởng lợi đã phần nào phản ánh vào giá cổ phiếu. Về dài hạn, giá urê sẽ giảm do Trung Quốc có thể tăng nguồn cung urê khi tình trạng thiếu than giảm bớt khiến tình trạng phân hoá giữa nhóm cổ phiếu này có thể diễn ra mạnh mẽ.

Cơ hội vẫn còn cho những công ty có lợi thế về chi phí sản xuất, có thể chủ động nguồn nhiên liệu và dự báo có biên lợi nhuận tốt hơn như DCM và DPM. Ngược lại, nhà đầu tư nên xem xét chốt lời đối với những cổ phiếu phân bón đã tăng mạnh và thiếu tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.

Với nhóm cổ phiếu thép, căng thẳng địa chính trị sẽ khiến gián đoạn chuỗi cung ứng tăng cao chỉ là câu chuyện ngắn hạn. Cơ hội đầu tư cổ phiếu thép sẽ duy trì trong khoảng tháng 3 và tháng 4, song đà tăng của nhóm cổ phiếu thép sẽ khó duy trì trong dài hạn.

Với nhóm dầu khí, trong ngắn hạn, cổ phiếu giao dịch chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến của giá dầu và tâm lý của nhà đầu tư. Do đó, nhiều nhà đầu tư lo ngại việc giá dầu có thể giảm trong thời gian tới sẽ khiến cổ phiếu nhóm này lao dốc mạnh.

Dẫu vậy, chuyên gia cho rằng việc giá dầu giảm xuống mức cân bằng vẫn là kịch bản sáng cho cổ phiếu dầu khí. Nhìn về triển vọng trong dài hạn, cổ phiếu ngành dầu khí vẫn được củng cố bởi khi giá dầu neo ở mức 80 USD/thùng sẽ thúc đẩy các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, giúp cải thiện nền tảng cơ bản của ngành. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate