Thông tin từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) cho thấy trong 9 tháng của năm 2024, tổng doanh thu công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 971.593 tỷ đồng, bằng 83% kế hoạch năm và tăng 15% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận trước thuế của các tập đoàn, tổng công ty ước đạt 50.360 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch năm. Giá trị nộp ngân sách nhà nước ước đạt 62.904 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch năm và tương đương cùng kỳ.
LỢI NHUẬN VÀ NGHĨA VỤ NGÂN SÁCH SỚM VỀ ĐÍCH
Như vậy, chỉ sau 9 tháng, 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban quản lý có những bước bứt phá mạnh mẽ, đạt được những kết quả ấn tượng về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước.
Đến hết tháng 9/2024, doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 1.538.038 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch năm và tăng 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 85.886,73 tỷ đồng, vượt 5% kế hoạch năm. Giá trị nộp ngân sách nhà nước ước đạt 157.855 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch năm và tương đương cùng kỳ.
(Báo cáo Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước)
Xét riêng từng lĩnh vực, theo Ủy ban, trong lĩnh vực xăng dầu, sản lượng xăng dầu hợp nhất lũy kế 9 tháng năm 2024 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam-PVN) (không bao gồm nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn) ước đạt 4,9 triệu tấn, bằng 84% kế hoạch năm và bằng 90% cùng kỳ.
Tổng doanh thu toàn tập đoàn PVN 9 tháng ước đạt 736.500 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch năm, về đích trước 3 tháng và tăng 12% so với cùng kỳ 2023; nộp ngân sách nhà nước toàn tập đoàn ước đạt 115.200 tỷ đồng, vượt 23% kế hoạch năm, về đích trước 4 tháng và tăng 9% cùng kỳ.
Sản lượng xăng dầu hợp nhất lũy kế 9 tháng năm 2024 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ước đạt 11.518.000 m3, tấn, bằng 88% kế hoạch năm và tăng 5%.
Trong lĩnh vực vận tải, đối với lĩnh vực hàng không, thông qua toàn bộ mạng lưới các cảng hàng không của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), sản lượng vận chuyển hành khách ước đạt 83,52 triệu khách, bằng 73% kế hoạch năm và bằng 96% cùng kỳ. Sản lượng vận chuyển hàng hóa bưu kiện ước đạt 1.112 nghìn tấn, bằng 81% kế hoạch năm và tăng 22%.
Riêng sản lượng vận chuyển hành khách của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) ước đạt 17,2 triệu khách, bằng 76% kế hoạch năm tăng 9%. Sản lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 225,3 nghìn tấn, bằng 82% kế hoạch năm và tăng 42%.
Lĩnh vực đường sắt, tính đến hết tháng 9/2024, vận chuyển hành khách ước đạt 5,4 triệu lượt khách, bằng 88% kế hoạch năm và tăng 20%; vận chuyển hàng hóa ước đạt 3,4 triệu tấn xếp, bằng 70% kế hoạch năm và tăng 14%.
Lĩnh vực đường biển cũng có nhiều khởi sắc. Ở một số lĩnh vực khác như: điện, khí, than, thuốc lá, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp, sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ yếu cũng có những kết quả đáng chú ý.
ĐÔN ĐỐC TRIỂN KHAI NHIỀU DỰ ÁN LỚN
Cũng theo Uỷ ban, một số dự án lớn, trọng điểm đến hết tháng 9/2024 có giá trị thực hiện cao so với kế hoạch đầu tư năm 2024.
Đơn cử, trong lĩnh vực năng lượng có dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 (đạt khoảng 42%), dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng (đạt khoảng 65%); dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng (đạt khoảng 80%); dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I (đạt khoảng 108%)... Các dự án đường dây 500 kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I - Phố Nối, đường dây 500 kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu đã hoàn thành trong tháng 8/2024.
Trong lĩnh vực giao thông, dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đạt khoảng 51%. Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi đạt khoảng 20%. Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giá trị khối lượng nghiệm thu hoàn thành đạt khoảng 38,81%, giá trị khối lượng thực hiện ước đạt khoảng 143%. Dự án thành phần 3 - dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 giá trị khối lượng nghiệm thu hoàn thành ước đạt khoảng 16%, giá trị khối lượng thực hiện ước đạt khoảng 48%.
Theo Ủy ban, trong thời gian qua, cơ quan này tập trung chỉ đạo doanh nghiệp khắc phục bằng được những tồn tại, hạn chế trong sản xuất, kinh doanh; triển khai đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho 3 đột phá chiến lược của đất nước (thể chế, hạ tầng, nhân lực), làm mới 3 động lực tăng trưởng cũ (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và bổ sung các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ)…
Bên cạnh đó, chú trọng triển khai cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty theo các kế hoạch đã được phê duyệt, trong đó tập trung 3 nội dung: tái cấu trúc về quản trị, bộ máy theo hướng hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng nhân lực; tái cấu trúc về tài chính; tái cấu trúc về ngành nghề, nguyên vật liệu đầu vào… cho phù hợp xu hướng phát triển.
MỞ RỘNG KHÔNG GIAN PHÁP LÝ CHO UỶ BAN
Với số lượng hơn 800 doanh nghiệp nhà nước hiện nay, 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ về số lượng doanh nghiệp nhưng nắm giữ khoảng 65% tổng vốn chủ sở hữu cũng như tài sản của cả khối doanh nghiệp nhà nước.
Hiện các nhóm doanh nghiệp nhà nước do Uỷ ban quản lý mang đặc thù khác nhau, đóng vai trò nòng cốt, phát huy vai trò chủ lực, chủ đạo trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế. Trong đó, có nhóm doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng với an ninh kinh tế như: dầu khí, điện, xăng dầu; có nhóm giữ vai trò công ích xã hội như môi trường đô thị, nông nghiệp. Bên cạnh đó, có nhóm hoạt động theo cơ chế thị trường trong các lĩnh vực như: dược phẩm, thép, lương thực, hóa chất, phân bón…
Trao đổi gần đây về sự thay đổi của 19 "ông lớn" Nhà nước sau 6 năm về siêu Uỷ ban, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng chủ trương tách bạch giữa quản lý vốn nhà nước với quản lý nhà nước là đúng đắn. Mô hình này những ngày đầu hoạt động có lúng túng, có nhiều khó khăn song dần đi vào nề nếp. Khi có Ủy ban chuyên trách, vẫn hơn các vụ quản lý doanh nghiệp thuộc các bộ và bước đầu đem lại hiệu quả.
Uỷ ban cũng đóng vai trò lớn trong bổ nhiệm nhân sự cấp cao, quản lý vốn, tham gia ý kiến về dự án đầu tư của doanh nghiệp, để lựa chọn những người có năng lực, trình độ quản trị doanh nghiệp chứ không phải người làm hành chính đơn thuần, giúp vốn nhà nước được giám sát hiệu quả hơn, sử dụng đúng mục đích hơn.
Trong bối cảnh Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) đang được sửa đổi, ông Phúc cho rằng cần có quy định, điều riêng về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và phải quy định đặc thù hơn nữa cho Ủy ban này. Dự luật mới cần phải rõ đối tượng quản lý là vốn nhà nước chứ không phải doanh nghiệp.
"Nguồn lực lớn của chúng ta đang nằm ở khu vực kinh tế nhà nước. Việc thúc đẩy khu vực này đồng nghĩa với việc phải có thể chế mới, phải có luật mới để Nhà nước quản lý được vốn nhà nước, bảo toàn và có lãi, trừ những trường hợp vì mục đích quốc phòng an ninh, an sinh xã hội", nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhìn nhận.
Cùng với đó, cần tạo thuận lợi cho hoạt động quản lý đầu tư vốn nhà nước, tách chi phối quản lý nhà nước với quản trị doanh nghiệp, để doanh nghiệp chủ động đầu tư sản xuất kinh doanh mang lại lợi nhuận về cho nhà nước. Doanh nghiệp muốn tiếp tục được nhà nước đầu tư vốn nhưng họ phải có quyền quản trị, tự quyết định kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh.
Chẳng hạn, với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, cần làm rõ trường hợp nào giao nhiệm vụ cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trường hợp nào ưu tiên đặt hàng, trường hợp nào để doanh nghiệp tự do cạnh tranh để có thể thu hồi vốn nhà nước đầu tư. Nếu cần thiết, nên phân loại, quy định luật hóa những vấn đề như vậy.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Kiên, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đây là thời điểm cần tiếp tục kiện toàn bộ máy Uỷ ban. Ông Kiên cho rằng khi sửa Luật số 69 cần có những quy định cụ thể về quyền và chức năng của Uỷ ban, có thể tiến tới trở thành cơ quan độc lập chịu sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ.
Còn điều kiện chưa thể làm được, cần phải sửa luật một cách hợp lý hơn, dựa trên các ý kiến chuyên gia dựa trên thực tế hoạt động của cơ quan đại diện vốn nhà nước và phản hồi của các doanh nghiệp. Từ đó, tạo không gian rộng hơn để phát huy hiệu quả nguồn vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, để doanh nghiệp Nhà nước thực sự đóng vai trò tiên phong, nòng cốt trong nền kinh tế.