December 28, 2023 | 10:24 GMT+7

Lừa đảo bán “xe xịn giá rẻ" trên mạng xã hội

Minh Hà -

Đối tượng tạo lập fanpage giả mạo “Cục Hải quan thanh lý xe”, “Xe thanh lý đợt 1/2023 Hải quan chính ngạch” với giá bán rất rẻ và chạy quảng cáo, đăng tải những hình ảnh giả mạo… nhằm lừa đảo, trục lợi người tiêu dùng…

Lừa đảo bán “xe xịn giá rẻ" trên mạng xã hội. Ảnh minh họa.
Lừa đảo bán “xe xịn giá rẻ" trên mạng xã hội. Ảnh minh họa.

Ngày 18/12, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Tây Ninh đã phối hợp cùng Công an huyện Gò Dầu (Tây Ninh), các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an TP. Đà Nẵng bắt giữ đối tượng Trần Thanh Vĩ (sinh năm 1995, ngụ huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) lừa đảo chiếm đoạt tiền. Công an thu giữ tang vật, gồm: 3 điện thoại di động, 9 thẻ ngân hàng các loại, 2 máy tính bảng, 1 máy tính xách tay, hơn 9 triệu đồng...

Qua công tác nghiệp vụ, các trinh sát Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Tây Ninh phát hiện nhiều tài khoản mạng xã hội Facebook đăng tải thông tin buôn bán xe máy nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, thuộc huyện Bến Cầu (Tây Ninh) với giá rẻ. Giá rao bán mỗi chiếc xe máy nhập khẩu chỉ từ 20% đến 40% so với giá trị thực của xe và kèm theo thông tin số điện thoại để người có nhu cầu mua xe liên lạc.

Cụ thể, Vĩ rao bán với nội dung: "Bán xe môtô giá rẻ, bao giấy tờ với giá từ 5.000.000đ đến 25.000.000đ" và cung cấp số điện thoại để người mua liên lạc. Khi có người điện thoại hoặc nhắn tin qua ứng dụng Messenger hỏi mua xe, Vĩ yêu cầu người mua đặt cọc 10% (thấp nhất 2 triệu đồng, cao nhất 30 triệu đồng) giá trị xe môtô. Để người mua tin tưởng, Vĩ yêu cầu nạn nhân chụp ảnh căn cước công dân gửi qua Zalo hoặc Messenger để làm giấy tờ và biển số xe.

Thực tế, Vĩ làm giả giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe môtô trên mạng, rồi gửi cho nạn nhân tạo sự tin tưởng, nhằm chiếm đoạt hết số tiền còn lại. Sau khi nhận được hết số tiền thỏa thuận của người mua, Vĩ chặn liên lạc. Với cách thức như trên, Vĩ đã lừa đảo, chiếm đoạt của hàng loạt nạn nhân trên cả nước, với tổng số tiền khoảng 700.000.000đ.

Theo cảnh báo của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), thời gian gần đây, trên mạng xã hội đang xuất hiện một phương thức lừa đảo mới nhắm vào những người tiêu dùng ham mua "xe xịn giá rẻ".

Cụ thể, các đối tượng tạo lập các fanpage trên Facebook giả mạo các cơ quan Nhà nước như: “Cục Hải quan thanh lý xe”, “Xe thanh lý đợt 1/2023 Hải quan chính ngạch”…; liên tục chạy quảng cáo và đăng tải những hình ảnh, video về những sản phẩm xe chất lượng nhưng giá bán chỉ bằng 1/3, 2/3 so với giá thị trường, nhằm tiếp cận tối đa số lượng người dùng có nhu cầu mua xe hoặc quan tâm đến thị trường xe. Tiếp đó, đối tượng nhắn tin trực tiếp với những tài khoản tương tác thông qua Messenger hoặc Zalo, Telegram.

Để tăng độ uy tín, các đối tượng còn làm giả giấy tờ của cơ quan Nhà nước về việc thanh lý xe hoặc các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc xe… Nhờ đó, dễ dàng đánh vào lòng tham của các nạn nhân để tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo của mình.

Đặc biệt, trong quá trình trao đổi, các đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng gửi ảnh căn cước công dân để làm giấy tờ xe (cavet, đăng kiểm, bảo hiểm, biển số); yêu cầu chuyển khoản tiền đặt cọc 20% giá trị xe và nhiều khoản phí khác để giữ xe; xin địa chỉ nhà để giao xe tận nơi.

Tuy nhiên, sau khi nạn nhân chuyển tiền cọc, các đối tượng sẽ lập tức chặn mọi liên lạc với các nạn nhân. Trong một vài trường hợp khác, các đối tượng sẽ lấy đủ các loại lý do để yêu cầu nạn nhân chuyển thêm tiền rồi chiếm đoạt toàn bộ.

Trước tình trạng người dân liên tục bị lừa đảo bằng hình thức mua bán “xe xịn giá rẻ”, Cục An toàn thông tin khuyến cáo, người dân nên lựa chọn những địa điểm uy tín và chính thống để tránh sập bẫy lừa đảo. Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần tỉnh táo vì không có cơ quan nhà nước hay cá nhân nào được phép thanh lý xe nhập lậu, trốn thuế, giá rẻ như thông tin trên các trang mạng xã hội.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate