Giấy phép Du lịch điện tử (ETA) là phiên bản tương tự chương trình ETIAS của Liên minh châu Âu (EU) dành cho công dân các nước được miễn thị thực khi nhập cảnh vào 30 quốc gia châu Âu, bao gồm Pháp và Đức. ETIAS đã bị hoãn thực hiện cho đến năm 2026. Bộ trưởng Di trú Anh Seema Malhotra cho biết, thông qua việc số hóa hệ thống nhập cư, Chính phủ nước này hướng đến một "đường biên giới không tiếp xúc".
Việc mở rộng ETA trên phạm vi toàn cầu thể hiện cam kết của Anh trong việc tăng cường an ninh thông qua công nghệ và đổi mới. Giấy phép có thể được đăng ký trực tuyến với mức phí 10 bảng Anh (khoảng 12 euro hoặc 12,6 USD). Từ ngày 9/4/2025, mức phí này sẽ tăng lên 16 bảng Anh. ETA có hiệu lực trong 2 năm, cho phép du khách lưu trú tối đa 6 tháng và áp dụng bắt buộc đối với mọi đối tượng, bao gồm cả trẻ vị thành niên và trẻ sơ sinh.
Người nộp đơn cần cung cấp ảnh hộ chiếu và hình ảnh gương mặt. Theo Bộ Nội vụ Anh, quy trình này có thể mất khoảng 10 phút. Tuy nhiên, Chính phủ Anh khuyến nghị du khách nộp đơn ít nhất 3 ngày trước chuyến đi để tránh rủi ro chậm trễ.
Nếu được chấp thuận, ETA sẽ được liên kết với hộ chiếu của người nộp đơn. Những hành khách đi máy bay chỉ quá cảnh tại khu vực cách ly mà không nhập cảnh vào Anh sẽ được miễn trừ khỏi chương trình này.

Trong khi đó, liên minh châu Âu (EU) vừa thông qua một hệ thống quản lý xuất nhập cảnh mới, dự kiến sẽ có hiệu lực từ mùa thu năm nay. Hệ thống này sẽ thay thế phương pháp đóng dấu hộ chiếu truyền thống và áp dụng công nghệ sinh trắc học để kiểm soát biên giới một cách hiệu quả hơn.
Theo đó, tất cả công dân ngoài EU khi đến châu Âu sẽ phải đăng ký thông tin cá nhân - bao gồm tên, số hộ chiếu và dữ liệu sinh trắc học (vân tay, ảnh) - vào một hệ thống chung. Hệ thống này áp dụng cho cả các quốc gia thuộc khu vực Schengen như Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ.
Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề nội vụ và di cư Magnus Brunner nhấn mạnh hệ thống mới sẽ giúp EU có hệ thống quản lý biên giới tiên tiến nhất thế giới, cũng như tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên, cải thiện hiệu quả kiểm soát biên giới và ngăn chặn di trú bất hợp pháp.
Tại châu Á, Thái Lan gần đây công bố nước này sẽ áp dụng hệ thống Giấy phép du lịch điện tử (ETA) cho những du khách được miễn thị thực (visa) từ tháng 12/2024. Điều này đồng nghĩa với việc công dân từ 93 quốc gia nằm trong nhóm được nhập cảnh miễn thị thực vào Thái Lan sẽ phải đăng ký ETA trước chuyến đi của họ.

Ngược lại, Hàn Quốc trước đây đã dỡ bỏ yêu cầu cấp phép K-ETA với công dân của 8 quốc gia. Bao gồm: Nhật Bản, Macao, Đài Loan, Kiribati, Micronesia, Samoa, Tango, Solomon. Cho đến lễ kỷ niệm năm du lịch 2023 – 2024, quốc gia này đã công bố chương trình mở rộng thêm 22 quốc tịch được cấp ETA. Năm nay, thêm du khách đến từ một số quốc gia như Mỹ, Vương quốc Anh hay là Nhật Bản không cần phải xin K-ETA khi đến Hàn Quốc.
Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho biết biện pháp miễn trừ K-ETA sẽ kéo dài đến hết ngày 31/12/2025. Theo đó, khách du lịch từ các quốc gia và vùng lãnh thổ được miễn K-ETA sẽ có thể kiểm tra họ có đủ điều kiện hay không khi nhập quốc tịch của mình trên trang web đăng ký K-ETA. Tuy nhiên, khách du lịch phải trả phí để nộp đơn xin K-ETA khi muốn hưởng các lợi ích liên quan như miễn khai báo nhập cảnh.
Hàn Quốc luôn được coi là một những điểm đến hàng đầu của châu Á. Tổ chức Du lịch Hàn Quốc (KTO) quyết tâm triển khai các chương trình kích thích du lịch để thu hút 30 triệu khách du lịch vào năm 2027. Các kế hoạch cải thiện thủ tục, dịch vụ và áp dụng kỹ thuật số liên tục được đưa vào triển khai.
Ông Aaron Wong, nhà sáng lập trang web du lịch The MileLion, cho biết ETA là một dạng sàng lọc trước với các du khách miễn thị thực. Theo ông Wong, ETA khác với visa bởi dành cho những trường hợp lưu trú ngắn hạn. Ông giải thích: “Không giống như thị thực truyền thống, thường phải trải qua quá trình phỏng vấn, điền nhiều giấy tờ và trực tiếp đến đại sứ quán, ETA thường áp dụng trực tuyến và được cấp trong khoảng thời gian ngắn”.

ETA thường được cấp trong vài tiếng đồng hồ và trong một số trường hợp thậm chí được tính chỉ bằng phút. ETA cũng được kết nối điện tử với hộ chiếu của du khách đến du lịch hoặc công tác ngắn ngày. Trong khi đó, thị thực thường dành cho đối tượng ở lâu dài hơn với mục đích đặc thù như học tập hoặc làm việc.
Trên thế giới, các quốc gia đã áp dụng ETA từ lâu bao gồm Australia, Canada và Mỹ, nơi có Hệ thống cấp phép du lịch điện tử (ESTA). Các quốc gia áp dụng ETA bởi nhiều lý do khác nhau, một trong số đó là an ninh. Các quốc gia có thể sử dụng đơn xin ETA để đánh giá sức khỏe, hồ sơ phạm tội và lịch sử du lịch của du khách.
Một lý do khác để triển khai ETA là để các quốc gia có thể thu phí từ mỗi du khách, vì hầu hết các đơn xin ETA đều đi kèm với một khoản phí hành chính. Phí ETA của Australia là 20 đô la Australia (332.000 đồng), trong khi Mỹ tính 21 USD (516.000 đồng), New Zealand là 17 đô la New Zealand (260.000 đồng)...
Ngoài việc tăng doanh thu, ETA cũng đơn giản hóa quy trình nhập cảnh tại các trạm kiểm soát nhập cảnh. Vào đầu năm 2024, Kenya đã công bố miễn thị thực cho du khách từ tất cả các quốc gia trên toàn thế giới. Để đảm bảo an ninh và thuận lợi, quốc gia này đã giới thiệu Giấy phép du lịch điện tử cho tất cả du khách.

Tháng 1 năm nay, chỉ số xếp hạng hộ chiếu Henley công bố du khách Việt được miễn visa ở 51 điểm đến. Bảng xếp hạng Henley dùng từ "miễn thị thực" để chỉ các điểm đến công dân có thể dễ dàng nhập cảnh mà không cần visa, hoặc xin visa cửa khẩu (VOA - visa on arrival) và ETA (giấy phép du lịch điện tử).
Cụ thể, có 24 điểm đến mà du khách Việt không cần visa là Barbados, Brunei, Campuchia, Chile, quần đảo Cook, Dominica, Indonesia, Iran, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Lào, Madagascar, Malaysia, Myanmar, Micronesia, Mông Cổ, Niue, Panama, Philippines, Rwanda, St. Vincent & the Grenadines, Suriname, Thái Lan, Singapore.
Có 4 điểm đến cần ETA là Kenya, Mozambique, Sri Lanka, đảo Đài Loan. Có 23 điểm đến cần VOA: Bolivia, Burundi, quần đảo Cape Verde, quần đảo Comoro, Djibouti, Guinea-Bissau, Malawi, Maldives, Mauritania, Mauritius, quần đảo Marshall, Namibia, Nepal, quần đảo Palau, Samoa, Seychelles, Sierra Leone, Somalia, St Lucia, Tajikistan, Tanzania, Timor-Leste, Tuvalu.