November 11, 2022 | 16:19 GMT+7

Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): "Thực sao thì số vậy" và "số phải phong phú hơn thực"

Dự thảo Luật Giao dịch điện tử phải đảm bảo có độ phủ rộng và đảm bảo chi phí phải thấp hơn trong môi trường thực, làm phong phú hơn các loại giao dịch, tránh việc lên môi trường số thì phức tạp hơn, đắt hơn...

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ngày 11/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Phát biểu tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Luật Giao dịch điện tử có ý nghĩa rất quan trọng đến việc xây dựng một Việt Nam số. Nếu làm không tốt, vi phạm các nguyên tắc cơ bản căn bản của môi trường số thì sẽ không khả thi, không đủ nguồn lực để thực thi, thậm chí có thể là vật cản cho sự phát triển số của Việt Nam.

Do đó, Ban soạn thảo đã cân nhắc hết sức thấu đáo, mọi khía cạnh trong quá trình xây dựng luật trên nguyên tắc ngành nào quản lý lĩnh vực nào thì sẽ quản lý lĩnh vực đó trên môi trường số.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Luật Giao dịch điện tử được sửa đổi theo nguyên tắc “thực sao thì số vậy” và “số phải phong phú hơn thực”. Trong đời thực có những ngoại giao dịch gì về độ tin cậy khác nhau, chi phí khác nhau, độ phức tạp khác nhau đã được luật pháp quy định thì cũng sẽ được ánh xạ vào môi trường số.

Vì vậy, Luật sửa đổi phải đảm bảo có độ phủ rộng và đảm bảo chi phí phải thấp hơn trong môi trường thực, làm phong phú hơn các loại giao dịch, tránh việc lên môi trường số thì phức tạp hơn, đắt hơn. Dự thảo luật cũng bổ sung quy định pháp lý về một số dịch vụ đảm bảo tin cậy cho các giao dịch trên môi trường số. Ban soạn thảo đã đặt mục tiêu là ngôn từ trong sáng, đơn giản và dễ hiểu...

Trước khi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu, qua thảo luận, đa số ý kiến của các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật giao dịch điện tử, phát triển giao dịch điện tử, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển Chính phủ số kinh tế số và xã hội số. Tuy nhiên, vẫn còn một vài ý kiến về vấn đề an toàn thông tin và an ninh mạng trong giao dịch điện tử.

Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) phát biểu tại phiên thảo luận
Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) phát biểu tại phiên thảo luận

Theo đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng), trong giao dịch điện tử, dữ liệu là yếu tố quan trọng nhất, bao gồm việc quy định quyền và nghĩa vụ của người tạo ra dữ liệu, quyền của người sử dụng dữ liệu, các quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng dữ liệu. Tuy nhiên, trong dự thảo luật chưa quy định rõ các nội dung này.

Đại biểu Cường đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các tranh chấp liên quan. Cụ thể là tranh chấp trong sử dụng, khai thác, phân tích, kinh doanh các dịch vụ liên quan đến dữ liệu được tạo ra trong các giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng cần được quan tâm.

Cũng theo đại biểu Cường, Việt Nam đã có một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về bảo vệ thông tin cá nhân như Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng. Thế nhưng, các quy định chưa hoàn toàn cụ thể và xác thực với hoạt động giao dịch điện tử.

Đại biểu đoàn Đà Nẵng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định vào Điều 8 về các hành vi bị cấm. Đó là nghiêm cấm hành vi làm lộ, lọt thông tin cá nhân khi chưa được sự cho phép hoặc thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có hoạt động giao dịch điện tử.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) bày tỏ băn khoăn một số nội dung trong dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) bày tỏ băn khoăn một số nội dung trong dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng một số thông tin liên quan đến bí mật Nhà nước, an ninh, quốc phòng, bí mật công tác bí mật kinh doanh có thể có nguy cơ lộ, lọt, bị chiếm đoạt khi thực hiện giao dịch điện tử.

Đại biểu nêu rõ, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh hướng tới 2 mục tiêu, đó là tạo điều kiện tốt hơn trong ứng dụng giao dịch điện tử trong toàn bộ hoạt động kinh tế-xã hội và tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc chuyển đổi chuyển đổi số của đất nước. 

"Với 2 mục tiêu trên, vấn đề đặt ra liệu các điều kiện bảo đảm sẽ như thế nào và có bảo đảm được sự an toàn, tin cậy trong giao dịch điện tử hay không?", đại biểu Hoa đặt câu hỏi. Ngoài ra, vị đại biểu này cũng bày tỏ băn khoăn thực hiện giao dịch điện tử như thế nào với nhóm dịch vụ công trực tuyến chưa triển khai được ở mức 3, mức 4.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate