Trên thị trường chứng khoán, không gì gây lo sợ bằng "margin call", lệnh dừng ký quỹ và bán giải chấp. Đó là một thông báo từ công ty chứng khoán cho biết bạn có nguy cơ có thể có một số hoặc tất cả các lệnh của bạn buộc phải đóng hoặc bị thanh lý.
'Trong phiên giao dịch ngày 12/5, nỗi sợ này đã biến thành một cơn hoảng loạn trên thị trường chứng khoán Đài Loan, gửi đến giới đầu tư toàn cầu một lời cảnh báo nữa về những gì có thể xảy ra khi việc sử dụng đòn bẩy nợ bắt đầu "phản đòn".
TỪ CƠN SAY KÝ QUỸ...
Theo hãng tin Bloomberg, ngày giao dịch đã khởi đầu êm ả như thường lệ trên thị trường chứng khoán có quy mô 2 nghìn tỷ USD. Nhưng ngay trước khi phiên sáng kết thúc, chỉ số Taiex, thước đo chính của chứng khoán Đài Loan, bất ngờ sụt gần 9%, đánh dấu phiên giao dịch tồi tệ nhất trong lịch sử 54 năm.
Không có một lý do cụ thể nào dẫn tới sự bán tháo này.
Những dữ liệu mới cho thấy đại dịch Covid-19 đang có chiều hướng leo thang trở lại ở Đài Loan- vùng lãnh thổ đến nay chưa có mấy ai được tiêm chủng ngừa Covid. Xu hướng bán tháo cổ phiếu công nghệ toàn cầu cũng làm giảm sức hút của chứng khoán Đài Loan, thị trường có một tỷ trọng vốn hoá lớn của các cổ phiếu công nghệ.
Tuy nhiên, độ nhanh và độ sâu của cú sụt trên cho thấy những lực lượng khác, lớn hơn đã chi phối thị trường.
Trong suốt mấy tháng qua, những người có quan điểm hoài nghi về thị trường giá lên trên toàn cầu đã cảnh báo rằng việc sử dụng đòn bẩy tràn lan đang khiến thị trường chứng khoán trở nên rủi ro hơn. Vụ sập quỹ đầu cơ Archegos Capital Management hồi tháng 3 là một lời nhắc nhở nghiêm khắc về rủi ro đó. Dù vậy, thị trường chứng khoán thế giới tiếp tục đi lên, với chỉ số MSCI All-Country World Index đóng cửa ở mức cao kỷ lục vào hôm thứ Sáu tuần trước.
Tại Mỹ, tổng dư nợ ký quỹ ở thời điểm cuối tháng 3 là 822 tỷ USD, theo dữ liệu mới nhất, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở một quy mô nhỏ hơn, điều tương tự đã xảy ra ở Đài Loan. Đặt niềm tin vào những dự báo giá lên và được hậu thuẫn bởi lịch sử chứng khoán Đài Loan hiếm khi có biến cố lớn, các nhà đầu tư ở vùng lãnh thổ này vay nợ ký quỹ ngày càng nhiền. Cách đây 2 tuần, dư nợ ký quỹ chứng khoán ở Đài Loan đã tăng 46% so với đầu năm, đạt mức khoảng 274 tỷ Đài tệ, tương đương 9,8 tỷ USD, mức cao nhất từ năm 2011.
Trong khi đó, chỉ số Taiex chỉ tăng 19% trong cùng khoảng thời gian, một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư vay nợ với tốc độ nhanh hơn tốc độ tăng giá cổ phiếu.
Giới đầu tư chứng khoán ở Đài Loan hầu như chẳng có lý do gì để sợ thua lỗ, Bloomberg cho hay. Đài Loan là một trong những nền kinh tế hưởng lợi nhiều nhất từ sự đối đầu Mỹ-Trung. Các hãng chip Đài Loan ăn nên làm ra trong bối cảnh Washington ra sức cản trở nỗ lực của Bắc Kinh về xây dựng nền công nghiệp chip nội địa. Trong 4 năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump, Taiex là chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới, với mức tăng hơn 90% nếu tính theo giá trị bằng USD.
Năm nay, chứng khoán Đài Loan tiếp tục xu hướng tăng, khi đại dịch Covid-19 gây khan hiếm con chip trên toàn cầu. Tính đến hết tháng 4, Taiex đã có 7 tháng tăng không nghỉ.
... ĐẾN NỖI SỢ HIỆN HỮU
Tuần này, đà tăng của thị trường chứng khoán Đài Loan bắt đầu đuối, khi mối nguy lạm phát nhấn chìm chỉ số Nasdaq của thị trường chứng khoán Mỹ và cổ phiếu công nghệ bị bán tháo trên toàn cầu. Khi Taiex sụt 3,8% trong phiên giao dịch ngày 11/5, mức dư nợ ký quỹ trên thị trường chứng khoán Đài Loan giảm 12,6 tỷ Đài tệ, mức giảm mạnh nhất trong 1 ngày kể từ tháng 10/2018. Điều này cho thấy các nhà đầu tư đã nhận được cuộc gọi ký quỹ từ công ty môi giới yêu cầu bù lỗ cho danh mục.
Phiên giảm kỷ lục vào ngày 12/5 có thể khiến dư nợ ký quỹ chứng khoán trên thị trường Đài Loan giảm mạnh hơn nữa. Hiện tại, chưa có một con số cụ thể nào được công bố.
“Giao dịch ký quỹ đã thúc đẩy Taiex tăng trong mấy tháng qua, và sẽ khiến thị trường giảm mạnh hơn bình thường nếu xảy ra margin call”, Chủ tịch Paul Cheng của Master Link Securities Investment phát biểu.
Nỗi lo về sự sụt giảm sâu hơn đang hiển hiện trên thị trường chứng khoán Đài Loan, nơi nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng hơn 60% giao dịch. Thị trường chứng khoán phái sinh của Đài Loan đặc biệt sôi động: hơn 1,75 triệu hợp đồng quyền chọn dựa trên chỉ số Taiex được chuyển nhượng trong phiên ngày 12/5, đánh dấu phiên sôi động thứ ba kể từ năm 2016. Các nhà đầu tư mua mạnh các hợp đồng giá xuống (bearish contracts) cho dù hàng chục quyền chọn ngắn hạn hết hạn, khiến giá của một quyền chọn bán có lúc tăng tới 7.757%.
Nhà giao dịch Kevin Lee thuộc KGI Securities, một người có kinh nghiệm giao dịch chứng khoán ở Đài Loan trong 1 thập kỷ, nói rằng khách hàng của ông đã bắt đầu hoảng loạn.
“Các lệnh được đặt ồ ạt”, ông Lee nói với Bloomberg. “Nhà đầu tư muốn phát điên khi có nhiều tin tức liên tục xuất hiện trong các phiên giao dịch, và chúng tôi chẳng biết thực hư thế nào”.
Cuối ngày, Taiex thu hẹp mức giảm còn 4,1%. Tuy nhiên, tổn thất niềm tin đối với nhà đầu tư đã quá rõ.