Cập nhật mới nhất của FiinTrade, tính đến ngày 1/11/2024, đã có 1060 doanh nghiệp niêm yết đại diện 98,5% vốn hóa toàn thị trường công bố kết quả kinh doanh quý 3/2024.
Tổng lợi nhuận sau thuế toàn thị trường trong quý 3/2024 tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2023, duy trì tốc độ ổn định so với 2 quý trước đó tăng 20,7% so với cùng kỳ trong quý 1 và tăng 21,4% trong quý 2. Trong khi đó, nền so sánh của quý 3 đã cao hơn so với quý 1 và quý 2.
Tăng trưởng đóng góp chủ yếu bởi nhóm Phi tài chính tăng 29% trong khi nhóm Tài chính ghi nhận mức tăng thấp hơn 15,7% do kết quả kém đi ở Chứng khoán giảm 9,7% và Bảo hiểm giảm 32,5%.
Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABI) vừa báo cáo kỳ kinh doanh quý 3/2024 với mức lỗ 16 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái ABI lãi 56,9 tỷ đồng.
Trong quý 3, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của ABI đạt 538 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm lại lên tới 465 tỷ đồng, tăng 56%. Trong đó, tổng chi bồi thường bảo hiểm quý III năm nay là 293 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với mức chi cùng kỳ.
Lý giải về mức thua lỗ trên, công ty cho biết do chi phí kinh doanh bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại tăng 141 tỷ đồng, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi).
Báo cáo tài chính của Tổng Công ty Bảo hiểm Hàng không (AIC) cho thấy, doanh thu thuần từ kinh hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý III/2024 tăng trưởng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 497 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu đạt 1.556 tỷ đồng, tăng 15%.
Tuy nhiên không chỉ doanh thu tài chính trong kỳ sụt giảm mà chi phí bồi thường cũng tăng cao do ảnh hưởng của bão Yagi. Tổng chi bồi thường bảo hiểm trong quý III ở mức 210,8 tỷ đồng, tăng 44%. Ngoài ra, AIC còn chi hơn 302 tỷ đồng cho các hoạt động khác, khiến công ty lỗ trước thuế 44 tỷ đồng, lỗ sau thuế 39 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, AIC vẫn lãi hơn 6,2 tỷ.
Riêng khoản lỗ quý III đã khiến toàn bộ lợi nhuận dương của 6 tháng đầu năm 2024 của AIC biến mất. Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp bảo hiểm này lỗ hơn 20 tỷ đồng, khó đạt được mục tiêu lợi nhuận 40 tỷ cả năm 2024 đã đề ra trước đó.
Xét theo quy mô vốn hóa, nhóm VN30 dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận trong quý 3, tăng 22%. Trong khi đó, nhóm vốn hóa vừa VNMID và nhỏ VNSML tăng lần lượt 14,6% và 21% so với cùng kỳ.
Xét theo ngành, tăng trưởng lợi nhuận cao đến từ nhóm Hàng tiêu dùng (Bán lẻ, Thực phẩm, Chăn nuôi), Xuất khẩu (Thủy sản, May mặc), Nguyên vật liệu (Cao su, Phân bón), Điện, BĐS Khu công nghiệp. Ngược lại, Bảo hiểm, Chứng khoán, Sữa, Hàng cá nhân, Dầu khí, Hóa chất, Dược phẩm, Viễn thông ghi nhận LN sụt giảm. Nhóm có tăng trưởng chậm lại bao gồm Ngân hàng, Thép, CNTT...