Hình thành và áp dụng chính sách bình ổn giá như thế nào để đảm bảo công khai, minh bạch và đem lại hiệu quả thiết thực là một trong những nội dung còn có ý kiến khác nhau tiếp tục được tranh luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/12, khi xem xét một số vấn đề lớn của dự án Luật Giá.
Theo dự thảo luật, việc lập quỹ bình ổn giá là một trong các biện pháp bình ổn giá.
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách và cơ quan soạn thảo cho rằng, việc hình thành quỹ bình ổn giá là cần thiết nhằm tạo nguồn lực tài chính cho việc chủ động xử lý đối với những trường hợp giá cả biến động bất thường. Tuy nhiên, để bảo đảm tính ổn định của luật, tại thời điểm hiện nay khi chưa có đủ căn cứ để quy định chi tiết trong luật thì nên giao Chính phủ nghiên cứu tính hợp lý và quy định cụ thể bằng văn bản dưới luật.
Lấy dẫn chứng ngay từ quỹ bình ổn giá xăng dầu, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu băn khoăn, khi đã giám sát hai lần thì đều có chuyện. Ngay cả doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng có ý kiến về việc sử dụng quỹ chưa công khai minh bạch.
Băn khoăn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ lại nằm ở nguồn hình thành quỹ bình ổn giá.
Khẳng định biện pháp bình ổn giá là hết sức cần thiết, song theo Bộ trưởng, quỹ bình ổn giá là quỹ ngoài ngân sách, nhưng trong dự thảo ban đầu vẫn quy định một trong các nguồn hình thành là từ khoản dự phòng ngân sách.
"Ý kiến chúng tôi là không nên, có thể trích từ lợi nhuận của doanh nghiệp cũng được, trích trong giá bán cũng được, hoặc từ nguồn tài trợ bù đắp nào đó, chứ không nên trích từ dự phòng, trừ phi có thiên tai địch họa tác động mạnh đến giá, gián tiếp làm giá cao thì mới trích lập quỹ dự phòng cho quỹ bình ổn", ông Huệ nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Huệ thì nhiều chuyên gia rất phản đối việc lấy ngân sách ra bình ổn giá. Vì tác động rất ít, mỗi năm mất mấy trăm tỷ đồng mà chỉ tác động phần ngọn, thực ra chỉ lợi cho mấy doanh nghiệp tham gia bình ổn hoặc một số siêu thị.
Cho rằng rất ít tác dụng mà dễ bị lạm dụng, Bộ trưởng Huệ phân tích thêm, khi huy động vốn đang khó khăn, tự nhiên một doanh nghiệp trong diện tham gia bình ổn giá được mấy trăm tỷ đồng không lãi thì quá ưu đãi và không công bằng với doanh nghiệp khác.
Vậy nên, ông Huệ thêm một lần nhấn mạnh ý kiến các chuyên gia nước ngoài và trong nước là không nên đưa ngân sách vào nguồn hình thành quỹ bình ổn giá.
Liên quan tới mối quan hệ giữa quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ nhà nước định giá với các cam kết khi gia nhập WTO và thực hiện cơ chế thị trường, Bộ trưởng Huệ lý giải, không phải độc quyền là không có thị trường, vì có những cái độc quyền tự nhiên.
Định giá cũng có nhiều cách, giá cụ thể, giá trần, giá sàn… cũng là một cách định giá. Xăng dầu hiện nay chúng tôi đang thực hiện định giá, ông Huệ nói.
Cũng theo Bộ trưởng thì giá điện, than, dịch vụ công ích đưa vào bình ổn không hề mâu thuẫn với định hướng theo cơ chế thị trường. Đây là những sản phẩm nhạy cảm Nhà nước can thiệp bằng định giá, nhưng trong định giá đó vẫn trả lại mặt bằng giá cho nhà sản xuất. "Định giá và bình ổn giá, độc quyền là bình thường trong nền kinh tế thị trường", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Phùng Quốc Hiển chia sẻ, việc bình ổn giá theo xu thế trung hạn chứ không ngắn hạn và bình ổn giá không có nghĩa là vi phạm cơ chế thị trường.
Ông Hiển cũng cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách và cơ quan soạn thảo thống nhất quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá trong dự thảo luật. Vì đây là nội dung quan trọng, thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân cần do Quốc hội quyết định.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate