Với việc quyết liệt ban hành và áp dụng Nghị quyết 128/NQ-CP, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã rất thành công trong việc chuyển trạng thái phòng chống dịch trên toàn quốc sang giai đoạn “thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh”.
“Đây là nền tảng đặc biệt quan trọng để Việt Nam đẩy nhanh việc khôi phục hoạt động kinh tế, mở cửa lại ngành hàng không và du lịch với bạn bè quốc tế”, kiến nghị nêu rõ.
Hiện nay, Việt Nam đang thí điểm thực hiện đón khách du lịch quốc tế vào 07 địa phương (05 địa phương giai đoạn 1 và bổ sung thêm 02 địa phương ở giai đoạn 2).
Tuy nhiên sau 02 tháng thí điểm với các điều kiện, quy trình còn rất chặt chẽ cho du khách cũng như các doanh nghiệp du lịch, hàng không tham gia chương trình, đến nay Việt Nam mới đón được 8.500 du khách.
Do đó, các doanh nghiệp cho rằng cần có sự điều chỉnh nhanh chóng về quy định, chính sách đối với quá trình này để tương thích với bối cảnh mới. Đồng thời, để các địa phương, doanh nghiệp có thể chủ động chuẩn bị năng lực, lập kế hoạch, tái cấu trúc kịp thời các quy trình nội bộ, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá nhằm tạo sức hút lớn hơn với khách du lịch quốc tế để ngành du lịch, hàng không thực sự có cơ hội phục hồi.
Những bất cập này cũng đã được nêu ra tại hội thảo ngày 24/1 giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với 5 bộ, 20 địa phương cùng các chuyên gia và doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không và du lịch. Đặc biệt, sau 2 năm gần như “đóng băng” hoạt động, lực của các doanh nghiệp hàng không và du lịch đã hoàn toàn cạn kiệt.
“Vì vậy, Quyết định mở cửa du lịch quốc tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chính là cơ hội duy nhất để “cứu sống” các doanh nghiệp, “cứu sống” 2,5 triệu lao động trực tiếp trong ngành và hàng triệu lao động gián tiếp khác”, các doanh nghiệp bày tỏ.
Song để “mở cửa thực sự”, cả cơ quan nhà nước cấp trung ương, các địa phương và từng doanh nghiệp đều cần có một khoảng thời gian nhất định nhằm chuẩn bị nguồn lực tài chính, cải tổ quy trình, chuẩn bị nhân lực, tiến hành xúc tiến quảng bá... trước khi đón khách.
Về phía các khách quốc tế ở các thị trường trọng điểm với Việt Nam, họ cũng cần thời gian để nhận biết thông tin, để đánh giá, cân nhắc và ra quyết định.
“Tuy nhiên, khoảng thời gian này phải được rút ngắn tối đa, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan, địa phương, cùng doanh nghiệp để chúng ta tận dụng được thời cơ vàng”, kiến nghị nhấn mạnh.
Vì vậy, các doanh nghiệp đề xuất 4 nhóm giải pháp với Thủ tướng.
Thứ nhất, ngay đầu tháng 2/2021, Thủ tướng công bố “Thời điểm mở cửa hoàn toàn cho du lịch quốc tế tới Việt Nam” để tạo “lực đẩy mạnh” và để các địa phương cùng các doanh nghiệp vận tải, cư trú và lữ hành có mốc thời gian chuẩn bị, mặc dù mốc thực tế để mở hoàn toàn có thể là 31/3 hay 30/4/2022.
Thứ hai, Thủ tướng xem xét giao cho Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện và ban hành quy trình đảm bảo an toàn dịch bệnh đối với khách du lịch quốc tế, bao gồm điều kiện trước khi khách lên máy bay, quy trình sau khi xuống máy bay và trong suốt quá trình du lịch theo hướng giảm thiểu tối đa các quy định hiện hành không cần thiết.
Theo đó, gỡ bỏ quy định cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi cư trú đối với hành khách đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và có xét nghiệm ân tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR trong vòng 72 giờ trước chuyến bay…
Thứ ba, ngoài việc khôi phục toàn bộ các chương trình miễn thị thực đơn phương, song phương và thị tực điện tử cho du khách, Chính phủ cân nhắc mở rộng chương trình miễn thị thực cho khách du lịch quốc tế tại các chị trường chiến lược, trọng điểm như toàn bộ châu Âu, Úc và Bắc Mỹ. Đồng thời, cân nhắc tăng thời gian miễn thị thực từ 14-30 ngày theo xu hướng du lịch mới của du khách là đi dài ngày hơn.
Thứ tư, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Tổng cục Du lịch) phối hợp chặt chẽ cùng các doanh nghiệp đẩy mạnh chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch để phát động lại các nguồn khách du lịch quốc tế tới Việt Nam.