TAND TP Hà Nội vừa xử phạt bị cáo Nguyễn Tuấn Hùng (SN 1969, ở quận Gò Vấp, TPHCM) mức án 16 năm tù, Nguyễn Minh Thanh (SN 1972, ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) 14 năm tù, Đinh Thị Hạnh (SN 1954, ở huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Có 14 người là bị hại ở nhiều tỉnh thành như Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Bình… với số tiền bị chiếm đoạt gần 5 tỷ đồng. Những người này được các bị cáo đưa cho giấy tờ như thư mời của trang trại Australia, giấy thông báo cấp thị thực (visa) của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam để làm tin.
Thậm chí, một số người mua vé máy bay vào TP.HCM để khám sức khỏe… nhưng đều không thể xuất cảnh như mong muốn. Sau đó, họ tố cáo hành vi lừa đảo của các bị cáo.
Theo cáo trạng, năm 2013, Hùng xin vào làm việc tại công ty bảo hiểm thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Thời gian này, bị cáo quen biết ông Phạm Bá T. (SN 1959, công tác tại Ban Nội chính Trung ương).
Khoảng tháng 4/2015, thông qua ông T., Hùng có quen biết Nguyễn Minh Thanh. Bị cáo tự giới thiệu với Thanh là đang công tác tại Ban Tài chính-Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (là Trưởng ban Tài chính).
Cùng thời gian trên, thông qua ông T., Hùng còn quen biết Đinh Thị Vân (chưa xác định được nhân thân) và biết Vân có văn phòng tuyển dụng người đi xuất khẩu lao động.
Qua tiếp xúc với Vân, Hùng biết một số thông tin về thị trường lao động, tiền lương, thủ tục, chi phí làm hồ sơ xuất khẩu lao động tại Australia. Từ đó, Hùng nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức nhận tuyển người lao động xuất khẩu sang Australia.
Một thời gian sau, Hùng nói với Thanh việc Hùng có ông bác đang làm trang trại trồng nho tại Australia, hằng năm có khả năng bảo lãnh từ 10-15 người sang lao động, với mức lương 3.200-3.800 AUD/tháng; chi phí đi lao động là 11.300-20.000 USD/người. Nếu Thanh tuyển được người, Hùng hứa trả tiền hoa hồng từ 1.000-2.000 USD/người và Thanh đồng ý.
Giữa năm 2015, Thanh quen Đinh Thị Hạnh và giới thiệu Hạnh với Hùng để bàn việc tuyển người đi xuất khẩu lao động tại Australia. Hùng và Hạnh thỏa thuận Hạnh có nhiệm vụ tuyển dụng, nhận hồ sơ, nhận tiền của người có nhu cầu xuất khẩu lao động tại Australia.
Ngoài tiền nộp cho Hùng, Hạnh còn tự thu thêm của mỗi người từ 1.000-2.000 USD để hưởng lợi.
Cuối năm 2020, Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội đã ra cáo trạng truy tố Hùng và Thanh về tội ”Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.” Tuy nhiên, sau đó, vụ án đã được điều tra bổ sung thêm hành vi lừa đảo của bị cáo Đinh Thị Hạnh.
Cơ quan chức năng xác định Đinh Thị Hạnh, Nguyễn Minh Thanh biết rõ Nguyễn Tuấn Hùng không hề có chức năng, quyền hạn trong việc tuyển dụng hay môi giới xuất khẩu người lao động đi lao động tại Australia, nhưng vì tư lợi cá nhân nên Hạnh, Thanh tự đưa ra những thông tin gian dối không đúng về bản thân mình.
Thanh tự giới thiệu mình đang công tác tại Ban Tài chính-Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và có khả năng đưa người đi xuất khẩu tại Australia.
Còn Hạnh lấy danh nghĩa là Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Công Hạnh (trụ sở tại thị trấn Núi Đối, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng) để cam kết và thu nhận hồ sơ và tiền của người có nhu cầu xuất khẩu lao động. Hạnh và Thanh đã giúp sức cho Hùng trong việc nhận hồ sơ và tiền của các bị hại.
Bằng thủ đoạn trên, Hùng cùng Thanh và Hạnh đã chiếm đoạt của 14 người với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng, trong đó, Nguyễn Tuấn Hùng là chủ mưu trong vụ án.
Cơ quan điều tra xác minh, giấy thị thực đều là giả. Thực tế, từ năm 2015, Australia đã ngừng cấp thị thức dán, thay vào đó là cấp thị thực điện tử. Người đăng ký cấp thị trường có thể kiểm tra trực tuyến tình trạng thị thực thông qua hệ thống VENO hoặc ứng dụng điện thoại myVENO.