Tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng trong tháng 8, trong khi doanh thu bán lẻ và doanh số bán nhà mới giảm sâu hơn. Những số liệu thống kê ảm đạm này làm dấy lên lời kêu gọi Bắc Kinh tăng cường kích thích nền kinh tế để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm.
Loạt số liệu công bố hôm thứ Bảy phù hợp với báo cáo cho thấy sự suy yếu của hoạt động cấp vốn tín dụng trong một báo cáo khác công bố hôm thứ Sáu. Tất cả đều cho thấy đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với quy mô 18,6 nghìn tỷ USD, yếu đi trông thấy trong quý 3 này.
“NÚT THẮT CỔ CHAI” VẪN LÀ NHU CẦU
Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS), sản lượng công nghiệp của nước này tăng 4,5% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, giảm tốc so với mức tăng 5,1% của tháng 7 và là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 3. Mức tăng này cũng thấp hơn dự báo tăng 4,8% mà các nhà phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
Doanh thu bán lẻ - một thước đo chủ chốt về nhu cầu tiêu dùng, chỉ tăng 2,1% trong tháng 8 dù đây là tháng cao điểm du lịch mùa hè, giảm tốc từ mức tăng 2,7% của tháng 7. Trước đó, giới phân tích đưa ra mức dự báo tăng 2,5%. Từ đầu năm đến nay, bán lẻ ở Trung Quốc tăng trưởng ảm đạm do người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng” trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản kéo dài, tỷ lệ thất nghiệp tăng và kinh tế giảm tốc.
“Đà tăng trưởng đang chậm lại. Nút thắt cổ chai vẫn là nhu cầu trong nước”, chiến lược gia Xing Zhaopeng của ngân hàng ANZ nhận định với Reuters.
Sản lượng lọc hóa dầu của Trung Quốc giảm tháng thứ 5 liên tiếp, trong khi sản lượng thép tháng 8 giảm 6,1% so với tháng 7 - những dấu hiệu nữa của nhu cầu suy yếu trong nền kinh tế.
Hoạt động kinh tế của Trung Quốc yếu đi đã khiến nhiều tổ chức dự báo nước ngoài cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay xuống dưới 5% - mục tiêu chính thức mà Bắc Kinh đề ra. Trong quý 2, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc tăng 4,7%.
“Tốc độ tăng trưởng GDP quý 3 của Trung Quốc có thể sẽ thấp hơn quý 2, nếu dựa vào dòng dữ liệu hiện tại. Chúng tôi cho rằng Trung Quốc sẽ sớm phải có các biện pháp kích cầu trên diện rộng”, ông Xing nói.
Hôm thứ Năm vừa rồi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các bộ ban ngành và địa phương nước này phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội hàng năm - truyền thông nhà nước đưa tin. Lời kêu gọi này được đưa ra trong bối cảnh giới quan sát kỳ vọng Bắc Kinh có thêm các biện pháp cần thiết để vực dậy nền kinh tế đang ngày càng đuối sức.
“Đã gần hết quý 3 rồi, thời gian không còn nhiều để các nhà hoạch định chính sách đưa ra các biện pháp kích thích nền kinh tế đang đương đầu với nhiều cơn gió ngược”, nhà kinh tế trưởng Lynn Song của ngân hàng ING nhận xét.
Khủng hoảng bất động sản kéo dài là một nguyên nhân quan trọng khiến người tiêu dùng Trung Quốc giảm chi tiêu. Một số chuyên gia thậm chí đã đề xuất Chính phủ Trung Quốc phát phiếu giảm giá (voucher) cho người dân để chống lại xu hướng này.
Trong tháng 9, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nói nước này sẽ tập trung vào kích thích tiêu dùng và tìm biện pháp tăng thu nhập cho các hộ gia đình. Tuần trước nữa, một quan chức Trung Quốc nói nước này vẫn còn dư địa để giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc dù đối mặt với một số trở ngại trong việc hạ lãi suất.
Đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc tăng 3,4% trong 8 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo là tăng 3,5%. Trong 7 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng của đầu tư tài sản cố định là 3,6%.
Tại một cuộc họp báo hôm thứ Bảy, người phát ngôn Liu Aihua của NBS nói hoạt động kinh tế của Trung Quốc vẫn ổn định, nhưng thời tiết nắng nóng và thiên tai đã ảnh hưởng đến tăng trưởng của tháng 8.
BẤT ĐỘNG SẢN VẪN CHÌM TRONG KHỦNG HOẢNG
Các chính quyền địa phương đang kẹt tiền của Trung Quốc đã phát hành trái phiếu mạnh tay hơn trong tháng 8 để huy động vốn cho việc xây dựng các dự án lớn. Ông Liu nói việc đẩy mạnh tốc độ phát hành trái phiếu và các sáng kiến chính sách sẽ hỗ trợ tăng trưởng đầu tư.
Tuy nhiên, lĩnh vực bất động sản đang chìm trong khủng hoảng vẫn là một rào cản lớn đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Giá nhà mới tại nước này trong tháng 8 giảm 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái, sâu hơn cú giảm 4,9% của tháng 7 và là mức giảm mạnh nhất trong hơn 9 năm trở lại đây. Chỉ có 2 trong số 70 thành phố được khảo sát cho thấy giá nhà tăng trong tháng 8 so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước. Doanh số bán nhà và đầu tư bất động sản cũng giảm trong 8 tháng đầu năm.
Để hỗ trợ thị trường bất động sản, ngay trong tháng này, Trung Quốc có thể giảm lãi suất đối với hơn 5 nghìn tỷ USD vốn vay trong dư nợ vay thế chấp nhà - hãng tin Bloomberg đưa tin.
Dù Chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh nỗ lực giải cứu thị trường bất động sản, nhiều nhà phân tích nói rằng Bắc Kinh cần có thêm nhiều biện pháp quyết liệt để hỗ trợ các chủ đầu tư gặp khó và khuyến khích người có nhu cầu mua nhà quay trở lại thị trường.
Một số chỉ số kinh tế khác công bố hôm thứ Bảy cũng cho thấy bức tranh kinh tế tối màu. Kết quả khảo sát toàn quốc cho thấy tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc trong tháng 8 tăng lên mức 5,3% từ 5,2% của tháng 7. NBS nói rằng đây là giai đoạn có nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học bắt đầu tìm việc làm.
Xuất khẩu tiếp tục là một điểm sáng hiếm hoi của kinh tế Trung Quốc, nhưng giới phân tích nói rằng xu hướng tăng trưởng xuất khẩu có thể duy trì đến khi nào, xét đến căng thẳng thương mại giữa nước này với nhiều nền kinh tế đang có chiều hướng tăng lên.
Nhà kinh tế trưởng Zhiwei Zhang của công ty Pinpoint Asset Management nói rằng giới đầu tư sẽ dịch chuyển tâm điểm chú ý và đặt câu hỏi điều gì sẽ xảy ra với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2025. “Liệu lập trường chính sách tài khóa thắt chặt có tiếp tục trong năm tới hay không, khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm tốc và gây áp lực lên hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc”, ông Zhang nói.
Số liệu do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) công bố hôm thứ Sáu cho thấy lượng vốn tín dụng cấp mới của các ngân hàng thương mại Trung Quốc tăng ít hơn dự báo trong tháng 8, sau khi giảm xuống mức thấp nhất 15 năm trong tháng 7.
Tổng lượng vốn tín dụng cấp mới trong tháng 8 đạt 900 tỷ nhân dân tệ, tương đương gần 127 tỷ USD, tăng 246% so với tháng 7, nhưng thấp hơn mức dự báo 1,02 nghìn tỷ nhân dân tệ mà các nhà phân tích đưa ra một cuộc khảo sát của Reuters và con số 1,36 nghìn tỷ nhân dân tệ của cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 7, lượng vốn tín dụng cấp mới ở Trung Quốc chỉ đạt 260 tỷ nhân dân tệ.