Dòng tiền đổ vào sàn HoSE chiều nay không quá đột biến, chỉ tăng gần 17%, nhưng một số cổ phiếu vốn hóa lớn đột nhiên mạnh lên đáng kể. Hiệu ứng điểm số khá tích cực đã ngăn đà rơi của VN-Index những phút cuối, giúp chỉ số này kết phiên tăng 2,84 điểm, dù độ rộng chung lẫn riêng ở nhóm VN30 vẫn nghiêng về phía giảm.
VN30-Index đóng cửa tăng vừa đủ 0,6 điểm để có màu xanh, với 12 mã tăng/15 mã giảm. Dù số giảm còn nhiều, nhưng mặt bằng giá cổ phiếu nhóm blue-chips này cũng tốt hơn buổi sáng. Thống kê có 15/30 mã cải thiện giá và 10 mã tụt sâu hơn.
Tuy vậy nhóm tăng có sức mạnh của nhiều mã vốn hóa lớn. Tính về biên độ thì GAS mạnh nhất. Chốt phiên sáng cổ phiếu này mới tăng nhẹ 0,54%, chiều nay bật cao thêm 1,83% nữa, đóng cửa trên tham chiếu 2,38%. GAS vươn lên trở thành trụ mạnh nhất của VN-Index, cộng cho chỉ số này hơn 1 điểm. Tính về thanh khoản, FPT chiều nay vừa có biên độ tăng lớn, vừa thanh khoản tốt. Cổ phiếu này tăng thêm 1,22% so với giá chốt phiên sáng, đóng cửa tăng tổng cộng 2,34%. Tiếc là vốn hóa của FPT hạn chế, chỉ lọt vào cuối Top 5 mã kéo điểm. FPT khớp chiều nay khoảng 82,2 tỷ đồng thanh khoản, gấp đôi giao dịch của GAS.
Ngoài GAS và FPT, VCB cũng là trụ gây bất ngờ. Cuối phiên sáng VCB giảm 0,86% là một trong những mã khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất. Phiên chiều VCB có cầu tốt hơn đẩy giá mạnh mẽ, tăng 1,53% và đảo chiều thành công, lên trên tham chiếu 0,65%. Mức tăng chung cuộc khá nhẹ, nhưng VCB có lợi thế vốn hóa rất lớn, trở thành cổ phiếu đứng thứ 2 trong danh sách kéo điểm.
Hai cổ phiếu còn lại đạt mức tăng trên 1% riêng trong phiên chiều là GVR và PDR. GVR thanh khoản hạn chế nhưng biên độ tăng tới 1,2% và đóng cửa tăng 4,04%. PDR tuy cũng tăng 1,12% so với phiên sáng, nhưng chưa đủ để đổi màu, vẫn còn giảm 0,73% so với tham chiếu.
Mặc dù có tới 15/30 cổ phiếu trong rổ VN30 phục hồi giá chiều nay nhưng ngoài mấy cổ phiếu nói trên, đa phần tăng rất ít. Sức kéo với chỉ số do vậy chỉ bó hẹp ở nhóm trụ. Mức phục hồi cũng phụ thuộc nhiều vào diễn biến chung ở các mã còn lại: Midcap hồi lên chỉ còn giảm 0,17%, Smallcap tăng nhẹ 0,03%, độ rộng chung trên HoSE ghi nhận 172 mã tăng/216 mã giảm, có cải thiện so với phiên sáng (137 mã tăng/221 mã giảm).
Nhóm cổ phiếu nhỏ dĩ nhiên được hưởng lợi nhất trong xu hướng phục hồi của chỉ số hôm nay. Số mã kịch trần từ 3 cổ phiếu tăng lên 8 mã nhưng chỉ SJS, SGR, EVG, HHP là các mã thanh khoản tốt. Loạt cổ phiếu nhận được dòng tiền ấn tượng khác có thể kể tới BMP tăng 5,52% với thanh khoản 62,2 tỷ đồng; PHR tăng 5,4% với 81,8 tỷ; NHA tăng 3,77% với 25,7 tỷ; VOS tăng 3,14% với 41,8 tỷ; BCG tăng 3,03% với 102,2 tỷ… Sàn này có 78 cổ phiếu đóng cửa tăng trên 1% với tổng thanh khoản nhóm này chiếm 21,9% tổng khớp của sàn.
Phía ngược lại, HoSE có 82 cổ phiếu giảm trên 1% và thanh khoản nhóm này chiếm 30,3% tổng khớp của sàn. Nhiều cổ phiếu giao dịch rất lớn và giá giảm mạnh như STB giảm 1,46% với 956,3 tỷ đồng; DIG giảm 1,44% với 434,1 tỷ; VND giảm 1,55% với 427 tỷ; DXG giảm 1,77% với 177 tỷ; HCM giảm 1,14% với 142,2 tỷ; VPB giảm 1,03% với 140,8 tỷ; DBC giảm 1,82% với 99,6 tỷ…
So với phiên sáng, Top 10 thanh khoản thị trường chiều nay còn kém hơn. Buổi sáng trong Top 10 còn có 4 mã tăng giá, chiều nay chỉ có 2 mã là PVD và VCG, còn lại toàn giảm. Hiện tượng phân hóa ở giá tiếp tục chịu sức ép thanh khoản là chính.
Chiều nay khối ngoại tiếp tục bán ra nhiều hơn, giá trị xả trên HoSE tăng 38% với so với buổi sáng, đạt 635 tỷ đồng. Mua vào khoảng 424,8 tỷ, tương ứng bán ròng 210,2 tỷ. Tính chung cả ngày lượng vốn bị rút ròng khoảng 397,7 tỷ đồng. Loạt mã bị xả lớn là HPG -52,2 tỷ, VND -45,8 tỷ, HSG -36,7 tỷ, VPB -33 tỷ, CTG -32,5 tỷ, STB -25,1 tỷ… Tổng hợp các cổ phiếu trong rổ VN30 bị bán ròng 134,6 tỷ đồng.