Cụ thể, doanh thu bán hàng quý 3/2021 đạt 4.077 tỷ đồng, tăng 22,9% so với quý 3/2020, trong khi đó tốc độ tăng của giá vốn hàng bán thấp hơn so doanh thu (chỉ tăng 17,4% so với cùng kỳ), nên lợi nhuận gộp quý 3/2021 tăng 87,3% so với cùng kỳ.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tuy tăng cao (tăng tương ứng 26,7% và 24% so với cùng kỳ) nhưng nhờ giá vốn giảm mạnh nên Tập đoàn Dệt May Việt Nam vẫn ghi nhận mức lợi nhuận tốt, lợi nhuận trước thuế quý 3 đạt 316 tỷ đồng, tăng 121% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh giãn cách xã hội ở nhiều địa phương.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu bán hàng đạt 11.137 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 946 tỷ đồng, tăng 121% so với cùng kỳ và là kết quả cao nhất kể từ khi Tập đoàn Dệt May Việt Nam chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 9 tháng 2021 đạt 569 tỷ đồng, tăng 181,7% so với cùng kỳ.
Năm 2021, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất 700 tỷ đồng, thì sau 3 quý lợi nhuận trước thuế đạt 946 tỷ đồng, vượt 35% kế hoạch năm và đã phục hồi về mức trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát năm 2019 (lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2019: 765 tỷ đồng).
Sang quý 4/2021, khi nền kinh kế dần hồi phục và mở cửa trở lại sau làn sóng Covid-19 lần thứ 4, dự kiến Tập đoàn Dệt May Việt Nam sẽ tiếp tục đạt những kết quả ấn tượng.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam, cho rằng giống như các doanh nghiệp trong cả nước, Vinatex đang trải qua thời kỳ hết sức gian nan, có thể nói là sống còn, đặc biệt là quý 3 vừa qua.
Tuy vậy hết quý 3, Vinatex đã hoàn thành 120% kế hoạch lợi nhuận hợp nhất cả năm 2021. Riêng với công ty mẹ đã hoàn thành trên 60% kế hoạch cả năm mà chưa tính đến cổ tức thu về từ các công ty cổ phần (nguồn thu nhập chính của Tập đoàn trước đây).
Dự kiến năm 2021, Tập đoàn chắc chắn sẽ hoàn thành vượt mức mọi chỉ tiêu Đại hội cổ đông đã giao. Nhưng khó khăn tại các đơn vị trọng yếu ở phía Nam như Việt Tiến, Việt Thắng, Nhà Bè… sẽ ảnh hưởng trong trung hạn và thể hiện lên Tập đoàn vào chu kỳ tiếp theo.
“Kết quả 3 quý thuận lợi nhưng cũng là áp lực hết sức lớn. Chúng ta phải đối diện với sức ép về phục hồi sản xuất nhanh sau giãn cách, tỷ lệ lao động quay trở lại doanh nghiệp ở phía Nam. Sức ép về thuyết phục và tái kết nối khách hàng sau 3 tháng gián đoạn, đặc biệt là cả sức ép về tài chính trong ngắn hạn và trung hạn…”, ông Trường nhận định.
Đồng thời, theo ông Trường, ngành sợi- ngành tạo hiệu quả quan trọng năm 2021 khó duy trì được hiệu quả rất cao như trước do sự tái phân bổ lại hiệu quả chung toàn chuỗi cung ứng.
Hơn nữa, dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó lường tiếp tục gây ra những rủi ro không chỉ với trong nước mà còn cả ở nước ngoài nơi là thị trường chính của Việt Nam.