Độ rộng thị trường sáng nay vẫn còn khá tốt, nhưng không “căn” như chiều hôm qua, nhất là nhóm cổ phiếu đầu cơ đã giảm sức nóng đáng kể. HoSE chỉ còn 9 mã kịch trần, hầu hết là thanh khoản cực thấp. Các cổ phiếu có giao dịch lớn đều giảm cường độ tăng, thậm chí nhiều mã quay đầu giảm. Thanh khoản hai sàn niêm yết sáng nay đạt mức kỷ lục kể từ đầu tháng 12 năm ngoái.
VN-Index chốt phiên sáng giảm 0,29 điểm tương đương -0,03%. Biên độ giảm ở chỉ số nhẹ và cũng không có gì bất ngờ khi nhóm blue-chips tiếp tục thể hiện sự trì trệ. VN30-Index tăng 0,07% với 11 mã tăng/15 mã giảm dù đầu ngày tất cả đều tăng tốt.
Với trạng thái giao dịch yếu sẵn từ lâu, diễn biến đáng chú ý hơn là ở nhóm cổ phiếu đầu cơ vừa và nhỏ. Nhóm này hôm qua tăng rực rỡ, hút tiền dữ dội. Đến sáng nay sức nóng đã hạ nhiệt đáng kể. Chỉ số Midcap tăng 0,31%, Smallcap tăng 0,25% và chỉ những cổ phiếu còn thanh khoản thấp mới có thể tăng.
HoSE kết phiên sáng với 200 mã tăng và 159 mã giảm, nhưng số tăng chỉ còn 92 mã đạt biên độ trên 1%. Nhóm 9 cổ phiếu kịch trần là VRC, KHP, SVC, MHC, QCG, LGL, PLP, TDH và SGT. Tất cả số này đều mới khớp lệnh dưới 5 tỷ đồng thanh khoản và kể cả lượng dư mua trần hiện có cũng không mã nào tới được 10 tỷ đồng tổng giao dịch.
Các mã giao dịch lớn nhất còn tăng trên 1% ít nhiều có tín hiệu chốt lời mạnh. VND thanh khoản lớn nhất với 384,8 tỷ đồng, giá tăng 1,47% nhưng cũng đã tụt xuống gần 1% so với đỉnh. DIG tụt tới 2,3%, còn tăng 1,44% dưới sức ép thanh khoản 303,5 tỷ đồng. NVL cũng tụt hơn 1%, còn tăng 3,07% với giao dịch 268 tỷ. DXG, DGC, NKG, DGW, HSG thanh khoản cũng trên trăm tỷ đồng và giá đang tụt xuống. HoSE sáng nay có 15 cổ phiếu thanh khoản từ 100 tỷ đồng trở lên thì chỉ có các mã đang được đầu cơ mạnh như VND, DIG, PDR, NVL, DXG là còn lực đỡ khỏe.
Thống kê tổng thể sàn này, khoảng 48% số cổ phiếu có phát sinh giao dịch đã tụt giá từ 1% trở lên so với mức đỉnh đầu ngày. Chưa tới 10% số cổ phiếu có giao dịch còn giữ được giá cao nhất (khoảng 34 mã). Trong khi đó thanh khoản của HoSE tăng gần 37% so với sáng hôm qua, đạt 7.119 tỷ đồng. Ở góc độ nào đó, thanh khoản tăng, giá bị ép xuống thể hiện áp lực bán tăng, nhất là khi thanh khoản sáng nay đạt kỷ lục kể từ đầu năm.
Dĩ nhiên với hoạt động đầu cơ, giá tăng nóng tất yếu dẫn tới chốt lời. Mục tiêu bảo toàn lợi nhuận vẫn cao hơn nhu cầu mua và nắm giữ với các mã dạng này. Các nhà đầu cơ đều hiểu rõ hoạt động lướt sóng là dựa trên yếu tố “mua thời gian” và người đến sau sẽ chịu rủi ro cao hơn người đến trước.
Với nhóm cổ phiếu blue-chips VN30, thanh khoản sáng nay cũng tăng gần 49% so với sáng hôm qua, đạt 2.134 tỷ đồng, cao nhất 12 phiên. Tuy vậy nhóm này còn thể hiện sức ép rõ hơn là cổ phiếu nhỏ. Đầu ngày cả rổ VN30 tăng, một số được đầu cơ mạnh như PDR kịch trần, NVL tăng 4,21%. Chốt phiên sáng đã có 15 mã tụt hẳn xuống dưới tham chiếu và không mã nào còn giữ được giá cao nhất. Các trụ đỡ còn có ảnh hưởng lên VN-Index rất mờ nhạt: MSN tăng 0,84%, NVL tăng 3,07%, MWG tăng 1,29%, VPB tăng 0,52%, PDR tăng 5,84% là các trụ tốt nhất. Có thể thấy các mã vốn hóa lớn nhất đã không thật sự là trụ. GAS, VIC, VHM, VCB, VNM, TCB, GVR, BID đều đã giảm xuống dưới tham chiếu.
Khối ngoại sáng nay có hai giao dịch thỏa thuận đáng chú ý. Đầu tiên là mua ròng FPT khoảng 293 tỷ đồng và bán ròng EIB gần 700,1 tỷ đồng. VIC cũng được mua ròng 100,6 tỷ. Ngoài các giao dịch này, khớp lệnh khá yếu và chủ đạo là bán ròng: NVL -34,7 tỷ, VNM -20,6 tỷ, HPG -15,9 tỷ. Mua ròng khớp lệnh lớn nhất là DGW cũng chỉ chưa tới 12 tỷ. Tính chung vị thế của khối này là bán ròng 437,6 tỷ đồng trên HoSE, bán ròng 19,2 tỷ trên UpCOM và bán ròng 9,4 tỷ trên HNX. Do các giao dịch bán lớn nhất chủ yếu là qua thỏa thuận nên sức ép của nhà đầu tư nước ngoài lên giá cổ phiếu không rõ ràng.
Thị trường hiện đang có dòng tiền đầu cơ mạnh, hoạt động chủ yếu ở các mã vừa và nhỏ, nên tác động lên hướng đi ở chỉ số không có. Đặc trưng của hoạt động đầu cơ này là diễn biến rất nhanh. Sức mạnh giá hôm nay không bao giờ có thể đảm bảo cho ngày mai và ngược lại, vì quan điểm dễ thay đổi chỉ sau một đêm.