Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trong năm 2021 vừa qua, công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19 do nhiều quốc gia đóng cửa, thực hiện giãn cách xã hội và không tiếp nhận lao động. Cả năm chỉ đưa được khoảng 45.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Hiện nay với việc tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam và các nước, cùng chính sách phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã có sự thay đổi, nhiều nước đã mở cửa tiếp nhận trở lại lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.
Tuy nhiên, cùng với việc chuẩn bị mở cửa trở lại, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cảnh báo, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc đối tượng môi giới lừa đảo đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, các hình thức lừa đảo vẫn chủ yếu nhằm vào nhu cầu muốn đi làm việc của người lao động bằng mọi giá, cũng như nhận thức về pháp luật và thông tin việc làm ngoài nước của người lao động còn hạn chế.
Đối tượng lừa đảo thường lợi dụng nhu cầu của người lao động mong muốn đi làm việc ở nước ngoài để có thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt nhưng không phải trải qua các khâu tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng nghề.
“Có những hình thức, thủ đoạn rất tinh vi mà phải có sự vào cuộc của cơ quan quản lý, cơ quan chức năng mới phát hiện được”, ông Nguyễn Gia Liêm nói và cho hay, các đối tượng lừa đảo thường lập thành công ty, có văn phòng và đội ngũ nhân viên như các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức quảng cáo trên mạng xã hội facebook, zalo…
Họ cũng có cả website quảng bá về hoạt động của doanh nghiệp và hình ảnh tuyển chọn, đào tạo người lao động và nơi người lao động làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, các đối tượng này cũng lợi dụng uy tín của các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để lập ra các công ty có tên tương tự nhằm đánh lừa người lao động.
Trước thực tế này, ông Nguyễn Gia Liêm khuyến cáo, để tránh bị lừa đảo người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần trực tiếp liên hệ đến doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp.
Hiện nay, để chuẩn bị cho việc phái cử người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi mở cửa trở lại, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thường xuyên trao đổi và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tại các quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động để có những chỉ đạo và hướng dẫn phù hợp.
Đồng thời, Bộ cũng đã làm việc với cơ quan liên quan trong nước, các địa phương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai công tác chuẩn bị nguồn lao động, các thủ tục cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhằm đáp ứng được các điều kiện, quy định tiếp nhận lao động nước ngoài tại các quốc gia/vùng lãnh thổ.
Năm 2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định.
Bên cạnh các thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, cơ quan này sẽ tiếp tục thúc đẩy ký kết các Thỏa thuận về hợp tác lao động đối với các nước để mở rộng thị trường lao động ngoài nước như: Đức; Nga; Australia; Israel và một số thị trường châu Âu khác.
Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), các thị trường đã mở cửa tiếp nhận lao động trở lại như: Hàn Quốc; Đài Loan (Trung Quốc); Nhật Bản và một số thị trường lao động khác cũng đã có chính sách tiếp nhận lao động với các điều kiện và quy định phù hợp.
Tính đến ngày 15/3/2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 2.026 người, chủ yếu tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…