May 21, 2010 | 10:32 GMT+7

Lo bội chi ngân sách

Nguyên Hà

Ủy ban Tài chính - Ngân sách kiến nghị cần đặt giảm bội chi ngân sách Nhà nước làm mục tiêu ưu tiên

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách trước Quốc hội - Ảnh: TTXVN.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách trước Quốc hội - Ảnh: TTXVN.
Cần đặt mục tiêu giảm bội chi ngân sách Nhà nước trong những năm tới làm mục tiêu ưu tiên hàng đầu, Ủy ban Tài chính - Ngân sách kiến nghị tại báo cáo thẩm tra về ngân sách, tại kỳ họp Quốc hội thứ bảy.

Ủy ban này cũng cho rằng, năm 2009 thu ngân sách tuy vượt dự toán, nhưng chưa bố trí giảm bội chi là chưa thật hợp lý, nhất là trong điều kiện an ninh tài chính chưa đảm bảo vững chắc, mức dư nợ Chính phủ và dư nợ quốc gia ở mức cao (41,9% GDP).

Thu từ đất tăng cao

Theo đánh giá của Ủy ban, chính sách tài khóa năm 2009 là một chính sách đặc biệt trong một hoàn cảnh đặc biệt được áp dụng khi nền kinh tế chuyển từ lạm phát cao sang suy giảm kinh tế.

Tuy nhiên, tính đến 31/12/2009, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước vượt 52.440 tỷ đồng so dự toán, tăng 51.690 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội, tăng 6,1% so với thực hiện năm 2008.

Nguyên nhân chính vẫn là do tăng thu tiền sử dụng đất, thu thuế xuất nhập khẩu, nhất là sự gia tăng đột biến các hoạt động giao dịch bất động sản và mua bán ôtô, xe máy trong quý 4 năm 2009, làm cho các khoản thu liên quan (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, lệ phí trước bạ ôtô..) tăng mạnh.

Một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, nguồn thu từ đất có xu thế đạt cao so với dự toán trong những năm gần đây: năm 2007 vượt 12.324 tỷ đồng, 2008 vượt 14.279 tỷ đồng và năm 2009 vượt 15.274 tỷ đồng (72,7% dự toán).
 
Tuy nhiên, việc chênh lệch quá lớn và có xu thế tăng đối với khoản thu từ đất qua các năm thể hiện việc xây dựng dự toán thu không sát, đồng thời việc tăng thu từ nguồn đất đai bên cạnh những mặt tích cực cũng sẽ có những hệ lụy nhất định về kinh tế - xã hội, cơ quan thẩm tra bày tỏ quan ngại.

Có ý kiến cho rằng, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng khá cao, vượt 19,8%, tăng 17.464 tỷ đồng so với dự toán, tăng 18.664 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội. Tuy nhiên, xu hướng mất cân đối trong cán cân xuất nhập khẩu, tình trạng nhập siêu lớn, cảnh báo sự mất cân đối ngoại tệ và dự trữ ngoại hối giảm sút, là nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh tài chính quốc gia, đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Điều hành ngân sách 2010 khó khăn hơn

Mặc dù tổng thu ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2010 đạt 158.800 tỷ đồng, bằng 34,4% dự toán năm, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2009, song cơ quan thẩm tra vẫn đưa ra nhận định điều hành ngân sách và đảm bảo an ninh tài chính trong năm 2010 sẽ gặp nhiều khó khăn hơn năm 2009.

Do, thông qua điều chỉnh mức tăng bội chi ngân sách đột biến lên trên 5% GDP, cùng với việc tăng phát hành trái phiếu chính phủ đã đẩy dư nợ Chính phủ tăng cao, dự kiến chiếm 44,6% GDP vào cuối năm 2010.

Cùng với đó, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế thì tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2010 khó giữ ở mức 25%, đồng thời hệ số ICOR (đo lường số đơn vị đầu tư tính theo % GDP để tạo ra một đơn vị tăng trưởng GDP) sẽ tiếp tục tăng cao so với năm 2009.

Trước tình hình trên việc thực hiện nhiệm vụ thu, chi và giữ vững an ninh tài chính trong năm 2010 và các năm sau sẽ đứng trước khó khăn và thách thức lớn cần phải vượt qua, báo cáo nêu rõ.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách kiến nghị cần đặt mục tiêu giảm bội chi ngân sách Nhà nước trong những năm tới làm mục tiêu ưu tiên để đảm bảo tình hình tài chính quốc gia vững mạnh trong trung và dài hạn, góp phần kiểm soát lạm phát và đảm bảo ổn định vĩ mô.

Vì vậy, cần tích cực rà soát lại các chính sách để đảm bảo thứ tự ưu tiên và giảm bội chi ngân sách một cách hợp lý. Đa số ý kiến trong Ủy ban đề nghị Chính phủ trong những năm tới cần thực hiện bội chi ngân sách Nhà nước trong giới hạn 5% GDP đã được Quốc hội quyết định, lấy vấn đề hiệu quả sử dụng vốn vay làm mục tiêu quan trọng hàng đầu trong việc quản lý, điều hành chi ngân sách.

Cần thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Xây dựng chiến lược quốc gia về chính sách tiền tệ, lấy ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát làm mục tiêu dài hạn của chính sách tiền tệ, Ủy ban này kiến nghị.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate