December 14, 2020 | 09:32 GMT+7

Livestream bán hàng: Ngành công nghiệp tỷ đô chờ gọi tên những "ông hoàng"

Thủy Diệu

Livestream bán hàng, ngành công nghiệp tỷ USD cũng đã nhen nhóm và đang định hình tại Việt Nam

Tổng cộng tính bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng trên livestream, với sự tham gia của hơn 50 nghìn nhà bán hàng tại Việt Nam - ảnh minh họa.
Tổng cộng tính bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng trên livestream, với sự tham gia của hơn 50 nghìn nhà bán hàng tại Việt Nam - ảnh minh họa.

Tháng 5/2020 Bộ Lao động Trung Quốc liệt kê Livestream trong danh sách 10 nghề nghiệp mới, và ước tính ngành công nghiệp Livestream trong năm 2020 sẽ đạt tổng doanh thu bán hàng qua livestream với con số khổng lồ 170 tỷ USD. Ngành công nghiệp tỷ USD này cũng đã nhen nhóm và đang định hình tại Việt Nam.

CÂU CHUYỆN NGÀNH CÔNG NGHIỆP LIVESTREAM CỦA TRUNG QUỐC

Năm 2016, ngành công nghiệp Livestream bán hàng (gọi tắt là Live Commerce) tại Trung Quốc vẫn còn sơ khai bằng các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội video ngắn ra mắt tính năng livestream. Các mạng xã hội video ngắn bắt đầu thử nghiệm mô hình kiếm tiền (thương mại điện tử, thanh toán điện tử). 2017 được xem là năm khởi động của Live Commerce tại quốc gia đông nhất thế giới này khi những người livestream (streamer) đa dạng hơn, gồm Celeb, KoL, cho đến người bình thường, đồng thời xuất hiện thêm các tổ chức MCN (mạng đa kênh) cho livestream.

Đến 2018, ngành công nghiệp Livestream tại Trung Quốc bước vào đà tăng trưởng. Các nền tảng thương mại điện tử phát hiện tầm quan trọng của livestream nên đã trợ giá để hỗ trợ cho người sản xuất nội dung, ngược lại các nền tảng mạng xã hội bằng video bắt đầu xây dựng các chuỗi cung ứng thương mại điện tử của riêng mình.

Tiếp tục trích dẫn số liệu từ các nghiên cứu và tổ chức liên quan, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ Nexttech – doanh nghiệp cách đây ít hôm đã chính thức mở Học viện Livestream đầu tiên của Việt Nam, cho biết, ngành Live Commerce tại Trung Quốc đã thực sự bùng nổ vào năm 2019-2020. Việc livestream bán hàng đã trở nên phổ biến và phát triển mạnh mẽ, số lượng các giao dịch qua livestream bùng nổ. Các streamer rất đa dạng, gồm cả quan chức, tỷ phú đến người nông dân đều sử dụng livestream để bán hàng và việc này tác động tích cực đến chuỗi cung ứng của nền thương mại Trung Quốc. 

Dự kiến đến cuối năm 2020 Trung Quốc sẽ có 524 triệu người (khoảng 40% dân số) sử dụng livestream. Riêm mùa Sale từ ngày 1-11/11 năm nay đã có gần 300 triệu người dùng Taobao xem livestream bán hàng. Sản lượng bán hàng qua livestream tại Trung Quốc năm 2020 dự kiến đạt hơn 170 tỷ USD, và tỷ trọng doanh số bán hàng nhờ livestream trên tổng tỷ trọng thương mại điện tử quốc gia này dự kiến năm 2022 sẽ chiếm đến 20%.

Ngành công nghiệp Livestream bán hàng tỷ USD tại Việt Nam: Chờ gọi tên "ông hoàng, bà hoàng Livestream" - Ảnh 1.

Thống kê tốc độ tăng trưởng ngành Live Commerce tại Trung Quốc - Nguồn: Tập đoàn Nexttech.

