Theo công ty nghiên cứu EPFR Global, trong tuần thứ ba của tháng 6, hoạt động rút vốn khỏi các các quỹ đầu tư vốn cổ phần tại Trung Quốc tăng lên mức cao nhất 18 tuần.
Trong khi đó, quỹ đầu tư vốn cổ phần tại các thị trường mới nổi khác chứng kiến dòng tiền chảy vào gia tăng. Đơn cử, dòng tiền chảy vào các quỹ đầu tư vốn cổ phần ở Ấn Độ trong tuần thứ ba của tháng 6 tăng lên mức cao nhất kể từ quý 1/2018. Trong khi đó, tại các thị trường phát triển tại châu Á, các quỹ Hàn Quốc hút vốn nhiều nhất một năm qua với hơn 1 tỷ USD trong tuần. Dòng tiền chảy vào các quỹ đầu tư vốn cổ phần của Nhật cũng tăng lên mức cao nhất 13 tuần.
Điều này diễn ra không lâu sau khi S&P Global hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay và năm 2024. Với năm nay, công ty xếp hạng tín nhiệm dự báo GDP của nước này tăng 5,2%, giảm so với dự báo 5,5% đưa ra trước đó. Còn với năm 2024, S&P Global hạ dự báo từ 5% xuống còn 4,7%.
“Rủi ro suy giảm tăng trưởng lớn nhất của Trung Quốc là nước này đang mất đần động lực tăng trưởng do niềm tin suy yếu của người tiêu dùng cũng như thị trường bất động sản. Việc thiếu các chính sách kích thích lớn có thể làm gia tăng rủi ro đó nhưng chúng tôi cho rằng sự suy giảm nghiêm trọng có thể khiến nhà chức trách đưa ra những biện pháp có ý nghĩa để ngăn chặn”, báo cáo của S&P viết.
Quý 1/2023, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ghi nhận sự phục hồi sau khi gỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, các dữ liệu kinh tế gần đây, bao gồm xuất khẩu, sản lượng công nghiệp, ngành bất động sản và đầu tư, cho thấy sự suy giảm đáng kể. Doanh số bán lẻ cũng có xu hướng giảm. Tuy nhiên, S&P cho biết chi tiêu hàng tiêu dùng không thiết yếu tại Trung Quốc hiện vẫn cao hơn 21% so với năm 2019 về con số danh nghĩa (cải thiện so với mức tăng 17,3% của tháng 4).
Trung Quốc chậm kích cầu, giới chuyên gia bi quan về triển vọng tăng trưởng
Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia, nhà phân tích kêu gọi Bắc Kinh tăng cường hỗ trợ nền kinh tế. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã liên tiếp hạ lãi suất trong tháng 6, trong khi đó Chính phủ được cho là đang cân nhắc triển khai một số biện pháp kích thích mới. Tuy nhiên, S&P cho rằng Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ thận trọng hơn trong việc đưa ra các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.
"Tôi tin rằng Bắc Kinh rất quan tâm tới tăng trưởng và sẽ can thiệp để ổn định nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản khi cần thiết. Với đà suy thoái kinh tế mạnh gần đây, hiện tại chính là thời điểm chín muồi để hành động", bà Tao Wang, nhà kinh tế thuộc UBS Investment Research nhận định. "Tuy nhiên, việc hỗ trợ chính sách có thể vẫn ở mức khiêm tốn".
Theo bà, các hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc có thể gồm các biện pháp nới lỏng hạn chế trên thị trường bất động sản, âm thầm tăng chi tiêu hạ tầng, hỗ trợ tài chính cho các nhà phát triển bất động sản và chính quyền địa phương cũng như trợ cấp tiêu dùng một cách có mục tiêu.
Theo các nhà phân tích, dù lãi suất cho vay tại Trung Quốc giảm, giới đầu tư vẫn quan ngại về những lực cản của nền kinh tế - như tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ cao, rủi ro xảy ra các đợt đóng cửa trong tương lai, sự phụ thuộc vào tiêu dùng nội địa tăng lên…
"Dữ liệu tăng trưởng quý 2/2023 sẽ tăng lên so với cùng kỳ năm trước bởi cơ sở so sánh thấp. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang hướng tới sự phục hồi mang tính bền vững sau đại dịch và muốn ngăn chặn rủi ro tài chính cũng như việc sử dụng đòn bẩy nợ”, S&P nhận định.