July 04, 2022 | 12:25 GMT+7

Lo sân bay ùn ứ cùng tỷ lệ chậm chuyến tăng "nóng", Cục Hàng không khẩn trương ra chỉ thị

Ánh Tuyết -

Nhu cầu hành khách tăng đột biến gây nguy cơ ùn tắc tại các cảng hàng không cửa ngõ cùng tỷ lệ chậm chuyến tăng "nóng", chiếm gần 20% tổng số chuyến bay, khiến Cục Hàng không gấp rút ban hành chỉ thị, yêu cầu toàn ngành xây dựng phương án tối ưu phục vụ hành khách cao điểm hè...

Hơn 5.600 chuyến bay chậm chuyến, chiếm tới 18,2% tổng số chuyến bay thực hiện trong tháng 6.
Hơn 5.600 chuyến bay chậm chuyến, chiếm tới 18,2% tổng số chuyến bay thực hiện trong tháng 6.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng vừa ký ban hành Chỉ thị về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc tại các cảng hàng không trong dịp cao điểm hè năm 2022. Cục trưởng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị nghiêm túc khẩn trương triển khai thực hiện.

Theo đó, để phục vụ tốt nhu cầu đi lại, du lịch của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông bằng đường hàng không tăng cao trong dịp cao điểm hè năm 2022, dẫn đến nguy cơ và tình trạng ùn tắc tại các cảng hàng không cửa ngõ như Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cục trưởng Đinh Việt Thắng yêu cầu các đơn vị gồm: Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Tổng công ty Quản lý bay (VATM), các hãng hàng không Việt Nam, các cảng vụ hàng không, các đơn vị phục vụ mặt đất tại các cảng hàng không thành lập Ban chỉ đạo thực hiện công tác phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp cao điểm hè 2022.

Cục trưởng Cục Hàng không cũng yêu cầu các đơn vị trên công bố số điện thoại đường dây nóng và thường trực 24/24 để tiếp nhận và xử lý thông tin.

"Các đơn vị trên xây dựng phương án phục vụ cao điểm hè 2022, bố trí đủ nguồn nhân lực đảm bảo phục vụ tốt, an toàn các chuyến bay, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân", Cục Hàng không đề nghị. Đồng thời, tiếp tục nâng cao ý thức, nghiêm túc thực hiện các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid -19 trong tình hình mới theo các công điện, chỉ thị, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.

Đối với ACV, Cục trưởng yêu cầu ACV khẩn trương nghiên cứu các giải pháp hạn chế ùn tắc tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; chỉ đạo các cảng hàng không trực thuộc xây dựng phương án phục vụ cao điểm hè 2022 theo các nội dung được nêu tại chỉ thị.

Đối với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, Cục trưởng yêu cầu rà soát lại mặt bằng, dây chuyền phục vụ hành khách, đặc biệt là phục vụ hành khách quốc nội tại cảng; hạn chế tối đa hoặc di dời/tái bố trí lại mặt bằng dịch vụ phi hàng không để ưu tiên mặt bằng phục vụ hành khách.

Cùng với đó, hai cảng hàng không cửa ngõ cần rà soát lại các biển báo trong nhà ga, nghiên cứu bố trí thêm biển thông tin thông báo các chuyến bay/hoặc thay thế biển thông báo chuyến bay lớn hơn tại khu vực phòng chờ để tạo thuận tiện hơn cho hành khách theo dõi, cập nhật thông tin chuyến bay.

Đồng thời, tăng cường nhân viên hướng dẫn cho các phương tiện ra, vào nhà ga hành khách để đón, trả khách và ứng dụng khoa học công nghệ để hỗ trợ hoạt động điều phối, tạo thuận lợi trong giao thông, tránh xung đột, ùn tắc giao thông trong khu vực cảng hàng không.

"Các hãng cần tuân thủ nghiêm ngặt slot được xác nhận theo kế hoạch bay ngày. Phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cảng hàng không để cập nhật kế hoạch bay ngày lên hệ thống SMIS, tránh gây khó khăn, lãng phí trong công tác phục vụ của các đơn vị cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không, quản lý hoạt động bay cũng như xây dựng kế hoạch, biện pháp kiểm soát, giảm đến mức thấp nhất việc chậm chuyến, huỷ chuyến vì lý do chủ quan, Cục Hàng không lưu ý.

Đối với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), Cục trưởng yêu cầu VATM xây dựng kế hoạch bố trí lực lượng kiểm soát viên không lưu, nhân lực phục vụ nhu cầu khai thác tăng cao trong thời gian cao điểm hè năm 2022. Thực hiện nguyên tắc ưu tiên phục vụ các chuyến bay khai thác đúng slot nhằm hạn chế tối đa tình trạng bay chờ. Rà soát hệ thống phương tiện, trang thiết bị điều hành bay, thông tin liên lạc; thường xuyên tổ chức bảo trì, bảo dưỡng, bổ sung phương tiện trang thiết bị, sẵn sàng. 

Lịch bay mùa, lịch bay ngày và kế hoạch bay không lưu (FPL) phải phù hợp theo kế hoạch được cấp, cấp sửa đổi; đặc biệt là thống nhất giữa lịch bay mùa và lịch bay ngày. Tăng cường hiệu quả công tác quan trắc và dự báo khí tượng hàng không, chủ động và kịp thời thông báo, tư vấn các diễn biến thời tiết có ảnh hưởng đến hoạt động bay đặc biệt diễn biến xu thế thời tiết, các hiện tượng thời tiết bất lợi để có phương án điều hành bay và khai thác bay hợp lý, hạn chế việc bay chờ, đi sân bay dự bị…

Còn đối với các cảng vụ hàng không, Cục trưởng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn, an ninh hàng không và chất lượng dịch vụ tại các cảng hàng không; kịp thời phối hợp với các đơn vị để giải quyết, xử lý ngay các trường hợp bất thường phát sinh.

Giám sát thường xuyên hoạt động khai thác, kịp thời yêu cầu các hãng hàng không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người vận chuyển và đảm bảo quyền lợi hành khách đối với các trường hợp chậm chuyến, huỷ chuyến theo quy định của pháp luật; phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.

Các cảng vụ cần giám sát các hãng hàng không Việt Nam, ACV, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, các đơn vị phục vụ mặt đất tổ chức thực hiện phương án khai thác, bố trí nhân lực hỗ trợ hành khách làm thủ tục kiểm tra an ninh tại nhà ga hành khách cũng như bố trí người có thẩm quyền để xử lý tình huống bất thường trong công tác phục vụ hành khách….

 

Lũy kế 6 tháng, sản lượng chuyến bay tại các cảng hàng không ước đạt 205.000 chuyến. Tính riêng thời điểm tháng 6, theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam từ ngày 19/5 - 18/6, tổng số các chuyến bay do các hãng hàng không khai thác đạt 30.808 chuyến, tăng trưởng thần tốc 528,7% so với thời điểm “đóng băng” đường bay năm 2021.

Tuy nhiên, cùng với số lượng chuyến bay, hành khách tăng "nóng", có hơn 5.600 chuyến bay chậm chuyến, chiếm tới 18,2% tổng số chuyến bay thực hiện trong thời điểm này, tăng 9,4 điểm so với tháng 5 và tăng tới 15,9 điểm so với cùng kỳ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate