Sáng nay 14/3, tại phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Đây là dự án luật được đánh giá là đặc biệt quan trọng với sự phát triển của Thủ đô cũng như sự phát triển chung của đất nước.
PHÂN CẤP, PHÂN QUYỀN MẠNH MẼ CHO THỦ ĐÔ HÀ NỘI
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Theo ông Tùng, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo các quy định của một số luật và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung hai nội dung mới trong nguyên tắc áp dụng pháp luật theo hướng: Xác định rõ trong trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với Luật Thủ đô về cùng một vấn đề và quá trình triển khai áp dụng quy định này sẽ thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô nhưng việc áp dụng lại chưa được quy định cụ thể trong luật, nghị quyết đó thì UBTVQH quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ (khoản 3).
Về tổ chức chính quyền đô thị (Chương II), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan thống nhất tiếp thu, chỉnh lý các quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND thành phố Hà Nội, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố và UBND phường.
Nội dung tiếp thu, chỉnh lý các quy định về tổ chức bộ máy thể hiện sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội, giúp chính quyền Thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Cụ thể, dự thảo luật phân quyền cho HĐND thành phố Hà Nội quy định tiêu chí thành lập và quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND Thành phố (không bị giới hạn bởi quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ, cơ quan ngang Bộ về các nội dung liên quan nhưng phải bảo đảm phù hợp yêu cầu về mục tiêu, nhiệm vụ quản lý nhà nước, mục tiêu cải cách hành chính nhà nước và không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn) (khoản 4 Điều 9).
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng xác định Thường trực HĐND Thành phố hoạt động chuyên trách và có không quá 11 thành viên (dự thảo Luật trình Quốc hội quy định không quá 9 thành viên), số lượng thành viên cụ thể do HĐND Thành phố quyết định (khoản 2 Điều 9).
Phân quyền trực tiếp cho Thường trực HĐND Thành phố quyết định và báo cáo HĐND Thành phố tại kỳ họp gần nhất một số vấn đề cấp bách để bảo đảm tính kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn (khoản 5 Điều 9).
Dự thảo Luật tăng cường tổ chức bộ máy cho HĐND quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố theo hướng HĐND ở những đơn vị hành chính này có 2 Phó Chủ tịch, không quá 9 đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách và được thành lập không quá 3 Ban; Ban có thể có Ủy viên hoạt động chuyên trách (khoản 1 và khoản 2 Điều 11).
Về các nội dung phân quyền cho thành phố Hà Nội trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng phân quyền mạnh hơn, xác định rõ phạm vi, trách nhiệm của chính quyền thành phố Hà Nội trong một số lĩnh vực.
Cụ thể, dự thảo luật giao HĐND Thành phố quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của Thành phố (khoản 3 Điều 17), các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù giao Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết.
Dự thảo luật phân quyền cho UBND Thành phố phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn Thành phố bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về đê điều (khoản 6 Điều 18), Luật Đê điều giao Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Thêm vào đó, dự thảo luật phân quyền cho cơ quan chuyên môn về du lịch thuộc UBND Thành phố cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; thẩm định, công nhận, công bố, kiểm tra, thu hồi quyết định công nhận, thay đổi hạng cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao, 5 sao (khoản 7 Điều 21), Luật Du lịch giao thẩm quyền này cho Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.
Phân quyền cho UBND Thành phố quyết định thành lập, mở rộng khu công nghệ cao, ban hành quy chế hoạt động của các khu công nghệ cao do UBND Thành phố thành lập (điểm a khoản 1 Điều 24).
Dự thảo luật cũng phân quyền cho cơ quan chuyên môn về y tế thuộc UBND Thành phố thẩm định, cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý của UBND Thành phố được áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài cho phép áp dụng tại nước ngoài (khoản 5 Điều 26), Luật Khám bệnh, chữa bệnh giao Bộ Y tế.
Về một số nội dung xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến chỉ đạo, định hướng về một số nội dung như: quản lý biên chế, thu nhập tăng thêm; việc xác định cụ thể giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất; phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng; thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao; việc phân quyền cho Ban quản lý khu công nghệ cao trong việc giao lại đất, cho thuê đất trong phạm vi khu công nghệ cao.
LUẬT PHẢI GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ NỔI CỘM
Phát biểu ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này đã cơ bản bám sát đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn trong xây dựng và phát triển Thủ đô, cũng như thể chế được các chủ trương lớn của Đảng, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các nội dung của dự thảo Luật đã cơ bản đạt được sự thống nhất và thông suốt cả về quan điểm, tư duy và tầm nhìn giữa các cơ quan. Nếu Luật Thủ đô hiện hành chủ yếu mang tính chất khung, thì dự thảo Luật sửa đổi lần này đã đi vào những nội hàm rất cụ thể liên quan đến phân cấp, phân quyền.
Liên quan đến nội dung xin ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng về nguyên tắc áp dụng pháp luật, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa thêm một bước. Tuy nhiên vẫn cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, biên tập và thể hiện chặt chẽ hơn, đảm bảo tính thông nhất trong hệ thống pháp luật…
"Ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí, vấn đề tắc nghẽn giao thông, vấn đề xử lý rác thải, ngập úng… là những vấn đề nổi cộm của Thủ đô. Do đó, dự thảo Luật lần này cần phải nghiên cứu, rà soát thêm để có những quy định phù hợp trong phân cấp, phân quyền, thẩm quyền khai thác các nguồn lực, trao quyền linh động… để làm sao Thủ đô giải quyết được những vấn đề này", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ngoài ra, về các biện pháp, giải pháp thu hút, huy động nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội cho cần phải rà soát, làm rõ, đảm bảo thể chế hóa Nghị quyết só 19 của Trung ương. Đồng thời, cân nhắc việc sử dụng thuật ngữ “doanh nghiệp khởi nguồn”.
Đối với nội dung về liên kết vùng hiện dự thảo Luật đã bỏ khái niệm “vùng Thủ đô”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, quy định như vậy là rất mới. Tuy nhiên, đây là vấn đề quan trọng liên quan đến Luật Quy hoạch và Luật Xây dựng, do vậy, cơ quan soạn thảo cần phải lý giải một cách thật đầy đủ, thuyết phục, rõ tính khoa học trước Quốc hội…
Cũng tham gia ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, về việc xác định cụ thể giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất, cần quy định ngay trong Luật người sử dụng đất được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến 15 mét vào lòng đất.
"Ngoài giới hạn độ sâu này, người sử dụng đất vẫn được sử dụng nếu phù hợp quy hoạch nhưng phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải trả tiền theo quy định của Chính phủ. Việc xác định giới hạn độ sâu 15 mét là căn cứ vào phạm vi phân vùng chức năng được xác định tại Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050", ông Huy cho ý kiến.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, phương án này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho thành phố Hà Nội trong việc chủ động quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm một cách hiệu quả, xác định rõ giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất, minh bạch hóa quyền và trách nhiệm của người sử dụng đất, tạo thuận lợi cho việc khai thác giá trị gia tăng từ đất và triển khai xây dựng hệ thống đường sắt đô thị.
Về việc phân quyền cho Ban quản lý khu công nghệ cao trong việc giao lại đất, cho thuê đất trong phạm vi khu công nghệ cao, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng việc dự thảo Luật quy định Ban quản lý khu công nghệ cao có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất trong phạm vi khu công nghệ cao là cần thiết, phù hợp với năng lực quản lý của Ban với tư cách là cơ quan hành chính thuộc UBND thành phố Hà Nội, bảo đảm thống nhất về quản lý nhà nước trên địa bàn, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho việc phát huy, sử dụng có hiệu quả quỹ đất tại các khu công nghệ cao của thành phố Hà Nội mang lại giá trị và hiệu quả thiết thực.
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong 3,5 ngày, từ ngày 14-19/3. Theo chương trình phiên họp, về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giải trình, tiếp thu đối với 7 dự án luật trước khi xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sau đó trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7.
Các dự án luật gồm: Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); dự thảo Luật Đường bộ; dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ: xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 2/2024; tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Phiên họp cũng sẽ xem xét, quyết định việc thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương; và thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét công tác nhân sự.