Cho đến thời điểm hiện tại, một vài ngân hàng thương mại đã công bố về đích sớm với lợi nhuận vượt kế hoạch năm, số còn lại cũng đều kỳ vọng tăng trưởng ở mức cao.
Theo số liệu từ Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) về doanh thu và lợi nhuận toàn ngành ngân hàng 2021 lần lượt ở mức 406.694 tỷ đồng (tăng 16,7% so với năm trước) và 163.846 tỷ đồng (tăng 24,2%). Tốc độ tăng trưởng này vẫn bứt phá so với năm 2020 và cao hơn mức tăng trưởng lợi nhuận chung của toàn thị trường.
KHỔ VÌ LỢI NHUẬN
Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đến nửa đầu năm 2021, cứ mỗi lần đến mùa báo cáo tài chính, ngành ngân hàng lại đến khổ khi phải trả lời một loạt những câu hỏi về mức lợi nhuận nghìn tỷ, chất lượng nợ suy giảm, khó khăn của doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, cam kết giảm lãi suất… Thậm chí, dư luận còn đánh giá lợi nhuận của các ngân hàng mang tính “phản cảm”.
Dạo gần đây, mặc dù lợi nhuận ngân hàng vẫn tăng hoặc dự báo tăng như đã nói, nhưng dường như thị trường lại không còn hứng thú “soi” như trước.
Có thể một phần thị trường đã quá quen với mức lợi nhuận nghìn tỷ của ngành ngân hàng, nói nhiều thành chán. Cũng có thể, khi nền kinh tế mở cửa trở lại, nhiều ngành nghề bắt đầu hồi phục, mức nền chung được đôn lên, chênh lệch lợi nhuận được co lại. Nhưng quan trọng hơn, những cam kết hỗ trợ đã được công bố rộng rãi và chi tiết.
Theo đó, thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận (thông qua Hiệp hội ngân hàng) giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng.
Thực tế, tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7-30/11/2021 của 16 ngân hàng là khoảng 18.095 tỷ đồng, đạt 87,78% so với cam kết.
Riêng 4 ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
ĐIỀU HÀNH LINH HOẠT THEO THỊ TRƯỜNG
Thật ra, để mạnh mẽ đưa ra lời cam kết như trên, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại phải nỗ lực rất nhiều.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, trước tiên, cơ quan này đã ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN nhằm tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do Covid-19.
Đồng thời, thanh khoản được duy trì dồi dào tại hệ thống các tổ chức tín dụng trên cơ sở Ngân hàng Nhà nước mua lượng lớn ngoại tệ, đưa tiền đồng ra thị trường, đồng thời hằng ngày chào mua giấy tờ có giá trên thị trường mở nhằm phát tín hiệu sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, ổn định thị trường tiền tệ.
Điều này thể hiện qua việc lãi suất liên ngân hàng - là mức lãi suất vay mượn lẫn nhau kỳ hạn ngắn giữa các tổ chức tín dụng đã giảm xuống mức rất thấp trong lịch sử, khoảng từ 0,5%/năm đến 0,9%/năm cuối tháng 9, giảm chi phí vốn đầu vào cho tổ chức tín dụng, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay.
Mặt khác, các chỉ tiêu như kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và nâng cao dự trữ ngoại hối, giao hạn mức tăng trưởng tín dụng hợp lý… đều được Ngân hàng Nhà nước điều hành bám sát theo kế hoạch năm.
Về phía tổ chức tín dụng, họ phải xoay xở sao cho vừa được lòng cổ đông và vừa không bị dư luận chỉ trích. Theo đó, bên cạnh tăng lượng (tăng cho vay nhờ được nới room hạn mức tín dụng), thì nhiều ngân hàng cũng phải tự tăng chất (cải thiện biên lãi ròng NIM) bằng cách tập trung huy động CASA (tiền gửi không kỳ hạn).
Ngoài ra, nhờ quá trình số hoá thành công, tín dụng bán lẻ và doanh nghiệp SME cũng có bước tiến lớn. Tỷ trọng tín dụng bán lẻ đã tăng từ mức 31% năm 2015 lên mức 42% tổng dư nợ tại thời điểm cuối quý 3/2021, cá biệt có tổ chức tín dụng tỷ lệ cho vay cá nhân đã chiếm 60-80% tổng dư nợ.
Thêm vào đó, mặc dù có sự ảnh hưởng giảm chất lượng tài sản do dịch bệnh nhưng với chính sách kiểm duyệt tín dụng chặt chẽ và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao, các ngân hàng đã quản lý chất lượng tài sản tốt và giữ ở mức như hiện nay (tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 1,6-1,7%). Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel 2 tiếp tục giữ ở mức cao, và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giữ ở mức an toàn.
Nhìn chung, để diễn giải một cách gần gũi về lợi nhuận năm 2021, một lãnh đạo ngân hàng thương mại lớn chia sẻ: “Quan điểm của tôi là ăn trông nồi, ngồi trông hướng. Tăng trưởng kinh tế dần hồi phục, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn, nợ xấu và nợ tiềm ẩn vẫn cần được chú ý. Theo đó, ngân hàng xác định mức lợi nhuận vừa phải để hài lòng cổ đông, rồi còn phải xem xét giảm lãi suất chia sẻ với khách hàng”.
THÁCH THỨC TRONG NĂM TỚI
Hướng tới năm 2022, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, kết quả đạt được trong giai đoạn 2020-2021 cùng những kinh nghiệm và quyết tâm của hệ thống sẽ tạo cơ sở thuận lợi cho Ngân hàng Nhà nước điều hành thời gian tới.
Tuy nhiên, phía trước còn nhiều thử thách và cả những bất lợi. Thực tế, tại báo cáo gửi lên Quốc hội mới đây, bản thân Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, việc sử dụng chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế hiện đã gần tới hạn. Theo đó, 4 nguyên nhân chính đã được cơ quan này đưa ra.
Thứ nhất, lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước ở mức rất thấp so với nhiều năm trở lại đây, nhiều thời điểm lãi suất liên ngân hàng sát 0%.
Thứ hai, nguy cơ tăng nợ xấu đối với hệ thống ngân hàng.
Thứ ba, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia cảnh báo rủi ro suy giảm chất lượng bảng cân đối của các tổ chức tín dụng trong nước do tác động của dịch Covid-19 và có thể dẫn đến nguy cơ giảm hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.
Thứ tư, hệ thống tổ chức tín dụng vẫn đang tiếp tục cơ cấu lại và xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đang gia tăng xu hướng thu lại các giải pháp nới lỏng tiền tệ để giảm bớt rủi ro lạm phát.
Với dư địa chính sách tiền tệ như vậy, không gian cho các ngân hàng thương mại chắc chắn cũng bị thu hẹp. Khi đó, lựa chọn hỗ trợ doanh nghiệp hay vừa lòng cổ đông sẽ khó khăn hơn bây giờ rất nhiều.
Ngoài ra, theo TS. Cấn Văn Lực, chương trình phục hồi mà Chính phủ đang thiết kế sẽ tạo ra hai dòng tín dụng: có hỗ trợ lãi suất và không được hỗ trợ lãi suất. Điều này sẽ khiến cho hệ thống ngân hàng phải giải quyết nhiều quy trình, thủ tục, hồ sơ hơn so với những năm trước.
Thêm vào đó, khẩu vị rủi ro của nhiều ngân hàng đang nghiêng về trái phiếu bất động sản, nhưng sản phẩm này đang dần bị siết chặt. Không những vậy, cho vay kinh doanh đầu tư bất động sản có thể tiếp tục tăng nhưng vẫn tiếp tục bị kiểm soát.
“Tóm lại, bức tranh lợi nhuận của hệ thống ngân hàng năm tới tôi cho rằng không được tốt như năm nay. Do độ trễ của dịch bệnh đối cũng như loạt chính sách sắp tới. Mặc dù vậy, chúng tôi dự báo lợi nhuận toàn hệ thống tăng ở mức 15-20%”, ông Lực nhận định.
Còn nhóm phân tích tại Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, việc cải thiện NIM chậm lại ở cuối năm 2021 và thậm chí giảm vào năm 2022 vì các ngân hàng đã được yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng. Sẽ có mức độ phân hoá lợi nhuận rõ rệt trong năm 2022 với tiềm năng thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân nhờ chi phí vốn rẻ.
“Ngân hàng sẽ phải cân bằng lại giữa mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận và kiểm soát chất lượng tài sản trong bối cảnh NIM thấp hơn và khẩu vị rủi ro tăng. Các ngân hàng được chúng tôi theo dõi dự kiến đạt tăng trưởng lợi nhuận 19% trong năm 2022, thay vì mức 25% ở năm 2021”, nhóm phân tích nhấn mạnh.