July 03, 2021 | 07:02 GMT+7

Lợi nhuận tăng kỷ lục, cổ phiếu ngành chứng khoán “nổi loạn” được bao lâu?

An Nhiên -

Thị trường chứng khoán thăng hoa với nhiều kỷ lục về thanh khoản, số lượng nhà đầu tư F0, cho vay margin đã giúp nhiều công ty chứng khoán lãi đột biến 6 tháng đầu năm 2021…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngay từ đầu năm 2021, đa phần các công ty chứng khoán đều đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cao hơn so với năm ngoái nhờ triển vọng thị trường chứng khoán khởi sắc. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra trên thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay đã mang lại một khoản lợi nhuận kếch xù, vượt cả mục tiêu mà các doanh nghiệp mong đợi.

LỢI NHUẬN ĐẸP HƠN “MƠ”

Agriseco - công ty chứng khoán từng gặp khó khăn với khoản lỗ luỹ kế hơn 200 tỷ đồng - nhưng 6 tháng đầu năm nay lợi nhuận tăng bứt phá, ước đạt 160 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2020. Năm 2021, HĐQT Agriseco đặt chỉ tiêu doanh thu 256 tỷ đồng và lãi trước thuế 129.2 tỷ đồng; lần lượt bằng 113% và 107% thực hiện năm 2020. Tuy nhiên, với con số lợi nhuận 6 tháng đầu năm, Agriseco đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm 2021.

Mục tiêu của HĐQT Agriseco nửa cuối năm là quyết tâm xóa lỗ lũy kế trong năm 2021 để có thể xây dựng được phương án phân phối lợi nhuận và cổ tức cho cổ đông trong năm 2022.

Tương tự, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, Chứng khoán VIX cho biết, ước tính lãi trước thuế quý 2/2021 đạt trên 100 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, VIX đạt 500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, đã hoàn thành hơn 70% kế hoạch. Năm 2021, VIX đặt kế hoạch lãi trước thuế 680 tỷ đồng và lãi sau thuế 544 tỷ đồng, tăng 66% so với thực hiện 2020.

Ban lãnh đạo công ty cho biết, trong cơ cấu doanh thu, dư nợ cho vay margin và doanh thu môi giới hiện nay của VIX đang cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, các mảng hoạt động khác như tư vấn phát hành cổ phiếu, trái phiếu, bảo lãnh phát hành,... đều tích cực hơn trước.

Tại chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), năm 2021, SHS đặt mục tiêu doanh thu 1.886,7 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 751,2 tỷ đồng. Ban lãnh đạo công ty ước tính kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm đạt 80% lợi nhuận so với kế hoạch năm 2021, tương đương với hơn 600 tỷ đồng. Nếu diễn biến thị trường không có gì quá bất lợi cuối năm sẽ hoàn toàn đạt được mục tiêu kinh doanh đề ra.

Trong danh mục đầu tư của SHS hiện có khoảng 30 triệu cổ phiếu SHB nếu tiếp tục cộng thêm sự tăng giá của SHB (hơn 400 tỷ đồng) thì con số lợi nhuận đạt khoảng 1.100 tỷ đồng, tăng so với con số 938 tỷ đồng của năm 2020. Dư nợ cho vay margin của của SHS trong tháng 4 và tháng 5 đã tốt hơn nhiều, tăng trưởng 40-40% so với mức 2.600 tỷ đồng của 3 tháng đầu năm. 

Lợi nhuận tăng kỷ lục, cổ phiếu ngành chứng khoán “nổi loạn” được bao lâu? - Ảnh 1

Một số khác, như VnDirect cho biết, công ty hoàn thành cơ bản mục tiêu lợi nhuận cả năm 2021. MBS cũng tiết lộ lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay vượt kết quả của cả năm 2019 và gần bằng thực hiện của cả năm 2020…

Dù chưa công bố chi tiết con số lợi nhuận quý 2, song theo Chứng khoán APEC, Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong 5 tháng đầu năm của doanh nghiệp này đạt mức tăng trưởng kỷ lục 665% so với cùng kỳ, gấp gần 4 lần số lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020. Giá trị giao dịch của nhà đầu tư tính đến tháng 5/2021 đạt hơn 5.500 tỷ đồng, bằng toàn bộ giá trị giao dịch của năm 2020.

Lợi nhuận tăng trưởng đột biến dự kiến còn ghi nhận ở nhiều công ty chứng khoán khác như SSI, VCI, HCM… trong mùa báo cáo quý 2 năm nay.

Lợi nhuận tăng kỷ lục, cổ phiếu ngành chứng khoán “nổi loạn” được bao lâu? - Ảnh 2

Tăng trưởng lợi nhuận của các công ty chứng khoán nhờ thanh khoản thị trường gia tăng và nhu cầu dùng đòn bẩy margin cao trong suốt 6 tháng đầu năm.

Thị trường ghi nhận nhiều kỷ lục trong 6 tháng qua: Giá trị giao dịch trên HOSE, HNX và UPCOM đạt trung bình 1 tỷ USD/phiên trong 6 tháng năm 2021, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước nhờ dòng vốn của nhà đầu cá nhân trong nước đổ mạnh vào thị trường chứng khoán.

Theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản của nhà đầu tư nội đạt 3,1 triệu tài khoản tại thời điểm cuối tháng 5/2021, tăng thêm 480.490 tài khoản kể từ đầu năm (tương đương 122% tổng số tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước trong cả năm 2020. Tính trung bình, có khoảng 95.971 tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước mỗi tháng trong 5 tháng đầu năm 2021, gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Cho cả năm 2021, Fiinpro dự báo 31/35 công ty chứng khoán chiếm 96,1% vốn hóa của ngành nà lợi nhuận sau thuế tăng 27%. Mặc dù thấp hơn so với mức tăng của năm 2020 (55,4%) nhưng tăng trưởng lợi nhuận này được  đánh giá là tăng tốc so với mức trung bình 5 năm tăng 22,5%. Tuy nhiên, mức dự báo này được đánh giá là khiêm tốn với những con số lợi nhuận đang dần hé lộ.

DƯ ĐỊA VẪN CÒN?

Trên thị trường, đâu đó xuất hiện những “tin đồn” về lợi nhuận khủng và cổ phiếu nhiều công ty liên tục bứt phá, kịch trần những phiên gần đây. Trong suốt hơn một tuần trở lại, nhóm chứng khoán “làm mưa làm gió” với những cổ phiếu như VCI tăng 45%; SSI tăng 14%, VND tăng 14%; HCM tăng 24%; SHS tăng 14%… Chứng khoán cũng là nhóm có mức thanh khoản cao chiếm 9,3% toàn thị trường, chỉ đứng sau bất động sản và ngân hàng. 

Theo nhận định của giới chuyên môn, đà tăng của cổ phiếu chứng khoán có thể kéo dài đến khi hoàn thành công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2.

Bước sang đầu quý 3 là vùng trũng thông tin, trong khi đó nhóm này sẽ gặp khó hơn với những thông tin về lãi suất ngân hàng rục rịch tăng, lạm phát tăng trở lại, Fed chuẩn bị thắt chặt chính sách tiền tệ, kinh tế phục hồi khi nhiều quốc gia đã tiêm vaccin tương đối đầy đủ… Những điều này sẽ dẫn đến nhiều khả năng dòng tiền sẽ quay trở lại sản xuất, kênh tiết kiệm. Một khi dòng tiền rút khỏi thị trường, bất lợi nhất vẫn là các công ty chứng khoán. Thay vào đó, một số nhóm ngành như bán lẻ, dịch vụ, hàng không, nhóm xuất khẩu thuỷ sản, gỗ và đồ gỗ, cảng biển…sẽ trực tiếp hưởng lợi, nổi lên thay vị thế.

Lợi nhuận tăng kỷ lục, cổ phiếu ngành chứng khoán “nổi loạn” được bao lâu? - Ảnh 3

Tuy vậy, nhìn xa hơn về ngành này, FiinPro vẫn cho rằng cổ phiếu chứng khoán có thể duy trì được sức hấp dẫn do P/B tương lai (forward) 2021 hiện ở mức 1,4x với mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan trong năm 2021. Theo khảo sát sơ bộ thì kế hoạch năm 2021 được một số công ty chứng khoán lớn xây dựng dựa trên giả định thanh khoản bình quân ngày ở mức thấp hơn khá nhiều so với mức xung quanh 20.000 tỷ đồng/ phiên như hiện nay.

Bên cạnh đó, việc tăng giá cổ phiếu chứng khoán trong thời gian qua chủ yếu diễn ra ở các công ty nhỏ và tăng bằng lần kể từ đầu năm đến nay trong khi nhóm cổ phiếu lớn hơn bao gồm SSI, VCI, HCM nhằm trong top thị phần và có nền tảng cơ bản tốt vẫn có mức tăng giá thấp hơn so với mặt bằng chung.

“Sự hấp dẫn của nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn được duy trì hoặc cải thiện hơn nữa nếu các các công ty chứng khoán thực hiện thành công các đợt phát hành huy động vốn cổ phần và qua đó tăng quy mô vốn cho vay margin cũng như tiếp tục hưởng lợi từ quy mô thanh khoản của thị trường hiện nay”, Fiinpro nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate