Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa họp với 15 tỉnh, thành phố có nhu cầu nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới cảng hàng không.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định đầu tư xây dựng cảng hàng không sẽ tạo ra động lực mới thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước. Thời gian vừa qua, Chính phủ phân cấp, phân quyền cho các địa phương để chủ động hơn trong đầu tư xây dựng cảng hàng không và đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng các thủ tục đầu tư cảng hàng không còn chồng chéo, rườm rà; một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự chủ động. Do vậy, việc huy động nguồn lực xã hội hóa vào lĩnh vực đầu tư cảng hàng không còn chậm.
Phó Thủ tướng yêu cầu “tiếp tục phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho các địa phương, từ khâu chuẩn bị thủ tục đầu tư tới khâu kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư cảng hàng không”.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với 15 tỉnh, thành phố có nhu cầu nâng cấp, mở rộng, đầu tư sân bay rà soát, điều chỉnh quy hoạch; giao các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải khẩn trương lập dự án đầu tư để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các địa phương đã được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án như: sân bay Sa Pa (Lào Cai), Quảng Trị, Lai Châu, sân bay Phan Thiết (Bình Thuận) khẩn trương lựa chọn nhà đầu tư để khởi công vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết theo nghiên cứu quy hoạch, giai đoạn 2021-2030 dự kiến có 28 cảng hàng không, gồm 14 cảng hàng không quốc tế, 14 cảng hàng không quốc nội; đến năm 2050 bao gồm 31 cảng hàng không, gồm 14 cảng hàng không quốc tế, 17 cảng hàng không quốc nội.
Theo ông Lê Anh Tuấn, việc huy động các nguồn vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng hàng không hiện hữu gặp nhiều khó khăn. Đáng chú ý là hiện thể chế chính sách về sử dụng tài sản của Nhà nước tham gia dự án đầu tư cảng hàng không theo hình thức đối tác công - tư (PPP) chưa rõ ràng.
Đặc biệt, việc đầu tư cảng hàng không mới thường có vốn đầu tư lớn, trong khi hầu hết các cảng hàng không có quy mô công suất nhỏ, doanh thu thấp. Do đó, phương án tài chính BOT thường có tính khả thi không cao, thời gian hoàn vốn dài, lên đến 50 năm.
Vì vậy, để có khả năng hấp dẫn nhà đầu tư, cần có sự hỗ trợ vốn phù hợp của Nhà nước (Trung ương và địa phương) trong giai đoạn đầu tư và thậm chí cả trong giai đoạn khai thác.
Về phía các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, đánh giá sân bay mới ra đời sẽ tạo động lực phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng. Kế hoạch của tỉnh là khởi công sân bay đầu năm 2023, đưa vào vận hành năm 2025.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị được thực hiện tại 2 xã Gio Quang và Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Tổng diện tích thực hiện dự án là trên 265,3ha. Dự án có tổng mức đầu tư trên 5.800 tỷ đồng, xây dựng theo phương thức PPP.
Sân bay Sa Pa có tổng kinh phí 3.650 tỷ đồng cũng được đầu tư theo hình thức PPP. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Trọng Hài, cho biết toàn bộ phần giải phóng mặt bằng, tái định cư, tỉnh bố trí ngân sách địa phương. Dự kiến 15/9, tỉnh phát hành hồ sơ mời thầu để lựa chọn nhà đầu tư, trong vòng 60 ngày, đến 15/11, sẽ hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư và sau đó, có thể tiến hành khởi công dự án.