"Đặc biệt livestream đã được khẳng định là "cứu cánh" cho Trung Quốc "vượt nạn" Covid vừa rồi. Khi Trung Quốc phong tỏa nhiều nhà bán lẻ đóng cửa đã thử chuyển sang livestream để tồn tại và đã thành công", ông Hòa Bình cho biết và dẫn chứng thêm, tại Trung Quốc nền tảng Taobao Live cuối năm 2019 đã là nền tảng livetstream lớn nhất Trung Quốc, trong năm 2020 số người livestream trên Taobao Live tăng 4 lần, riêng tháng 2 – thời điểm Trung Quốc phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19 thì tăng 8 lần (so với tháng 1).

Livestream bán hàng tại Trung Quốc giờ đã vô cùng phổ biến. Hiện nay, tại Trung Quốc, người người, nhà nhà đều sử dụng livestream như một kênh bán hàng chủ lực. Mọi thứ hàng hóa và dịch vụ đều được bán qua livestream, như từ bảo hiểm nhân thọ, bán gói vay, livestream dạy đầu tư cổ phiếu và hướng dẫn mua chứng khoán, bitcoin, bán tour du lịch (nhất là sau Covid-19), bán xe sang, nhà đất, và thậm chí bán cả dịch vụ phóng vệ tinh (với trường hợp của Vi Á, một trong những KOL nổi tiếng nhất về livestream bán hàng tại Trung Quốc đã livestream bán dich vụ phóng vệ tinh và sau 10 giây đã có khách chốt đơn hàng).

Hình ảnh người nông dân ra đồng livestream quá trình trồng trọt, thu hái và bán nông sản ngay tại vườn nhà mình, tạo cho khách hàng cảm giác tin tưởng hơn và có tính tương tác mua hàng nhanh hơn. 

Lãnh đạo địa phương cũng quảng cáo, bán sản phẩm địa phương qua Livestream (sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình thúc giục quan chức Livestream bán sản vật địa phương). Trong khi đó, các tỷ phú cũng lên mạng bán hàng livestream và thành công nhất như CEO Xiaomi thu được hơn 30 triệu USD từ bán bút, cân điện tử, smartrphone, tivi sau 2 giờ livestream… 

VIỆT NAM: CHỜ GỌI TÊN "ÔNG HOÀNG, BÀ HOÀNG LIVESTREAM"

"Ở Trung Quốc bạn sẽ được nghe rất nhiều về những ông hoàng livestream, bà hoàng livestream", ông Phạm Ngọc Duy Liêm, một trong ba sáng lập viên của Công ty cổ phần công nghệ GoStream - nền tảng livestream đầu tiên của người Việt, được sử dụng tại các nước Đông Nam Á và Ấn Độ, cho biết. 

Ông Liêm kể cũng thời điểm này năm 2019 có sang Quảng Châu (Trung Quốc) và ở tại công ty đào tạo về livestream của một trong những người đầu tiên gầy dựng lên Taobao Live. Tại đây, một bạn hot livestream tại Quảng Châu thuộc diện bình thường chứ không hàng ngôi sao như Vi Á, Đình Sơn… nhưng cũng có thu nhập bình quân 700 triệu đồng/tháng. Trong khi mức sống cơ bản tại Quảng Châu chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng, gấp đôi so với mức cơ bản ở Hà Nội, nên theo ông Liêm, một hot livestream tại Hà Nội có thể thu nhập tới 350 triệu đồng/tháng.

Livestream bán hàng tại Việt Nam những năm qua có sự phát triển vượt bậc, đặc biệt thời điểm Covid-19 hồi tháng 3. Mặc dù ở thời điểm hiện tại chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng một thống kê của trang Brands Việt Nam cho biết thị trường livestream Việt Nam hiện trị giá xấp xỉ 20 triệu đô la trong năm 2018- thời điểm khi livestream bán hàng chỉ như "những đốm lửa nhỏ" và lẻ tẻ. Còn nay, livestream bán hàng đã lớn hơn rất nhiều lần.

Ngay như nền tảng Gostream, theo ông Liêm, trong thời gian Covdi-19 cũng có số lượng livestream tăng trưởng gấp đôi, hiện có khoảng có khoảng 40 nghìn phòng livestream bán hàng qua hệ thống của Gostream. Theo vị đồng sáng lập Gostream, dự kiến mỗi ngày bình quân tại Việt Nam đang có khoảng từ 70-80 nghìn (phiên) livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội trong đó chủ yếu là Facebook. 

Ngoài ra còn thêm khoảng 2.000-3.000 phiên livestream bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee live, Tiki Live, Lazada… Như vậy, tổng cộng tính bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng trên livestream, với sự tham gia của hơn 50 nghìn nhà bán hàng. "Tuy nhiên con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, đặc biệt tình hình Covdi-19 vẫn còn phức tạp. Lvestream bán hàng trong những năm tới vẫn còn tăng trưởng mạnh mẽ", ông Liêm nhận định.

Dù vậy, câu hỏi đặt ra, livestream bán hàng ở Việt Nam đã được coi là ngành công nghiệp hay chưa? Các livestreamer tại Việt Nam đã coi đây là ngành nghề chính thức chưa? 

Giới kinh doanh nền tảng và phần mềm hỗ trợ kinh doanh online đều khẳng định chưa. Bởi livestream bán hàng tại Việt Nam vẫn còn tự phát, theo trào lưu và thiếu bài bản; các buổi livestream của streamer được chuẩn bị còn sơ sài, tùy hứng, thậm chí số đông bán hàng còn theo kiểu khoe thân, chiêu trò, ít tương tác và thiếu cam kết. Bản thân sản phẩm được bán qua livestream chủ yếu là rẻ tiền, chất lượng kém. Công nghệ livestream cũng yếu và sơ sài.

Để bán hàng qua livestream tại Việt Nam trở thành ngành công nghiệp, theo ông Phạm Ngọc Duy Liêm cần có 3 yếu tố. Thứ nhất là hàng hóa. Cần có các hàng hóa tốt, dồi dào, chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh đưa lên bán trên các nền trảng livestream. Điều này Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng. 

Thứ 2 là các livestreamer. Cần phải có nhiều, rất nhiều các ngôi sao livestream bán hàng, biết rất nhuần nhuyễn giữa giải trí và bán hàng. "Một ngành công nghiệp giải trí chỉ xuất hiện khi có ngôi sao. Không có Sơn Tùng MTV… thì không thể nào ngành công nghiệp âm nhạc có một lượng hâm mộ khổng lồ như hiện nay. Bóng đá cũng vậy", ông Duy Liêm nói và cho rằng, ngành công nghiệp livestream bán hàng tại Việt Nam cũng chưa có ngôi sao, nên, việc các doanh nghiệp, tổ chức đang tham gia vào việc xây dựng lên một hệ thống các livestreamer sẽ ươm mầm để tạo ra những ngôi sao – khi đó mới khẳng định livestream bán hàng là một ngành công nghiệp với đầy đủ tính chất và giá trị. 

Thứ ba là kỹ thuật. Để triển khai được livestream bán hàng đòi hỏi có 2 yếu tố: (1) các nền tảng xem livestream và có khả năng phục vụ hàng chục triệu người xem đồng thời; (2) cần có các phần mềm phát livestream mà có sự tương tác vượt trội chứ không phải đơn thuần là đưa camera ra trước mặt. Riêng yếu tố thứ nhất – nền tảng xem livestream thì Youtube và Facebook đang thống trị và hoàn toàn có thể đáp ứng. Với yếu tố thứ hai, từ một vài năm qua, các doanh nghiệp công nghệ Việt cũng đã bắt đầu tham gia vào thị trường tiềm năng và rất mới này.

"Với sự đáp ứng được đầy đủ các yếu tố trên, hy vọng một thời gian không xa nữa chúng ta sẽ có các ông hoàng bà hoàng livestream ngay tại Việt Nam", ông Phạm Ngọc Duy Liêm kỳ vọng - khi livestream bán hàng tại Việt Nam đã là một ngành công nghiệp.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate