Tại tọa đàm “Ứng phó hiệu quả với cơ chế CBAM: Vai trò của cơ quan đầu mối trong hỗ trợ doanh nghiệp” diễn ra ngày 16/9/2024, bà Nguyễn Hồng Loan, Chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM, cho biết khảo sát tháng 1/2023 (trước khi CBAM chính thức bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp) cho thấy, nhận thức của doanh nghiệp về CBAM tại thời điểm đó tương đối thấp.
NHIỀU DOANH NGHIỆP HIỂU CHƯA ĐỦ VỀ CBAM
Đến nay, sau một năm khi CBAM chính thức được triển khai, nhận thức của doanh nghiệp cũng chưa cao. Ngoại trừ một số doanh nghiệp trong những lĩnh vực chịu tác động trực tiếp thì họ có những nghiên cứu và sự chuẩn bị một cách nghiêm túc. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác đại bộ phận hiểu chưa đầy đủ, chưa chính xác nên có những phản ứng, những chuẩn bị không hiệu quả.
Bà Loan ví dụ, rất nhiều doanh nghiệp nghĩ rằng khi xuất khẩu hàng hóa theo CBAM mà phát thải phải vượt trên ngưỡng do châu Âu quy định thì mới phải chịu tác động của CBAM. Tuy nhiên trên thực tế, CBAM bao trùm về phát thải toàn bộ của sản phẩm.
Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gạo, nhựa (hiện chưa là đối tượng chịu tác động) cũng liên hệ hỏi về tư vấn việc chuẩn bị cho CBAM.
Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp lại phản ứng thái quá. Họ rất lo lắng về việc khi CBAM được áp dụng sẽ phải chịu giá carbon bằng với giá carbon của châu Âu.
“Đối với những cơ chế mới như CBAM, doanh nghiệp sẽ rất lúng túng để tìm hiểu các thông tin và chuẩn bị phản ứng của mình”, bà Loan nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, nếu doanh nghiệp không thực hiện báo cáo phát thải khí nhà kính cho sản phẩm thì sẽ không thể xuất khẩu sản phẩm sang châu Âu. Trong khi việc kiểm kê khí nhà kính có rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau: tiêu chuẩn ISO 14064, ISO 14067, các hướng dẫn của Thông tư về kiểm kê khí nhà kính của Bộ Công Thương cho thị trường carbon trong nước…
Hơn nữa, nếu không có sự hướng dẫn của cơ quan đầu mối chính thức, doanh nghiệp sẽ mất rất nhiều công sức để chuẩn bị, có thể sẽ lãng phí, không hiệu quả và không đáp ứng yêu cầu của CBAM. Hoặc có những doanh nghiệp vội vã mua tín chỉ carbon để chuẩn bị việc phản ứng với CBAM.
Trong khi đó, các yêu cầu, hướng dẫn của châu Âu vẫn chưa rõ ràng và chưa có sự công nhận liên quan đến các cơ chế giá carbon và bù trừ tín chỉ thì việc chuẩn bị của doanh nghiệp mang tính chất không có định hướng, không thông qua những kênh chính thống… có thể sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực và thậm chí gây thiệt hại về mặt tài chính.
CẦN CỔNG THÔNG TIN CHÍNH THỐNG VỀ CBAM
“Để hiểu tất cả những quy định, yêu cầu chi tiết của CBAM đòi hỏi doanh nghiệp cần phải có những nhận thức đầy đủ, đúng đắn từ những kênh truyền thông chính thức, hướng dẫn một cách chính thống về các quy định cụ thể của CBAM để giúp nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp”, bà Loan khuyến nghị.
Trước sự cấp thiết và cần phải có những biện pháp đồng bộ thích ứng với cơ chế CBAM, mới đây, Chính phủ giao Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng và triển khai các biện pháp hiệu quả ứng phó với Cơ chế CBAM, bao gồm việc xây dựng và triển khai Đề án ứng phó với Cơ chế СВАМ. Trong đó nhấn mạnh việc tiếp tục chủ động, tích cực đối thoại với EU, Vương quốc Anh... làm rõ sự phù hợp của CBAM với các cam kết quốc tế; nghiên cứu khả năng mở rộng phạm vi áp dụng của CBAM…
Theo các chuyên gia, việc có một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm điều phối các biện pháp hiệu quả đối phó với CBAM và xây dựng Đề án ứng phó với cơ chế CBAM được cho là kịp thời, kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả cao trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu và bền vững vào chuỗi cung ứng hàng hóa với EU.
Ông Hoàng Văn Tâm, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương), cho biết chúng ta đã ban hành khá đầy đủ những cơ chế chính sách về việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính và tính giá carbon theo yêu cầu của CBAM.
Tuy nhiên với những hướng dẫn kỹ thuật sâu hơn, để thích ứng với các quy định mới của từng thị trường như EU hay vương quốc Anh, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ xây dựng sổ tay hướng dẫn nhằm giúp doanh nghiệp biết cách tính toán và áp dụng nó một cách phù hợp, linh hoạt với từng cơ chế khác nhau.
Đặc biệt, nhiều kiến nghị đề xuất chúng ta cần có cổng thông tin chính thống về CBAM bằng tiếng Việt. Ở đó, các quy định được chi tiết hóa, đi từng ngõ ngách CBAM, được giải thích cặn kẽ, hướng dẫn tỉ mỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cũng như đối phó hiệu quả với CBAM trong thời gian tới.