September 15, 2024 | 12:00 GMT+7

Rủi ro từ việc Trung Quốc tăng tuổi nghỉ hưu lần đầu tiên sau gần 50 năm

An Huy -

Trung Quốc vốn là nước có tuổi nghỉ hưu thuộc hàng thấp nhất trên thế giới, trong khi tuổi thọ ở nước này đã tăng lên nhiều qua các thập kỷ...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Trung Quốc đã quyết định tăng tuổi nghỉ hưu lần đầu tiên kể từ năm 1978. Động thái này có thể giúp ngăn sự suy giảm của lực lượng lao động, nhưng đồng thời cũng có thể dẫn tới sự bất mãn của người lao động vốn đang chật vật ứng phó với sự giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Hôm thứ Sáu, các nhà làm luật cấp cao nhất của Trung Quốc đã phê chuẩn kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu tới 5 năm - hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin. Theo đó, lao động là nam giới ở nước này sẽ nghỉ hưu ở tuổi 63 thay vì 60. Lao động nữ nói chung  sẽ nghỉ hưu vào năm 55 tuổi thay vì 50, trong khi những người ở cấp quản lý sẽ nghỉ hưu ở tuổi 58 thay vì 55.

Những thay đổi trên sẽ được triển khai trong lộ trình 15 năm bắt đầu từ tháng 1/2025 và sẽ cho phép người lao động ở Trung Quốc kéo dài số năm làm việc. Giới chức hy vọng cách làm này sẽ giúp giải quyết các thách thức về dân số lão hóa, nhưng các nhà phân tích cho rằng chính sách mới cũng có thể làm gia tăng sự chán nản của người lao động trong bối cảnh nền kinh tế giảm tốc. Quý 2 vừa qua, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc tăng chậm nhất trong vòng 5 quý.

BIỆN PHÁP ỨNG PHÓ VỚI TÌNH HÌNH NHÂN KHẨU HỌC MỚI

“Lịch trình tăng tuổi nghỉ hưu là tương đối chậm rãi. Các nhà hoạch định chính sách có lẽ đã tính đến ảnh hưởng tiêu cực tiềm tàng của kế hoạch và chọn triển khai một cách cẩn trọng”, nhà kinh tế Michelle Lam của ngân hàng Pháp Societe Generale nhận định với hãng tin Bloomberg. “Người lao động có thể sẽ đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe hơn khi tuổi nghỉ hưu tăng lên. Và áp lực trong việc chăm sóc cha mẹ già của họ có thể đòi hỏi phải có thêm nhiều cơ sở chăm sóc người cao tuổi để chia sẻ gánh nặng đó với họ.

Trung Quốc vốn là nước có tuổi nghỉ hưu thuộc hàng thấp nhất trên thế giới, trong khi tuổi thọ ở nước này đã tăng lên nhiều qua các thập kỷ. Một cơ sở người nộp thuế lớn hơn và quyền tiếp cận với chế độ hưu trí bị hoãn lại sẽ giúp làm giảm áp lực lương hưu đối với Chính phủ trong bối cảnh dân số cao tuổi gia tăng mạnh mẽ.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân Trung Quốc, việc tăng tuổi nghỉ hưu nhằm mục đích “thích ứng với tình hình phát triển nhân khẩu học mới ở Trung Quốc, cũng như phát triển toàn diện và tối ưu hóa nguồn nhân lực”. Trước khi được Ủy ban Thường vụ phê chuẩn, kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu của Trung Quốc được công bố vào tháng 7. Những nỗ lực trước đây của nước này trong việc tăng tuổi nghỉ hưu đều đã thất bại do sự phản đối của dư luận.

Nhà kinh tế Eric Zhu của Bloomberg Economics nhận xét: “Đây là một bước tiến quan trọng nhằm giải quyết một trở ngại lớn đối với tăng trưởng kinh tế trong dài hạn là dân số trong độ tuổi lao động suy giảm. Nhưng cách làm này sẽ không thể giúp đảo ngược được tình hình. Các dự báo dài hạn của chúng tôi về kinh tế Trung Quốc, trong đó đã tính đến việc tăng tuổi nghỉ hưu, cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này đến năm 2050 chỉ còn khoảng 1%”.

Tuổi nghỉ hưu tăng lên khiến nhiều người lao động Trung Quốc lo lắng về việc phải làm việc đến khi già hơn, và cũng có nhiều người lo ngại về mức độ cạnh tranh lớn hơn trên thị trường việc làm.

“Có phải các ông đang muốn tôi đến 60 tuổi vẫn phải cạnh tranh tìm việc với những người trẻ tuổi?” một người dùng mạng xã hội Weibo viết. Trên mạng này, thông tin về tăng tuổi nghỉ hưu đã trở thành nội dung được tìm kiếm nhiều nhất và thu hút hơn 530 triệu lượt xem ở thời điểm buổi chiều ngày thứ Sáu.

Một số người cũng phàn nàn về việc chủ sử dụng lao động phân biệt đối xử đối với các ứng viên tìm việc nhiều tuổi hơn - một vấn đề mà Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã cam kết giải quyết.

MỐI LO VỀ HỆ THỐNG LƯƠNG HƯU

Tại một cuộc họp báo vào ngày thứ Sáu, giới chức Trung Quốc đã thừa nhận khả năng xảy ra áp lực trong ngắn hạn đối với thị trường việc làm. Thứ trưởng Li Zhong của Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc trấn an rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu một cách chậm rãi sẽ không gây ra ảnh hưởng đối với công ăn việc làm của giới trẻ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc cũng quy định từ năm 2030, người lao động cần đóng bảo hiểm hưu trí trong thời gian dài hơn trước khi đủ điều kiện để lĩnh lương hưu. Thời gian đóng bảo hiểm hưu trí bắt buộc để được lĩnh lương hưu sẽ tăng dần từ mức 15 năm lên 20 năm.

“Sự bền vững của hệ thống lương hưu có thể là cân nhắc chính phía sau việc Trung Quốc tăng tuổi nghỉ hưu”, nhà kinh tế trưởng Ding Shuang của ngân hàng Standard Chartered phát biểu. “Dù gia tăng áp lực lên thị trường việc làm, việc tăng tuổi nghỉ hưu trong dài hạn sẽ giúp giảm bớt tác động của tình trạng suy giảm dân số trong độ tuổi lao động”.

Các nhà làm luật Trung Quốc cũng kêu gọi giới chức nước này tích cực ứng phó với tình trạng lão hóa dân số, bảo vệ quyền của người lao động và cải thiện việc chăm sóc người cao tuổi. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc cũng nêu rõ Hội đồng Nhà nước Trung Quốc có thể điều chỉnh các biện pháp này nếu cần thiết.

Tuổi thọ ở Trung Quốc ngày càng tăng, nên việc tăng tuổi nghỉ hưu trở thành một biện pháp ngày càng quan trọng để giải quyết các thách thức nhân khẩu học phát sinh từ việc nước này áp dụng chính sách một con trong suốt nhiều thập kỷ. Chính sách một con đã đặt một gánh nặng lớn lên vai thế hệ những người là con duy nhất trong gia đình trong việc chăm sóc cha mẹ già. Tuổi thọ bình quân ở Trung Quốc hiện đã đạt 78 tuổi, từ mức 66 tuổi cách đây vài thạp kỷ.

Đến khoảng năm 2035, người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 30% dân số Trung Quốc, từ mức 14,2% vào năm 2021 - truyền hình quốc gia CCTV đưa tin vào tuần trước. Nỗ lực của Chính phủ nước này khuyến khích người dân sinh thêm con đến nay chưa mang lại hiệu quả trong việc đảo ngược sự suy giảm dân số. Năm ngoái, dân số Trung Quốc giảm năm thứ hai liên tiếp, với tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp kỷ lục.

“Khi tôi chào đời, họ nói có quá nhiều trẻ con. Khi tôi sinh con, họ nói có quá ít trẻ nhỏ. Khi tôi muốn làm việc, họ nói tôi đã quá già. Còn khi tôi nghỉ hưu, họ lại nói tôi còn quá trẻ”, một người dùng Weibo viết.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate