August 02, 2021 | 09:57 GMT+7

Luật Phòng chống rửa tiền bộc lộ nhiều bất cập

Sau hơn 8 năm thi hành, Luật Phòng chống rửa tiền đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động phòng, chống rửa tiền...

Đến  nay Việt Nam chưa phát hiện tội phạm rửa tiền
Đến nay Việt Nam chưa phát hiện tội phạm rửa tiền

Có hiệu lực thi hành từ năm 2013, Luật Phòng, chống rửa tiền được xem là văn bản pháp lý toàn diện quy định về phòng, chống rửa tiền theo định hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, sau hơn 8 năm thi hành, bộ luật này đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động phòng, chống rửa tiền.

Từ năm 2013 đến nay, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành hơn 500 cuộc thanh tra, trong đó có nội dung thanh tra về phòng chống rửa tiền và tiến hành ba cuộc thanh tra chuyên đề về phòng chống rửa tiền đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Kết quả ban đầu cho thấy về cơ bản các ngân hàng đã tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố, chưa phát hiện những vi phạm nghiêm trọng đến mức phải xử phạt vi phạm hành chính.

CHƯA PHÁT HIỆN TỘI PHẠM RỬA TIỀN TẠI VIỆT NAM

Liên quan đến hoạt động này, báo cáo của Bộ Tài chính gần đây cho biết, từ năm 2013 đến nay, cơ quan này đã tiến hành 11 cuộc thanh tra về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bảo hiểm, 68 cuộc thanh tra trong lĩnh vực chứng khoán, 52 cuộc thanh tra trong lĩnh vực quản lý quỹ, 6 cuộc thanh tra trong lĩnh vực kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng.

Báo cáo của Bộ Xây dựng, cho biết năm 2013 đã tiến hành ba đợt kiểm tra tại 24 sàn bất động sản ở Hà Nội về công tác phòng, chống rửa tiền và 62 cơ sở đào tạo nghiệp vụ môi giới, định giá và quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản về đào tạo phòng, chống rửa tiền. Năm 2015 đã tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống rửa tiền tại 10 sàn giao dịch lớn trên địa bàn Thành phố Hà Nội… chưa phát hiện trường hợp vi phạm nào.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, những năm qua, Bộ đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra về tổ chức, hoạt động của luật sư, công chứng nhưng chưa phát hiện trường hợp nào khi thực hiện dịch vụ pháp lý, công chứng có liên quan đến giao dịch nghi ngờ rửa tiền.

Tương tự, Bộ Quốc phòng cũng chưa phát hiện tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân của quân đội vi phạm pháp luật, quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Tại cuộc họp thẩm định dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền mới đây tại Hà Nội, nhiều ý kiến lưu ý rằng Việt Nam chưa phát hiện tội phạm rửa tiền không có nghĩa là Việt Nam không có tội phạm rửa tiền.

Nhìn vào kết quả kiểm tra, rà soát việc xây dựng, ban hành quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền trong các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, trò chơi có thưởng và casino, bất động sản, luật sư, kế toán, công chứng cho thấy nhận định trên không phải là không có cơ sở.

NHIỀU ĐƠN VỊ NÉ TRÁNH GỬI BÁO CÁO KIỂM TOÁN NỘI BỘ

Lĩnh vực ngân hàng đến nay mới có 89 trong tổng số 98 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; có 24 trong tổng số 27 công ty tài chính, có 13 công ty cho thuê tài chính đã gửi quy định nội bộ về Cục Phòng chống rửa tiền. Tuy nhiên mới có khoảng 70% đơn vị trong số đó gửi báo cáo kiểm toán nội bộ về công tác phòng, chống rửa tiền.

Trong lĩnh vực bảo hiểm, mới có 13 trong tổng số 18 đơn vị gửi quy định nội bộ về Cục Phòng chống rửa tiền và hơn 60% đơn vị trong số này gửi báo cáo kiểm toán nội bộ về công tác phòng, chống rửa tiền.

Ẩn số nhất và cũng nhạy cảm nhất là lĩnh vực chứng khoán. Tính đến nay mới có 49 trong tổng số 83 đơn vị gửi quy định nội bộ về Cục Phòng chống rửa tiền và chỉ có 30% đơn vị đã gửi báo cáo kiểm toán nội bộ về công tác phòng, chống rửa tiền.

Là lĩnh vực nhạy cảm không kém nhưng ngành nghề bất động sản hiện mới có 6 đơn vị gửi quy định nội bộ về Cục Phòng chống rửa tiền, có 4 sàn giao dịch bất động sản và 9 sở xây dựng đã gửi báo cáo kiểm toán nội bộ về công tác phòng, chống rửa tiền.

Lĩnh vực được xem là có nguy cơ rửa tiền cao nhất là trò chơi có thưởng và casino đến nay đã có 34 trong tổng số 44 đơn vị đã gửi quy định nội bộ về Cục Phòng chống rửa tiền và 8% đơn vị đã gửi báo cáo kiểm toán nội bộ về công tác phòng, chống rửa tiền.

Đặc biệt lĩnh vực luật sư, kiểm toán, công chứng đến nay chưa có một đơn vị nào gửi quy định nội bộ, báo cáo kiểm toán nội bộ về công tác phòng, chống rửa tiền về Cục Phòng chống rửa tiền.

SẼ MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG BÁO CÁO

Theo Hội đồng thẩm định, việc dự thảo bổ sung một số nhóm đối tượng báo cáo như tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng, tổ chức kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo… là cần thiết nhằm điều chỉnh kịp thời các hoạt động mới phát sinh trong thực tiễn.

Tuy nhiên, việc bổ sung đối tượng báo cáo cần thiết lại chưa gắn liền với việc phân loại nghĩa vụ, phân loại trách nhiệm của từng đối tượng báo cáo theo mức độ rủi ro.

Ví dụ như các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải thực hiện các nghĩa vụ giống như với các tổ chức tài chính. Trong khi đó, các tổ chức này không thiết lập quan hệ trực tiếp cũng như không quản lý hồ sơ khách hàng mà chỉ hỗ trợ các tổ chức thanh toán, đơn vị chấp nhận thanh toán hoặc các tổ chức trung gian thanh toán khác để thực hiện giao dịch của khách hàng…

Đối với các quy định về giao dịch liên quan tới công nghệ mới, dự thảo yêu cầu đối tượng báo cáo phải thực hiện đánh giá rủi ro về rửa tiền trước khi đưa các sản phẩm hoặc dịch vụ ứng dụng công nghệ mới ra thực tiễn.

Theo Hội đồng thẩm định, cần quy định rõ hơn về đánh giá rủi ro rửa tiền để tránh phát sinh các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh mới cho doanh nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp xây dựng công nghệ nền tảng trung gian nhằm hỗ trợ giao dịch của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gốc với khách hàng và đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Quy định này rất dễ phát sinh các giấy phép con, điều kiện kinh doanh mới cho doanh nghiệp trung gian.

Liên quan đến quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin của đối tượng báo cáo, Luật hiện chỉ cho phép doanh nghiệp cung cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mà chưa cho phép cung cấp cho đối tượng khác. Tuy nhiên, thực tế những doanh nghiệp trung gian thanh toán hiện nay đang phải thực hiện cung cấp thông tin cho các ngân hàng đối tác để phục vụ cho nhu cầu xác thực thông tin cho mục đích phòng chống rửa tiền.

Như vậy, không chỉ doanh nghiệp trung gian mà cả các ngân hàng cũng đang vi phạm luật, vi phạm quy định về bảo mật thông tin khách hàng. Do đó, quy định này cần được làm rõ hơn trong Dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền sửa đổi.

 
Bà Đặng Hoàng Oanh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp  
Bà Đặng Hoàng Oanh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp  

"Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi phải khắc phục được những hạn chế nội tại trong các quy định của pháp luật, đồng thời nhằm bảo đảm sự phù hợp với các yêu cầu và chuẩn mực quốc tế và qua đó nâng cao công tác phòng, chống rửa tiền trong thời gian tới.

Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi đã sửa tới 34 trong tổng số 50 điều. Điều đó cho thấy một sự bổ sung rất nhiều chính sách lớn góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền nói riêng và công tác phòng, chống tội phạm nói chung".

Ông Phạm Tiên Phong - Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước.
Ông Phạm Tiên Phong - Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước.

"Theo kết quả sơ bộ đánh giá đa phương của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về phòng, chống rửa tiền cho thấy cơ chế phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố của Việt Nam vẫn còn nhiều thiếu hụt và khoảng trống.

Nhận thức điều này sẽ tác động đến danh tiếng và nền kinh tế của đất nước nên trong thời gian tới Việt Nam sẽ hoàn thiện khung pháp lý để giải quyết các thiếu hụt về tuân thủ kỹ thuật. Cùng với đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện hiệu quả hoạt động phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Hoàn thiện công cụ và thực hiện thanh tra trên cơ sở rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố trong các lĩnh vực quản lý… Tăng cường nguồn lực tập trung điều tra, truy tố, xét xử rửa tiền hướng đến cải thiện hoạt động thu hồi tài sản".

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate