July 09, 2024 | 08:00 GMT+7

Lĩnh vực dịch vụ của Mỹ suy yếu trông thấy

Bình Minh -

Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm cắt giảm lãi suất vì thế cũng tăng lên...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Một khu vực rộng lớn của nền kinh tế Mỹ đang cho thấy nhiều dấu hiệu của sự suy yếu, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở nước này tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 năm trở lại đây. Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm cắt giảm lãi suất vì thế cũng tăng lên.

Nhu cầu tiêu dùng trong nền kinh tế Mỹ có vẻ đã yếu đi trong mùa hè năm nay - theo các cuộc khảo sát với sự tham gia của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ ở nước này, từ các nhà hàng đến phòng khám nha khoa. Sự suy yếu đó cũng được thể hiện rõ trong dữ liệu mới nhất về tiêu dùng - những con số đã đuối hơn nhiều so với ở mùa hè năm ngoái, thời điểm người Mỹ mạnh tay chi tiêu cho các dịch vụ như rạp chiếu phim và biểu diễn âm nhạc - theo hãng tin CNN.

Báo cáo hàng tháng mới nhất của Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) cho thấy hoạt động của lĩnh vực dịch vụ trong tháng 6 bất ngờ rơi vào trạng thái suy giảm. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành dịch vụ giảm còn 48,8 điểm, từ mức 53,8 điểm của tháng 5. Trong đó, chỉ số đo lượng đơn hàng mới thậm chí còn giảm mạnh hơn, còn 47,3 điểm từ mức 54,1 điểm. Đối với các chỉ số PMI, mức điểm trên 50 phản ánh tăng trưởng và dưới ngưỡng này phản ánh suy giảm.

Sự suy giảm rõ rệt của nhu cầu nói trên, nếu kéo dài đủ lâu, có thể dẫn tới việc các doanh nghiệp dịch vụ giảm tốc độ tuyển dụng lao động, hoặc thậm chí cắt giảm nhân công. Phần lớn công ăn việc làm trong nền kinh tế Mỹ nằm ở lĩnh vực dịch vụ, cụ thể là lĩnh vực này chiếm 86% trong tổng số 158,6 triệu công việc ở Mỹ vào thời điểm tháng 6.

“Khi nói về lĩnh vực dịch vụ, động lực của sự tăng trưởng là người tiêu dùng. Và người tiêu dùng cũng là yếu tố quyết định nền kinh tế Mỹ sẽ đi đến đâu. Chúng tôi bắt đầu nhận thấy áp lực phải thắt chặt chi tiêu ở ngày càng nhiều hộ gia đình”, nhà kinh tế trưởng James Knightley của ngân hàng ING nhận định.

Đang có nhiều yếu tố bất lợi “bủa vây” người tiêu dùng Mỹ, bao gồm lạm phát còn cao, mức lãi suất cao nhất trong 2 thập kỷ trở lại đây, lượng tiền tiết kiệm trong thời gian đại dịch Covid-19 đã cạn, và mức nợ tăng lên. Các số liệu thống kê chính thức cho thấy tiêu dùng - lĩnh vực chiếm khoảng 70% nền kinh tế Mỹ - đã suy yếu trong mấy tháng trở lại đây và chính các nhà bán lẻ cho biết người tiêu dùng trên khắp phổ thu nhập đang thay đổi hành vi mua sắm.

Một cuộc khảo sát doanh nghiệp dịch vụ ăn uống của ISM cho thấy “doanh thu và lượng khách yếu đi so với cùng kỳ năm ngoái”, nguyên nhân do “giá xăng cao ở bang California và tin tức liên tục vè lạm phát và giá cả cao trong thực đơn tại các nhà hàng”. Theo báo cáo bán lẻ mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ, chi tiêu tại các nhà hàng và quán bar ở nước này trong tháng 4 giảm 0,4%. Một công ty bán lẻ nói với ISM: “Với lạm phát còn cao, liệu người tiêu dùng có đủ ngân sách khả dụng để chi tiêu hay không?”

Ông Knightley cung cấp cho CNN một phân tích dựa trên dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy người Mỹ trong nhóm 20% thu nhập cao nhất là những người chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu vào những dịch vụ liên quan tới giao thông (đi lại bằng máy bay và du thuyền), giải trí, ăn uống và tài chính. Nhóm 60% hộ gia đình có thu nhập thấp nhất chiếm một tỷ trọng lớn hơn trong chi tiêu cho các dịch vụ y tế.

Tuy nhiên, có một tin tốt là sẽ mất một thời gian nhất định để sự giảm tốc của nhu cầu chuyển thành sự giảm tốc của nhu cầu tuyển dụng hoặc việc sa thải nhân công, vì các doanh nghiệp cần thời gian để xác định tình hình kinh doanh ảm đạm sẽ chỉ kéo dài vài ba tháng hay lâu hơn - theo Chủ tịch phụ trách nguồn nhân lực của công ty Gallagher, ông Scott Hamilton.

Ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ở Mỹ đã giảm tốc độ tuyển dụng. Trong thời gian từ tháng 4-6 năm hay, các công ty này tạo được bình quân 168.000 công việc mới mỗi tháng - theo số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố vào tuần trước. Con số này thấp hơn nhiều so với mức bình quân của kỳ 3 tháng trước đó, với 241.000 công việc mới được tạo ra trong lĩnh vực dịch vụ mỗi tháng. Năm ngoái, lĩnh vực dịch vụ của Mỹ có bình quân 228.000 công việc mới mỗi tháng. Dĩ nhiên, các xu hướng tuyển dụng tại các mảng khác nhau của lĩnh vực dịch vụ là rất đa dạng.

Trong tháng 6, số lượng việc làm của mảng bán lẻ giảm lần đầu tiên kể từ tháng 11. Số lượng việc làm của mảng dịch vụ hỗ trợ tạm thời giảm 48.900 công việc, kéo tụt 17.000 công việc trong tổng số lượng việc làm của ngành dịch vụ kinh doanh. Mảng y tế là một trong những điểm sáng của lĩnh vực dịch vụ, với số lượng việc làm mới nhiều nhất trong vài thập kỷ trở lại đây, nhưng dù vậy, một số doanh nghiệp trong ngành này gần đây đã báo cáo sự suy yếu của nhu cầu.

Thị trường việc làm Mỹ đã có sự phục hồi ngoạn mục khi nền kinh tế nước này “hồi sinh” từ sau cú sụt do đại dịch Covid-19 gây ra. Năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm còn 3,4%, mức thấp nhất trong nửa thế kỷ. Nhưng tháng 6 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã tăng lên mức 4,1%, cao nhất kể từ tháng 11/2021. Ngoài ra, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đang có xu hướng tăng lên.

Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Fed đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến của thị trường lao động - việc làm. Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự suy yếu của thị trường này cũng đồng nghĩa áp lực trong nền kinh tế Mỹ suy yếu, mở đường cho Fed tiến tới bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate